Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở ba tháng cuối của thời kỳ thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng choáng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai.
Mục lục
Hình ảnh nhau thai bong non
Bong nhau non là gì?
Rau bong non là trường hợp rau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi được sổ ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau rau, khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi
Nguyên nhân bong nhau non
Nguyên nhân chính xác gây rau bong non chưa được biết rõ, tuy nhiên người ta nhận thấy có những yếu tố thuận lợi sau:
– Rau bong non hay gặp ở người sinh con rạ hơn là người sinh con so (80%).
– Huyết áp cao nhiễm độc thai nghén (khi có thai mới bị cao huyết áp, trước đó chưa bao giờ bị)
– Do sang chấn gây ra rau bong non:
- Chấn thương trực tiếp vào bụng (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, hoặc do tai nạn sinh hoạt (do bị đánh hoặc khi lao động bị ngã)
- Do dấu kim đâm vào lá rau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau rau làm rau bong
- Do thủ thuật ngoại xoay thai không đúng kỹ thuật làm kéo dây rốn gây rau bong non
Triệu chứng nhau bong non
– Triệu chứng cơ năng:
- Đau: Đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột, bắt đầu từ tử cung đau xiên ra sau lưng và lan xuống đùi sau đó lan khắp cả bụng. Cơn đau có tính chất liên tục kéo dài. Khi tử cung cứng như gỗ bệnh nhân đau lăn lộn vật vã hốt hoảng có dấu hiệu choáng ngày càng nặng, mạch nhanh huyết áp tụt nặng hơn nữa có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật
- Xuất huyết: Xuất huyết âm đạo có thể có hoặc không có do máu đọng lại trong tử cung mà không chảy ra ngoài. Tính chất máu chảy ra là máu đỏ sậm loãng không đông
– Triệu chứng toàn thân:
- Tình trạng vật vã kích thích do thiếu máu, người mệt lả, ngất xỉu
- Choáng xẩy ra nhanh chóng mặc dù có thể thấy máu ra âm đạo ít. Có thể có hội chứng tiền sản giật đi kèm, lúc đầu huyết áp hơi tăng về sau giảm, mạch chậm, chân tay lạnh vã mồ hôi da niêm mạc nhợt nhạt… Bệnh nhân choáng không đi đôi với số lượng máu mất ra ngoài âm đạo
– Triệu chứng thực thể:
- Tử cung co cứng là triệu chứng quan trọng nhất. Tử cung co cứng một cách bất thường, trương lực cơ bản của tử cung cũng cao hơn bình thường, trong những thể nặng tử cung cứng như gỗ.
- Bề cao tử cung ngày càng tăng, khối máu tụ càng lớn làm tử cung càng tăng lên
- Sờ nắn phần thai qua thành bụng khó khăn do tử cung co cứng
- Nghe tim thai thay đổi nhanh chóng hoặc không nghe được trong những thể nặng. Những thể nhẹ cũng có thể nghe được nhưng khó khăn, thường diễn tiến đến suy thai rất nhanh chóng.
- Khám âm đạo cổ tử cung siết cứng như vòng nhẫn, ối căng phồng, bấm ối thấy nước ối lẫn máu đỏ
– Triệu chứng cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu: Công thức máu không thay đổi hoặc thay đổi rất ít. Sinh sợi huyết hơi tăng giai đoạn đầu về sau giảm
- Xét nghiệm nước tiểu có albumin niệu
- Siêu âm sẽ thấy hình ảnh máu tụ là một khối echo đồng nhất sau rau
Các thể lâm sàng
Rau bong non thể chảy máu (nhẹ, trung bình, nặng) và thể tiềm ẩn (từ trái qua phải)
– Thể tiềm ẩn: Triệu chứng lâm sàng không rõ rệt. Chuyển dạ tiến triển vẫn bình thường, bé sinh ra khoẻ mạnh bình thường. Trường hợp này chỉ chẩn đoán được sau khi sổ rau kiểm tra thấy mặt mẹ của lá rau có dấu ấn lõm do khối máu tụ sau rau
– Thể nhẹ: Các triệu chứng không đầy đủ, chẩn đoán trước sinh thường không rõ ràng. Đau bụng nhẹ, tử cung hơi cường tính, không có dấu hiệu choáng, chảy máu ít. Nghe tim thai bình thường hoặc hơi nhanh
– Thể trung bình: Có dấu hiệu choáng nhẹ, tử cung co cứng nhiều và đau bụng. Nghe tim thai chậm rời rạc. Ra máu âm đạo lượng vừa.
– Thể nặng: Thể nặng còn gọi thể phong huyết tử cung nhau hay hội chứng Couvelaire. Tình trạng choáng nặng xảy ra nhanh chóng. Tử cung co cứng như gỗ. Thai chết. Thường có kèm thêm các triệu chứng của hội chứng tiền sản giật, sản giật. Khám âm đạo thấy cổ tử cung bị siết cứng xoá mỏng nhưng không mở được, ối căng phồng
Bộ môn sản ĐHYHN