Trên thực tế hiện nay, việc sử dụng quá nhiều thuốc tân dược để điều trị bệnh đã làm người dân bỏ qua những phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả như tự day và bấm huyệt. Vậy các huyệt đó được đặt ở đâu? Và những nguyên tắc cơ bản để thực hiện day và bấm huyệt là gì? Chúng ta hãy cùng benh.vn bắt đầu từ những bước đơn giản nhất!
Mục lục
Vị trí các huyệt trên khuôn mặt
Huyệt trên cơ thể là nơi được coi như cầu nối tiếp xúc giữa bên trong cơ thể và bên ngoài cơ thể. Huyệt cũng là nơi tập trung nhiều đầu mút dây thần kinh và hết sức nhạy cảm khi tác động vào. Khuôn mặt con người là nơi tập trung đặc biệt nhiều huyệt đạo có giá trị lớn trong điều trị và chẩn bệnh.
Huyệt là gì ?
Huyệt theo định nghĩa phổ biến nhất của Đông Y là nơi thần khí có khả năng ra vào, chịu trách nhiệm cho việc xuất ra ngoài các đáp ứng của cơ thể và nhập các tín hiệu từ ngoài môi trường vào trong cơ thể. Theo Tây Y, huyệt là vị trí các đầu dây thần kinh tự do, không có myelin ở lỗ chân lông. Các đầu dây thần kinh, huyệt này có một số tác dụng như sau.
- Cảm nhận đụng chạm: phân bố ở da, chân lông, đầu ngón tay, chân, lưỡi, núm vú, ở dưới da, lớp sâu của da, bao khớp, dây chằng mang liên cốt (xương), màng xương, cân mạc treo, vỏ bao mạch máu, mô liên kết giữa các tạng.
- Cảm nhận nóng lạnh: số lượng thụ thể lạnh gấp 3 lần thụ thể nóng. Do đó, đa số con người có xu hướng nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với lạnh so với tiếp xúc với nóng.
- Cảm nhận đau: phân bố ở lớp gần biểu bì, màng xương, thành động mạch mặt khớp, màng não. Ở lướp sâu có ít thụ thể đau hơn, đây cũng là cơ chế phòng vệ của cơ thể trước các tác nhân bên ngoài.
- Cảm nhận các thay đổi bên trong cơ thể: Đáp ứng với trương lực cơ có phần cảm nhận của suốt thần kinh cơ, đáp ứng với cảm giác ở gân có tiểu thể Golgi.
- Cảm nhận các nội tạng: là các tận cùng của phó giao cảm, tận cùng giao cảm sẽ sản xuất các chất hoá học nhằm điều chỉnh hoạt động của các nội tạng trong cơ thể để chúng trở lại trạng thái bình thường. Dựa vào nguyên lý này, Đông Y sử dụng châm cứu để tác động ngược lại và điều chỉnh hoạt động bình thường của cơ thể.
Huyệt trên khuôn mặt ở những vị trí nào ?
Trên mặt có những huyệt đạo chủ yếu gồm bách hội, đầu duy, dương bạch, toản trúc, nhãn trung, địa thương… Trong đó, từng vị trí huyệt trên khuôn mặt có tác dụng chữa những căn bệnh khác nhau. Các bác sỹ Đông Y đều phải nắm chắc các vị trí huyệt đạo này khi thực hành điều trị bệnh. Một số người còn sử dụng phương pháp Diện chẩn để điều trị bệnh, dựa trên việc tập trung vào ray bấm trên huyệt đạo trên khuôn mặt.
Tác dụng của các huyệt trên khuôn mặt cơ bản
Tác dụng của các huyệt trên khuôn mặt được chia theo vị trí từng huyệt. Về cơ bản huyệt trên khuôn mặt có ảnh hưởng tới hầu hết các nội tạng trong cơ thể và nhiều chức năng thần kinh. Do đó, nắm chắc được vị trí các huyệt trên khuôn mặt, bạn có thể xử lý được một số vấn đề sức khỏe thông thường như đau mỏi, rối loạn tiêu hóa nhẹ, mỏi mắt…
Tác dụng của huyệt Bách hội
Huyệt Bách hội là huyệt rất quan trọng trong các huyệt trên khuôn mặt. Huyệt bách hội nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu của con người. Bách hội nằm trên mạch Đốc, là điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể.
Công dụng chính của huyệt này là bình can tức phong, tỉnh thần tô quyết, thăng dương cử khí thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau đầu, ngạt mũi, sa trực tràng, sa tử cung, trúng phong, điên cuồng, hay quên, ù tai, hoa mắt, mất ngủ, tim đập hồi hộp…
Huyệt Đầu duy
Vị trí huyệt Đầu duy trên khuôn mặt nằm nơi góc trán, cách bờ chân tóc 0,5 thốn, trên đường khớp đỉnh trán, từ huyệt Thần Đình (Đc.24) đo ra 4 thốn. Day bấm huyệt Đầu duy có tác dụng trị đau nửa đầu (Migraine), đau thần kinh trước trán, mí mắt rung giật.
Huyệt Dương bạch
Huyệt Dương bạch trên khuôn mặt nằm ở vị trí trước trán, trên đường thẳng qua chính giữa mắt, và phía trên lông mày cách 1 thốn. Tác dụng khi day bấm huyệt Dương bạch là trị liệt mặt, đầu và vùng trán đau, bệnh về mắt (loạn thị, quáng gà, đau thần kinh vành mắt).
Huyệt Toàn trúc
Huyệt Toàn trúc hay còn được gọi là dạ quang, minh quang, quang minh, my đầu, viên trụ, là một huyệt nằm trên đường kinh túc thái dương bàng quang. Tác dụng huyệt trên khuôn mặt này là khử phong khí và làm sáng mắt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau mắt đỏ, hoa mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, giật mắt, đau đầu, liệt dây thần kinh mặt…
Huyệt Ấn đường
Vị trí huyệt Ấn đường là điểm nằm chính giữa hai đầu lông mày, nằm trên sống mũi. Huyệt này cũng là một huyệt khá dễ tìm và day ấn cho người bình thường. Tác dụng của huyệt trên khuôn mặt này là chữa các chứng đau đầu, có thể bấm ấn đường để chữa các triệu chứng của cảm cúm.
Huyệt Quyền liêu
Huyệt Quyền liêu nằm ở bên cạnh (liêu) gò má (quyền), vì vậy gọi là Quyền Liêu. Tác dụng của huyệt trên khuôn mặt này trị liệt mặt, cơ mặt co giật, răng đau, dây thần kinh sinh ba đau.
Huyệt Nhân trung
Huyệt Nhân trung nằm ở vùng rãnh mũi – môi nên gọi là Nhân Trung hoặc Thuỷ Câu. Tác dụng của huyệt trên khuôn mặt này là khai khiếu, thanh nhiệt, thanh định thần chí, khu phong tà, tiêu nội nhiệt, lợi vùng lưng và cột sống, điều hòa nghịch khí của Âm Dương.
Huyệt Nghinh hương
Vị trí huyệt là điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cách mũi và rãnh mũi – miệng. Tác dụng trị các bệnh về mũi, mặt ngứa, mặt phù, liệt mặt (liệt dây thần kinh VII), giun chui ống mật.
Huyệt Địa thương
Vị trí cách khóe miệng 0, 4 thốn, hoặc trên đường ngang qua mép và rãnh mép mũi, nơi đan chéo của cơ vòng môi, cơ gò má lớn. Tác dụng trị liệt mặt, dây thần kinh tam thoa đau, chảy nước dãi.
Huyệt Thừa tương
Vị trí ở đáy chỗ lõm, chính giữa và dưới môi dưới, trên đường bổ dọc giữa hàm dưới. Tác dụng trị miệng méo, mặt sưng, răng đau, lợi răng sưng, chảy nước miếng, đột nhiên mất tiếng, điên cuồng.
Phương pháp day bấm huyệt trên khuôn mặt
Trong thực hành day bấm huyệt trên mặt, người thực hành cần lưu ý nắm vững phương pháp thực hiện. Tránh sử dụng tùy tiện mà không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí một số trường hợp làm sai cách còn gây phản ứng ngược lại.
Phương pháp chuẩn để day bấm huyệt trên khuôn mặt
Có nhiều phương pháp bấm huyệt khác nhau đang được lưu truyền, tuy nhiên, phương pháp day bấm huyệt trên mặt phổ biến nhất được các bác sỹ Đông Y hướng dẫn như sau.
- Day theo chiều kim đồng hồ.
- Lực ấn đủ mạnh.
- Duy trì bấm huyệt 2-3 lần/ngày; hàng tuần (trong thời gian mệt mỏi, đau ốm…)
- Ngoài ra có thể gõ, vỗ vào các vùng huyệt tùy theo các bài tập.
Những lưu ý khi day bấm huyệt trên khuôn mặt để trị bệnh
Bạn không nên kỳ vọng việc day bấm huyệt trên khuôn mặt có thể trị bệnh triệt để hoặc là “liệu pháp thần kỳ” giúp chữa mọi loại bệnh mà không cần dùng thuốc. Đây là một phương pháp khoa học được áp dụng từ hàng ngàn năm trong Y học phương Đông, tuy nhiên, khi day bấm huyệt trên khuôn mặt cũng cần lưu ý như sau:
- Lưu ý kết hợp bấm huyệt với vận động, tập thể dục và chế độ ăn uống nhiều rau xanh, hoa quả… để có hiệu quả tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật tốt nhất.
- Những trường hợp bệnh nặng cần đưa ngay tới cơ sở y tế để thăm khám chứ không tự làm tại nhà.
- Trong thực hành y khoa, day bấm huyệt là biện pháp hỗ trợ, thường không phải là biện pháp điều trị chủ chốt. Do đó, bạn chỉ nên kỳ vọng hiệu quả của phương pháp này ở mức duy trì, hỗ trợ, không nên coi đây là biện pháp chính để điều trị bệnh.
- Những trường hợp bệnh lý nghi do nhiễm trùng, nhiễm virus… nên tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, không nên day bấm huyệt.