Chúng ta dạy con biết bao điều nào là ăn ra sao, uống thế nào, đi chào về hỏi ra sao và rồi mơ ước đại học của con thế nào, nhưng khi động vào vấn đề giới tính và tình yêu thì các ông bố bà mẹ thường hay lảng tránh. Chúng ta ít khi nói cho con nghe phải ứng xử sao khi bị phụ tình, để đến khi con chìm vào trong đau khổ, lạc lối rồi mới nói chúng đâu có nghe ta nữa.
Những ân hận muộn màng
Bao nhiêu hoài bão cho một đứa con ngoan, lễ phép, tương lai đang mở rộng, cánh cửa đại học đang chào đón rồi bổng một hôm tất cả những điều đó trở nên vô nghĩa khi thằng con chừng mười mấy đôi mươi rơi cái rầm từ lầu cao xuống, giết người yêu vì bị phụ tình v.v…Những mơ ước chưa kịp bắt đầu, kiến thức chưa kịp vận dụng, sự khôn ngoan cũng chưa kịp thi thố với đời. Thì tất cả đã vụt tắt.
Có những phiên tòa mà khi đứng trước vành móng ngựa bố mẹ của nạn nhân lẫn thủ phạm đều ân hận: tại sao mình không dạy nó biết cách ứng xử trước những biến cố, trắc trở của cuộc đời. Phiên toà kép lại chỉ toàn nước mặt và sự ân hận muộn màng.
Làm gì khi con thất tình ?
Thất tình là trạng thái tâm lý mà ai cũng có thể từng trải qua hoặc từng gây ra cho người khác; bị tình phụ hay phụ tình cũng vậy. Và nỗi buồn sau khi bị thất tình hay bị phụ tình ấy đưa bạn đi về đâu?
“Trên đường đời lẫn trong tình yêu, việc vấp ngã là không thể tránh khỏi”.
Tuổi mười sáu, ta có thể khóc như thằng bé lên ba bị giành bánh khi cô bé mà mình để ý quá giang xe của đứa khác sau buổi tan trường. Cũng có đứa thay vì buồn khóc thì tẩn cu kia một trận. Tệ hơn, khi sự tổn thương và nỗi buồn được khuyếch đại, người ta còn có thể hành xử như con thú, cắn giết nhau.
Bố mẹ thường chỉ tìm hiểu xem cái đứa đang tán tỉnh hoặc được con mình tán tỉnh là ai, học hành thế nào, có phải con nhà tử tế hay không. Chúng ta thường phán xét và ít khi nghe con nói. Chúng ta cũng ít khi nói cho con nghe phải ứng xử sao khi bị phụ tình. Đôi khi chúng ta tặc lưỡi: thôi để đời dạy nó.
Vâng, đời sẽ dạy nó, sẽ đến tuổi nào đấy người ta biết nuốt nỗi buồn vào trong và để thời gian xoa quên một gương mặt. Nhưng những đổ gãy, mất mát lẽ ra đã không xảy ra hoặc được giảm thiểu nếu ta nói với chúng rằng: “Đừng trốn tránh nỗi buồn nhưng cũng đừng quá bi lụy. Phải biết chấp nhận. Có thể cô bé kia nó bỏ con vì anh chàng kia nó có gì đó hay hơn con, cũng có thể việc bỏ rơi con là sai lầm của cô ấy, hãy chứng mình cho cô bé đó thấy đó là sai lầm của nó hơn là con để cô bé đó thấy rằng việc bỏ con là hoàn toàn chuẩn xác”. Nhưng bất luận thế nào, hãy nói với chúng rằng những khung trời đẹp vẫn còn phía trước.
Hãy nói với chúng đời chẳng có cái gì hoàn mỹ, ngoài việc phải học hành, làm việc, phải tích lũy giá trị cho bản thân. Và trên con đường đời lẫn trong tình yêu, việc bị vấp ngã bong gân hay gai đâm đau nhức cũng bình thường, hãy đứng lên và đi tiếp. Cha mẹ thường nói: “Buồn làm chi, không yêu đứa này thì đời còn thiếu gì đứa khác!” câu nói có thể đúng nhưng nó chẳng có tí tác dụng nào đối với đứa thất tình. Bởi chẳng ai muốn so sánh tình yêu của mình với một mối tình còn ở đâu đâu trong thiên hạ.
Con cái chúng ta đến tuổi lớn, hãy nói với chúng về giá trị của chúng đối với gia đình, hãy nói về những giá trị chúng cần vươn tới nếu muốn được tôn trọng và được yêu thương. Nhưng cũng đừng bỏ qua những bài học về sự thất bại. Đôi khi bạn còn nên dạy con những bài học về sự thất bại trước những bài học thành công để chúng vững vàng hơn nếu không cũng hoặc biết cách xoay chuyển trước dông tố, chờ sóng yên biển lặng.
Benh.vn