Hàng ngày dù bận đến mấy, mẹ Nhật cũng đều vẫn có thời gian chơi với con. Cô Yoshida bảo vật chất dù đầy đủ cỡ nào cũng không bù đắp được tình cảm của bố mẹ dành cho con cái. Vật chất đầy đủ chưa chắc đã là tốt cho con, cần nhất là sự yêu thương quan tâm của bố mẹ. Khi chơi với con mình sẽ hiểu con mình hơn, hơn nữa sợi dây gắn kết bố mẹ và con cái sẽ càng thêm bền chặt.
Mục lục
Không làm thay trẻ mọi thứ mà hãy để con được thỏa sức sáng tạo.
Dưới con mắt của một người Nhật, cô Yoshida thấy ở Việt Nam khi đến các công viên chơi dịp cuối tuần thấy các gia đình đưa con đến chơi rất đông. Công viên là một nơi rất tốt dành cho trẻ, không khí ở đó tốt và cũng là địa điểm thích hợp cho trẻ vui chơi. Nhưng điều kỳ lạ là có rất nhiều bố mẹ cho con chơi trò tô tượng nhưng lại chẳng để con được quyền quyết định sẽ tô màu gì lên bức tượng của chúng, thậm chí còn có rất nhiều cha mẹ tô hộ con mình cả bức tượng và việc của trẻ chỉ là ngồi xem bố mẹ làm.
Đó thực sự là điều không nên làm, hãy tin tưởng con mình và hãy cho con quyền được sáng tạo. Hãy để trẻ tự mình làm những điều đó, trao cho trẻ quyền quyết định sẽ tô màu gì nên bức tượng của chúng. Cũng như sau này để trẻ được sống với đam mê của mình.
Hãy để con được thỏa sức sáng tạo.
Để trẻ học cách tự lập, những việc trẻ có thể làm thì hãy để con làm.
Bé Yamada mới 5 tuổi nhưng đã có thể tự biết mặc quần áo cho mình. Hàng ngày cô Yoshida sẽ chuẩn bị sẵn đồ cho bé và khi ngủ dậy bé sẽ tự mình mặc đồ. Đặc biệt bé rất tự giác. Cô bảo buổi tối hay sáng ngủ dậy bé đều bảo mẹ dẫn đi đánh răng. Cô chỉ cần lấy bản chải và kem đánh răng giúp bé, những việc về sinh cá nhân như tắm, rửa chân tay bé có thể tự mình làm lấy. Đặc biệt bé còn biết bỏ quần áo bẩn của mình vào máy giặt mà cô không cần phải nhắc nhở.
Hãy để con được phạm lỗi và biết đối mặt với thất bại.
Đừng vì sợ con mình buồn hay tổn thương mà luôn làm mọi điều thay con. Những lúc con đùa nghịch đồ chơi tung ra khắp phòng thì cũng đừng tức giận với “bãi chiến trường đó” hay khi con tháo tung đồ đạc nào đó trong nhà cũng đừng quát mắng trẻ. Hãy giảng giải để trẻ biết mình có lỗi như nào và điều đó có thể gây ra những hậu quả gì sẽ tốt hơn là chỉ quát mắng làm trẻ sợ.
Cũng đừng lúc nào cũng tung hô con mình là nhất, phải biết đối mặt với thất bại để cố gắng. Cô bảo “Sau này sinh con ra đừng kỳ vọng quá lớn rằng con mình phải trở thành nguyên thủ quốc gia hay phải đạt được những thành tích phi thường gì cả.
Đối với mẹ Nhật, nhân cách mới là quan trọng chứ không phải là kiến thức (Ảnh minh họa).
Hãy chú trọng vào việc nuôi dưỡng nhân cách cho con.
Ở Nhật Bản, mọi môn học đều chú trọng đến việc dạy đạo đức cho trẻ chứ không tách ra thành 1 bộ môn Giáo dục công dân như ở Việt Nam. Việc nuôi dưỡng nhân cách và đạo đức cho trẻ là toàn xã hội chung tay chứ không chỉ là việc của nhà trường.
Các con từ lúc đến nhà trẻ đã được học cách nói cảm ơn, xin lỗi, học cách giúp đỡ các bạn và còn biết nói cảm ơn với người nấu cho trẻ những bữa ăn. Đối với mẹ Nhật, nhân cách mới là quan trọng chứ không phải là kiến thức.
Ngồi nhìn bé Yamada mới 5 tuổi mà ngồi trên bàn ăn tự xúc thức ăn của mình mà không cần mẹ phải dỗ dành cho ăn, chúng tôi ai cũng “ghen tị”. Đúng là muốn tốt cho con thì người mẹ phải thật sự kiên trì và phải có cách nuôi dạy con đúng đắn. Tôi giờ chỉ mong con mình sau này sinh ra khỏe mạnh, tôi sẽ kiên trì để con có nếp sống tốt, có tinh thần tự giác. Tôi cũng mong con mình sẽ được làm điều con thích, sống đúng với những gì con đam mê. Mẹ không cần con là tổng thống gì cả mà hãy là một công dân tốt.
Benh.vn (Theo Eva)