Theo nhiều nghiên cứu khoa học và thực nghiệm lâm sàng đã chứng minh tác dụng của Hà thủ ô. Đây là một dược liệu quý được sử dụng từ xa xưa. Mời bạn đọc hãy cùng Benh.vn tìm hiểu về những bài thuốc hay từ cây Hà thủ ô.
Mục lục
- 1 Hà thủ ô trong y học Trung Hoa
- 2 Đặc điểm sống của cây
- 3 Đặc điểm nhận biết hà thủ ô đỏ
- 4 Tác dụng của hà thủ ô
- 5 Nghiên cứu công dụng chữa rụng tóc của hà thủ ô
- 6 Các bài thuốc từ Hà thủ ô
- 6.1 1. Điều trị thần kinh suy nhược, ăn uống khó tiêu dành cho người già yếu:
- 6.2 2. Điều trị da nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ:
- 6.3 3. Làm đen râu, tóc, khỏe gân xương, người ta sử dụng bài thuốc sau:
- 6.4 4. Trị mất ngủ do huyết hư:
- 6.5 5. Trị huyết áp cao:
- 6.6 6. Trị Lipit huyết cao, xơ cứng động mạch, huyết áp cao, bệnh động mạch vành:
- 6.7 7. Trị thận yếu, đau lưng mỏi gối, di tinh nặng hoăc băng lậu, đái hạ, sinh dục yếu:
- 6.8 8. Trị vết thương chảy máu:
- 7 Lưu ý khi sử dụng hà thủ ô
Hà thủ ô trong y học Trung Hoa
Tục truyền rằng ở huyện Nam Hà, Trung Quốc, có một ông lão tên là Điền Nhi, thể trạng yếu ớt từ lúc mới sinh ra. Một lần đi rừng, Điền Nhi đào được một củ lạ và thử đem tán nhỏ, hòa với rượu uống. Kỳ lạ thay, sau một thời gian uống, các bệnh đều khỏi, tóc bạc bỗng đen trở lại, da căng, ngực nở như mới đôi mươi. Thứ củ “kỳ lạ” đó chính là hà thủ ô. Nhờ có hà thủ ô, ông sống khỏe mạnh, thọ đến 160 tuổi.
Cây hà thủ ô (Ảnh minh họa)
Đặc điểm sống của cây
Hà thủ ô thuộc loại dây leo, sống lâu năm. Thân rễ phồng thành củ. Thân quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, nhẵn, có vân. Lá mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim, dài 4 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm, đầu nhọn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, cả hai mặt đều nhẵn. Bẹ chìa mỏng, màu nâu nhạt, ôm lấy thân. Hoa tự chùm nhiều nhánh. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ những lá bắc ngắn, mỏng. Bao hoa màu trắng, 8 nhụy (trong số đó có 3 nhụy hơi dài hơn). Bầu hoa có 3 cạnh, 3 vòi ngắn rời nhau. Đầu nhụy hình mào gà rủ xuống. Quả 3 góc, nhẵn bóng, đựng trong bao hoa còn lại, 3 bộ phận ngoài của bao hoa phát triển thành cánh rộng, mỏng, nguyên.
Hà thủ ô mọc hoang nhiều ở Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hà Tuyên, miền Bắc Việt Nam.
Đặc điểm nhận biết hà thủ ô đỏ
Hà thủ ô có hai loại: đỏ và trắng. Tuy nhiên, hà thủ ô đỏ mới là vị thuốc dùng trong Đông y. Hà thủ ô đỏ có hình dạng tương tự củ khoai lang, bề ngoài nhiều chỗ lồi lõm, cứng, khó bẻ. Miếng cắt ngang bên trong màu hồng, giữa thường có lõi gỗ cứng. Hà thủ ô đỏ có nhiều bột màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát
Tác dụng của hà thủ ô
- Chữa rụng tóc, tóc bạc sớm.
- Chữa đau lưng, yếu khớp gối, yếu cơ.
- Làm nhuận tràng, điều chỉnh lượng đường trong máu.
- Chữa liệt nửa người, tinh thần hồi hộp, chóng mặt, mất ngủ.
- Chữa suy nhược thần kinh, tăng cholesterol máu, sơ vữa động mạch.
- Chữa chứng huyết hư ở phụ nữ sau sinh.
- Chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Nghiên cứu công dụng chữa rụng tóc của hà thủ ô
Rất nhiều người biết đến hà thủ ô nhờ công dụng làm trẻ hóa mái tóc của loại củ này. Một nghiên cứu thực hiện trên 48 người, bao gồm 24 nữ và 24 nam, trong độ tuổi từ 30 – 60, cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc như tuổi tác, căng thẳng, hút thuốc. Họ đều được dùng 4g củ hà thủ ô, chia làm hai lần trong ngày.
Sau một tháng điều trị, 91% nam giới và 87% phụ nữ cho biết chứng rụng tóc của mình được cải thiện tốt như tóc ít rụng, khỏe và đen hơn. Không ai trong số họ gặp tác dụng phụ trong thời gian điều trị. Không chỉ vậy, trong củ hà thủ ô còn có chất đạm, tinh bột, chất béo, đặc biệt là có chất lexitin. Đây là thành phần chủ yếu của hệ thần kinh, giúp điều trị thần kinh suy nhược, suy dinh dưỡng, có lợi cho tim.
Các bài thuốc từ Hà thủ ô
1. Điều trị thần kinh suy nhược, ăn uống khó tiêu dành cho người già yếu:
Trong đó hà thủ ô là vị thuốc chính: 10g hà thủ ô, 5g táo đen, 2g thanh bì, 3g trần bì, 3g sinh khương, 2g cam thảo, 600ml nước. Tất cả đem sắc đến khi còn khoảng 200ml, uống ba lần trong ngày.
2. Điều trị da nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ:
Chúng ta có thể bồi bổ khí huyết bằng cách ăn cháo nấu với hà thủ ô. Nên bọc hà thủ ô trong vải thưa rồi cho vào nồi, nấu chung với cháo. Khi cháo nhừ, vớt hà thủ ô ra rồi cho gia vị êm nếm tùy theo khẩu vị.
Cũng có thể lấy 30g hà thủ ô nghiền thành bột, bọc chặt trong túi vải rồi nhét vào bụng một con gà mái đã làm sạch. Sau đó hầm nhừ món gà bằng nồi đất rồi ăn trong ngày.
3. Làm đen râu, tóc, khỏe gân xương, người ta sử dụng bài thuốc sau:
600g hà thủ ô đỏ, 600g hà thủ ô trắng ngâm với nước vo gạo bốn ngày đêm, cạo bỏ vỏ. Đậu đen đãi sạch, cho một lượt hà thủ ô, một lượt đậu đen vào chõ, đồ chín rồi bỏ đậu lấy hà thủ ô phơi khô, rồi lại đồ. Tiếp tục làm như vậy chín lần rồi lấy hà thủ ô sấy khô, tán bột. Việc này nhằm tận dụng chất antycyanidin trong đậu đen để giảm tính chát và gây táo bón trong hà thủ ô.
600g xích phục linh và 600g bạch phục linh, cạo vỏ, tán bột, đãi với nước trong đến khi sạch, lọc lấy bột lắng, nắm lại, tẩm với sữa mẹ rồi phơi khô. 320g ngưu tất tầm rượu khoảng một ngày, thái mỏng, đồ cùng hà thủ ô với đậu đen vào ba lần đồ cuối.
320g đương quy, 320g câu kỷ tẩm rượu, phơi khô, 320g thỏ ty tử tẩm rượu giã nát, phơi khô. 100g bổ cốt chi trộn với vừng đen, sao khô đến lúc thấy mùi thơm.
Sau khi chế biến xong, giã nát, trộn đều các vị thuốc trên, cho thêm mật ong rồi vo thành viên 0,5g, chia thành ba lần uống trong ngày, mỗi lần 50 viên. Người dùng nên uống thuốc buổi sáng bằng rượu, trưa uống với nước gừng, tối dùng với nước muối
Hà thủ ô làm cho mái tóc đen trở lại (Ảnh minh họa)
4. Trị mất ngủ do huyết hư:
Chế Hà thủ ô, Bắc sa sâm, Qui bản, Long cốt, Bạch thược mỗi thứ 12g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
5. Trị huyết áp cao:
Chế Thủ ô, Sinh địa, Huyền sâm, Sinh bạch thược, Nữ trinh tử, Hạn liên thảo, Sa Uyển tật lê, Hy thiêm thảo, Tang ký sinh, Hoài ngưu tất, mỗi thứ 12g, sắc nước uống (Hà Thủ Ô Hợp Tể – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
6. Trị Lipit huyết cao, xơ cứng động mạch, huyết áp cao, bệnh động mạch vành:
Có tác dụng làm giảm hoặc hết triệu chứng, ổn định bệnh, làm tăng sức, thường hợp với Ngân hạnh diệp, Câu đằng (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
7. Trị thận yếu, đau lưng mỏi gối, di tinh nặng hoăc băng lậu, đái hạ, sinh dục yếu:
Dùng thất Bảo Mỹ Nhiệm Đơn của Thiệu Ứng Tiết: Chế Thủ ô 20g, Bạch phục linh, Ngưu tất, Đương qui, Thỏ ti tử, Phá cố chỉ, mỗi thứ 12g, luyện mật làm hoàn, mỗi lần 12g, ngày 2 lần (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
8. Trị vết thương chảy máu:
Dùng bột Hà thủ ô xoa vào vết thương chảy máu có tác dụng cầm máu ngay (Bút Phong Tạp Hứng).
Có thể sử dụng hà thủ ô dưới dạng thuốc sắc, thuốc tán hoặc thuốc viên. Một cách dễ dàng để sử dụng vị thuốc này là thái vụn hà thủ ô, ngưu tất, sinh địa, đường quy rồi hâm với nước sôi để uống thay trà.
Lưu ý khi sử dụng hà thủ ô
- Nếu đang dùng hà thủ ô trị bệnh, nên hạn chế ăn huyết động vật, củ cải, các loại gia vị như hành, tỏi.
- Người bị táo bón, tiêu chảy không nên dùng hà thủ ô.
- Cần bảo quản hà thủ ô đã chế biến ở nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc.