Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần cùng trẻ tham gia các hoạt động đơn giản như chơi với sỏi đá, que gậy và đặc biệt là trò chuyện, ca hát, vỗ về trẻ cũng giúp cho trẻ trở nên thông minh hơn
Mục lục
Trẻ nhỏ bắt đầu học tập từ những ngày đầu đời. Quá trình đó chủ yếu phụ thuộc vào hai yếu tố: khả năng nhận biết và ghi nhớ sự vật của con người và hứng thú của mỗi người đến những người xung quanh. Dựa trên nền tảng cơ bản này, chuyên gia tâm lý học Casey Lew Williams thuộc trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ, đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về quá trình học tập của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là khía cạnh ngôn ngữ.
Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ nhỏ
Quá trình học tập của trẻ phụ thuộc vào hai yếu tố: khả năng nhận biết và ghi nhớ sự vật của con người và mối quan tâm của mỗi người đến những người xung quanh.
Trong những năm đầu đời, trẻ học tập bằng cách tìm ra những yếu tố quen thuộc trong một đoạn thông tin phức tạp mà trẻ được tiếp xúc, ví dụ như các từ trong một ngôn ngữ. Trẻ sơ sinh đặc biệt giỏi về khả năng này. Từ khi chào đời, trẻ đã bắt đầu nhận thức được các hành động lặp đi lặp lại của bố mẹ và mọi người xung quanh, như chuyển động mắt và miệng, làm ồn, hay ôm ấp vỗ về trẻ. Trẻ dần trở nên thích thú với điều đó. Với những người xung quanh, trẻ học được cách phân biệt hàng triệu lượng thông tin mà mình tiếp xúc và nhận ra sự lặp lại trong đó. Đó là khi trẻ bắt đầu học và bắt chước các hành động đó giỏi hơn bất kỳ ai.
Những trải nghiệm trong cuộc sống là một yếu rất quan trọng tác động đến quá trình học tập của trẻ. Nếu trẻ trưởng thành trong một gia đình giàu có, có điều kiện tốt để học tập và chăm sóc sức khỏe, thì đứa trẻ đó có khả năng phát triển tiềm năng của não bộ tốt và nhanh hơn đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh nghèo túng.
Hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ hay không?
Trẻ nhỏ sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn thường phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, các nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, trẻ nhỏ sống trong gia đình có điều kiện thường được tiếp xúc với khoảng 10 triệu từ trong 4-5 năm đầu đời. Trung bình, trẻ sinh ra trong gia đình hoàn cảnh hơn chỉ được tiếp xúc với khoảng 1/3 số từ đó trong cùng một khoảng thời gian. Ngôn ngữ, ngoài vai trò là một kỹ năng phức tạp mà con người học được, nó còn là yếu tố vô cùng quan trọng cho việc học tập các kỹ năng khác như đọc chữ, làm toán và thậm chí là các kỹ năng xã hội.
Bố mẹ có thể làm gì để hỗ trợ quá trình học tập và phát triển của trẻ?
Chơi đùa là yếu tố quan trọng nhất. Trong trường hợp này, bố mẹ không cần mua cho trẻ quá nhiều đồ chơi. Thứ trẻ cần là một vài vật dụng giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ khi chơi, như một vài cái que, hay một vài hòn đá. Dù trong trường hợp nào, bố mẹ cũng nên tham gia vào cuộc vui chơi của trẻ. Quá trình nhận thức cần cho trí tưởng tượng khi trẻ chơi đùa mang lại nhiều lợi ích hơn việc trẻ chỉ ngồi một chỗ nhìn ngắm bộ thẻ flashcash.
Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ cần một phương pháp hỗ trợ khác nhau từ bố mẹ. Với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể chỉ cần trò chuyện, ca hát cho trẻ nghe, hay ôm ấp, vỗ về trẻ. Khi trẻ lớn hơn một chút, những hoạt động đơn giản như lăn quả bóng trên sàn nhà cũng có thể phát huy tác dụng. Việc được tiếp xúc trực tiếp với các hoạt động như vậy có ích cho quá trình học tập và phát triển của trẻ hơn nhiều so với việc chỉ được xem tivi một cách thụ động. Đó là lý do vì sao nhiều tổ chức y tế thường khuyến cáo bố mẹ không nên cho trẻ xem tivi trong suốt hai năm đầu đời.
“Chơi nhiều hơn” dường như là một cách giải quyết khá đơn giản mà lại hiệu quả. Vậy khó khăn là gì?
Nhiều gia đình phải vật lộn kiếm sống thường không dành nhiều thời gian cho trẻ. Họ thường xuyên thay đổi công việc, không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công cộng cơ bản như giao thông, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe; đồng thời họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như áp lực hay khủng hoảng tinh thần. Vì thế, học khó có đủ thời gian và năng lượng cho việc chơi đùa với trẻ mỗi ngày
Nhưng nếu họ thực hiện được điều đó, họ có thể tạo ra sự thay đổi to lớn. Cùng giải thích vấn đề này trên cấp độ thần kinh học: trong những năm đầu đời, con người có nhiều kết nối thần kinh hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Nhiều kết nối thần kinh biến mất dần qua thời gian mà bản chất đó là dấu hiệu của quá trình học tập. Những kết nối thần kinh chứa đựng thông tin quan trọng vẫn duy trì hoạt động, trong khi các kết nối khác dần bị thoái hóa. Quá trình phát triển trí tuệ khỏe mạnh là kết quả của hoạt động vui chơi và tiếp xúc trong một thời gian dài. Và thời kỳ sơ sinh là khoảng thời gian tốt nhất để giúp các kết nối thần kinh đó hình thành.
Cẩm nang y học Benh.vn (Theo afamily/ Theo Trí Thức Trẻ)