Một mùa hè oi ả đã bắt đầu. Đây cũng là khoảng thời gian con người phải “chống chọi” lại cái nắng, nóng khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Để tránh nắng, tại các khu du lịch, nghỉ mát…vào những ngày nghỉ, lượng người đến tắm đông nghịt…Đặc biệt dịch vụ tắm bùn, tắm khoáng …rất thu hút khách.
Mục lục
Tắm bùn, tắm khoáng vừa có tác dụng hạ nhiệt, làm mát cho cơ thể, vừa giúp chữa bệnh trong những ngày hè nóng bức.Tuy nhiên không phải ai cũng biết việc tắm bùn, khoáng có lợi thế nào? Cách tắm ra sao?
Để có một mùa hè, vui, khỏe, bổ ích, Benh.vn sẽ cùng bạn đọc tìm hiều về những phương pháp tắm bùn, tắm khoáng khoa học và có lợi cho sức khỏe con người.
Lịch sử tắm bùn, tắm khoáng
Theo các tài liệu khoa học, từ thời Hy Lạp cổ đại, con người đã biết sử dụng bùn khoáng, nước khoáng để ngâm tắm nhằm thư giãn, phục hồi sức khỏe.
Từ năm 1820, phương pháp này được hoàn chỉnh và ngày càng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu, nhất là các nước Đức, Pháp, Nga….
Tắm bùn có từ thời Hy Lạp cổ đại (Ảnh minh họa)
Nguồn gốc của bùn khoáng
Từ những kết quả nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới cho thấy:
- Bùn được hình thành từ các vật chất và yếu tố tự nhiên.
- Là sản phẩm tự nhiên của môi trường trái đất, do sự thoái hóa sinh học của các chất hữu cơ (thảo mộc, cây cỏ và hoa) thông qua quá trình hóa sinh với gần 40.000 năm tuổi.
- Bùn khoáng gồm các chất hữu cơ, vô cơ, các chất có chứa cacbon. Bùn khoáng có màu đen huyền, đa số có mùi thơm, có tính acid, có thể hút nước.
Lợi ích của tắm bùn, tắm khoáng
Tác dụng chữa bệnh của bùn có được nhờ tính chất lý học, hóa học của bùn. Trong đó có tính giữ nhiệt, giữ nước, độ dẻo, quánh, phân tán… Tính chất hóa học của bùn phụ thuộc vào từng loại bùn nhưng hầu hết đều có chứa cacbonat, sunphat, phốt phát, sắt hoặc lưu huỳnh… là những chất có liên quan tới nguồn nước.
Nước khoáng có tác dụng chống viêm, chống rối loạn chức năng do lão hóa; Tăng tái tạo tế bào cơ, xương, thần kinh; Phục hồi chức năng đối với các bệnh nội, ngoại, phụ khoa, các bệnh xương khớp, đau thần kinh tọa, các bệnh tai mũi họng như viêm mũi, viêm họng, các bệnh tiêu hóa như viêm đại tràng, táo bón, các bệnh lý về da…
Với tính chất trên, việc ngâm tắm bùn khoáng, nước khoáng có tác dụng tốt đối với tuyến nội tiết, giúp cân bằng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, các bệnh mãn tính hệ vận động, bệnh da liễu, bệnh thuộc hệ thần kinh ngoại biên, chữa một số bệnh như viêm khớp mạn tính, lao hạch, mất ngủ, đau thần kinh tọa, giảm stress, bệnh vảy nến…
Bên cạnh đó, liệu pháp tắm bùn khoáng còn điều chỉnh rối loạn nội tiết, giúp da đẹp, mịn màng, tươi trẻ và săn chắc.
Cách tắm bùn khoáng
Tăm bùn khoáng rất tốt cho sức khỏe nhưng phải tắm đúng cách. Tắm được chia thành nhiều giai đoạn, chủ yếu gồm những công đoạn chính sau đây:
- Làm sạch cơ thể bằng nước khoáng nóng.
- Sau đó là công đoạn chính: tắm bùn, thoa bùn lên mặt, lên tóc và dội khắp thân thể.
- Sau 15 phút ngâm bùn là phơi nắng, để da có thời gian hấp thụ những khoáng chất trong bùn.
- Phơi nắng xong, cần tắm cho sạch bùn, sau đó ngâm người trong hồ chứa nước khoáng nóng, hồ bơi, thác nước.
Lưu ý khi tắm bùn khoáng
Sau khi tắm bùn để chữa trị những bệnh lý hay thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc không nên tắm lại bằng nước lạnh, và nhất là tắm lại bằng xà phòng (vì khi tắm lại bằng xà phòng sẽ làm trôi đi lớp khoáng chất của bùn còn lại trên da làm giảm bớt tính hiệu quả của bùn).
Đối với những người suy tim cấp, khi ngâm tắm toàn thân có thể gây nên các phản ứng như mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ, choáng váng.
Cần chú ý nhiệt độ, thời gian tắm của mỗi người khác nhau tùy theo sức khỏe. Sau mỗi lần tắm ngâm toàn thân phải lau khô người và nằm nghỉ 10-20 phút.
Cách tắm nước khoáng
3 cách tắm nước khoáng: thủy trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu
Thủy trị liệu
Thủy trị liệu được sử dụng ở các khoa vật lý trị liệu và các khu điều dưỡng suối khoáng, các hình thức sử dụng thủy trị liệu là:
- Tắm ngâm bộ phận cơ thể, tắm ngâm toàn thân.
- Tắm trong bể bơi tĩnh hoặc bồn tạo sóng, bọc chăn ẩm, ngâm trong túi nước..
- Tắm phun mưa, tắm phun tia nước áp lực, tắm phun lên…
- Tắm hơi nước, tắm hơi khô.
Thủy trị liệu giúp tăng cường lưu thông máu, do chịu áp lực thay đổi của nước, làm thuận lợi cho hồi lưu máu từ hệ tĩnh mạch về tim. Thủy trị liệu giúp phục hồi chức năng hô hấp và tim mạch, nhờ tác dụng tăng cường lưu thông máu, tăng hô hấp có lợi cho người bị bệnh hen, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim phổi mạn, người cao tuổi.
Nhiệt trị liệu
Là do tác dụng nóng của nước. Các hình thức sử dụng nhiệt trị liệu gồm:
- Làm nóng một bộ phận cơ thể bằng cách: đắp nóng bằng các chất trung gian truyền nhiệt.
- Ngâm trong bồn nước nóng, đắp bằng túi nước nóng.
- Làm nóng toàn bộ cơ thể bằng cách: tắm trong bồn nước nóng, bể bơi nước nóng, tắm hơi nước nóng.
- Tắm bùn nóng có thể là bùn khoáng nóng hoặc bùn hữu cơ nóng.
Khi chịu tác dụng của nhiệt nóng, vùng cơ thể chịu tác dụng của nhiệt sẽ nóng lên, làm giãn nở các mao mạch, tăng cường lưu thông máu, tăng tính thấm thành mạch, tăng quá trình trao đổi chất, tăng chuyển hóa, dinh dưỡng của mô được tăng cường, thúc đẩy quá trình tái tạo tổ chức và giảm phản ứng viêm.
Lưu ý: nếu tắm ngâm nóng thời gian lâu với nhiệt độ nóng nhiều có thể gây rối loạn thân nhiệt nên những người bị bệnh tim mạch nặng, người tăng huyết áp, người bệnh tâm thần, không nên tắm nóng.
Khoáng trị liệu
Là tác dụng của các chất khoáng có trong nguồn nước khoáng được thấm qua da, có tác dụng điều trị và tăng cường sức khỏe. 60% trọng lượng cơ thể là nước, lượng nước này được phân bố 80% ở trong tế bào, 20% ở khoang ngoài tế bào (mô kẽ và lòng mạch máu).
Nước trong cơ thể hòa tan rất nhiều khoáng chất cần thiết cho sự sống. Có những khoáng chất có nồng độ cao được gọi là các chất điện giải như natri, clo, calci, kali, magne, bicarbonat…, nhưng có nhiều khoáng chất chỉ có nồng độ rất thấp, nhưng lại không thể thiếu, được gọi là các nguyên tố vi lượng, như sắt, đồng, kẽm, coban, iốt… Các chất điện giải và các nguyên tố vi lượng được cung cấp hằng ngày qua thức ăn và nước uống.
Tắm khoáng trị liệu (Ảnh minh họa)
Sử dụng nước khoáng thiên nhiên là hình thức bổ sung khoáng chất và tăng cường sức khỏe. Có các hình thức sử dụng như tắm ngâm nước khoáng, sử dụng nước khoáng đóng chai để uống. Các nguồn nước khoáng ở các vùng địa lý khác nhau có các thành phần khoáng chất khác nhau, như nước khoáng chứa nhiều lưu huỳnh có tác dụng tốt với bệnh ngoài da. Nước khoáng chứa nhiều biarbonat có tác dụng tốt với người bị bệnh hô hấp mạn tính như hen, tâm phế mạn, người bị bệnh gút, bệnh đái tháo đường, bệnh khớp mạn tính.
Lưu ý: Người sử dụng cần tham khảo thành phần khoáng của từng nguồn nước khoáng và những lời khuyên chữa bệnh kèm theo cho phù hợp.
Lời kết:
Việc sử dụng bùn, khoáng hình thành do những biến đổi của địa chất, có nguồn gốc từ thực vật như cây, cỏ, hoa bị chôn hoặc từ đất tạo nên để tắm có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người.
Tại các khu du lịch nổi tiếng như: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Nha Trang, Bình Thuận… đã kết hợp sử dụng bùn, khoáng từ địa lý tự nhiên do thiên nhiên ban tặng để phục vụ sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên hiện nay, tại một số khu nghỉ dưỡng, spa… với lý do lợi nhuận, người quản lý đã sử dụng những chất bùn, khoáng không rõ nguồn gốc….gây nên những bệnh như: da liễu, phụ khoa…
Để tránh tình trạng này, Benh.vn khuyến cáo các gia đình khi đi tắm bùn, khoáng nên đến những trung tâm du lịch có uy tín để đảm bảo sức khỏe, tránh tiền mất, tật mang.