Góp phần đáng kể vào thành công của các cuộc phẫu thuật nhưng các bác sĩ gây mê ít được bệnh nhân nhớ đến. Họ thật sự là những lương y thầm lặng trong cuộc chiến dành lại sự sống cho người bệnh.
Gây mê là các phương pháp để ngăn cho bệnh nhân có cảm giác đau trên một phần hay toàn bộ cơ thể, để giúp thực hiện các phương pháp chữa bệnh có thể gây đau đớn như phẫu thuật. Gây mê mang một đặc thù riêng. Trước ca mổ bệnh nhân được các bác sĩ gây mê và theo dõi từng nhịp thở. Sau phẫu thuật, khi tỉnh lại thì họ đã được chuyển sang một khoa khác để chăm sóc gọi là “hậu phẫu”.
Không được các bệnh nhân nhớ đến, không có thêm nguồn thu nhập như nhiều đồng nghiệp thuộc các chuyên khoa khác nhưng trách nhiệm trực tiếp đối với người bệnh lại rất nặng nề.
Bác sĩ gây mê phải bằng mọi cách tiên lượng để cuộc mổ được an toàn, phải biết đánh giá tình trạng từng bệnh nhân. Tất cả những thông số này không chỉ được biết qua các công thức mà còn phải được đánh giá bằng chính sự nhạy cảm cùng sự trải nghiệm nghề nghiệp của từng bác sĩ gây mê. Và họ cũng phải phối hợp hết sức nhịp nhàng với phẫu thuật viên, hiểu được từng mũi dao của phẫu thuật viên ngay từ khi vết mổ chỉ bắt đầu được rạch ở phần da cho đến khi khối u được bóc tách hay phần tổn thương được điều trị.
Bác sĩ gây mê không chỉ đơn giản quan tâm đến những thông tin về thể trạng của bệnh nhân để đánh giá họ có vượt qua được cuộc mổ hay không mà còn dành thời gian trò chuyện với người bệnh trước đó để giúp bệnh nhân có được “phép thắng lợi tinh thần”. Trong ngành y gọi đây là giai đoạn khám tiền mê nghĩa là trước khi mổ bác sĩ gây mê phải tiếp cận với bệnh nhân của mình. Sự trấn an của các bác sĩ gây mê lúc này sẽ giúp họ vượt qua sự lo lắng và hoang mang, giúp họ có tâm trạng thoải mái hơn, góp phần vào thành công của cuộc phẫu thuật.
Công việc tưởng trừng như đơn giản “Chỉ cần bệnh nhân ngủ êm” là công việc hàng ngày của các bác sĩ gây mê. Khoa Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức của BV Chợ Rẫy là một khoa như thế. Đây là khoa đặc biệt vì quy tụ tất cả 22 bác sĩ gây mê của BV này và không có giường cho bệnh nhân nằm lại, không có bóng dáng của người thăm nuôi bệnh, tất cả các bác sĩ và toàn bộ nhân viên y tế tại đây không mặc áo blouse trắng mà thay vào đó là những bộ đồ mổ và cả nón màu xanh lá, mang khẩu trang. Đặc biệt, bệnh nhân càng khó nhận ra ai là người đã gây mê và theo dõi từng nhịp thở của mình. Khi vào đây tất cả đều bị gây mê, còn khi tỉnh lại họ đã được chuyển sang một khoa khác để chăm sóc.
Một bệnh nhân nam bị dao đâm xuyên vùng bụng được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên trong tình trạng mất nhiều máu, huyết áp tụt và con dao vẫn còn trên người bệnh nhân. Đồng hồ chỉ gần 1 giờ sáng, tất cả các bác sĩ trực cấp cứu tại Khoa Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức được quy tụ, điều dưỡng cũng phải túc trực để lấy máu đủ lượng và kịp thời. Nạn nhân được chẩn đoán thủng gan và thủng nhiều nơi trong ổ bụng. Những vết thương đã được khâu nhưng máu vẫn chảy. Ca mổ đã kéo dài gần 3 giờ, nạn nhân đã được truyền 20 đơn vị máu (gần 5 lít) nhưng vết thương gây chảy máu ồ ạt vẫn còn là một ẩn số. Các phẫu thuật viên dò tìm vết thương trên từng milimet trên các bộ phận trong vùng ổ bụng, còn bác sĩ gây mê thì từng giây căng mắt theo từng nhịp thở, huyết áp, nồng độ ôxy máu… hiển thị trên màn hình vi tính. Ai cũng căng thẳng. Đến lúc ai cũng nghĩ nạn nhân không qua khỏi thì phẫu thuật viên xác định được vết thương rất nhỏ ở động mạch chủ do mũi dao bén xuyên qua. Hơn 4 giờ vất vả, ca phẫu thuật đã thành công.
Cá nhân tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật hai lần, nhưng thật sự thấy mình không phải khi không biết dù chỉ là cái một tên của bác sĩ đã từng gây mê cho mình. Bác sĩ ấy có tủi thân không khi ngày 27/2 đến, các đồng nghiệp có hoa của bệnh nhân tặng với những lời chúc. Báo chí vinh danh bác sĩ này mổ tốt bác sĩ kia khéo tay nhưng đã ai từng nhắc đến những chiến sĩ thầm lặng này.
“Lương y như từ mẫu” bác sĩ như người mẹ hiền. Họ làm vì nghề và một phần vì nghiệp . Cám ơn những bác sĩ gây mê – những lương y đã góp phần mang lại cuộc sống cho người bệnh.