Chứng thoát vị rốn rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh non nhẹ cân. Ngoài ra, còn gặp ở trẻ bị suy dinh dưỡng, trong quá trình nuôi dưỡng hay khóc và kém ngủ. Đây là một bệnh lý đơn giản nhưng có thể biến chứng nguy hiểm thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột ở trẻ em.
Mục lục
Vậy nguyên nhân nào gây nên thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh và làm cách nào để phòng, trị chứng bệnh thoát vị rốn cho bé?
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn
Thoát vị rốn là một dị tật khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Dị tật này hình thành từ khi rụng rốn, mà nguyên nhân là vòng rốn yếu nên đóng không kín, kèm theo giãn đường trắng giữa (đường giữa bụng, từ mỏm xương ức tới bờ trên xương mu) khiến rốn phồng lên, mềm; qua vòng xơ ở đáy rốn, quai ruột non hoặc mạc nối có thể chui qua đó gây tình trạng rốn lồi.
Nhận biết thoát vị rốn
– Một khối tròn trồi lên ngay tại vị trí lỗ rốn, chứa ruột hay màng nối bên trong. Da và mô dưới da trên khối này còn nguyên vẹn.
– Phần rốn lồi này thường mềm, không đau, khi nằm nghiêng hoặc ấn vào sẽ xẹp xuống.
– Khối thoát vị có thể to lên khi bé khóc, ho, ưỡn người để đi ngoài hay khi bé ngồi dậy. Khối này có thể nhỏ đi hoặc biến mất khi bé thư giãn. Thoát vị rốn thường không gây đau.
Các loại thoát vị rốn
– Thoát vị rốn trong tháng đầu tiên, chỉ hơi sưng lồi lên hoặc nhìn thấy khối thoát vị đường kính dưới 2 cm thường là sẽ tự khỏi, nó thường giảm dần theo thời gian khi các cơ ở bụng trẻ phát triển
– Thoát vị xuất hiện to thường xuyên, có đường kính trên 2cm, khuynh hướng tăng kích thước theo thời gian, dễ có nguy cơ biến chứng cần phải phẫu thuật cần theo dõi sát.
– Thoát vị “dạng vòi voi”, do chứa những bộ phận như một phần gan, lách, mạc nối ruột hoặc một phần phúc mạc ở phía trong rốn. Loại thoát vị này thường được phát hiện từ trước sinh hoặc ngay sau đẻ và được xử trí ngay trong giai đoạn sơ sinh trong bệnh viện.
Nhận biết biến chứng thoát vị rốn bị nghẹt
– Khối phồng ấn không xẹp, căng cứng, sờ đau.
– Da vùng rốn trở nên đổi màu tím tái, do đoạn ruột bị nghẹt không được cung cấp máu đầy đủ.
– Trẻ đột ngột trở nên quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, bỏ bú và nôn ói. Nếu không được tới viện điều trị kịp thời, ruột trẻ có thể bị hoại tử.
Điều trị thoát vị rốn
Các chuyên gia khuyên phụ huynh nếu thấy con bị lồi rốn thì nên đưa đi khám để xác định mức độ bệnh.
Với những trường hợp được bác sĩ chẩn đoán là thoát vị nhẹ (lỗ thoát vị có đường kính dưới 2cm, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không đau đớn, không quấy khóc) thì không cần quá lo lắng, lỗ thoát vị có thể tự liền lại khi bé được 12-24 tháng.
Để đẩy nhanh quá trình liền lại của lỗ thoát vị, hàng ngày nên làm các động tác mát xa nhẹ nhàng và đặt bé nằm sấp. Ngoài ra, cần phải giữ rốn bé luôn khô ráo, sạch sẽ (sau khi tắm, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý để sát trùng, rồi thấm khô).
Các bác sĩ cũng khuyên bạn nên dùng băng thun để băng rốn trẻ vào ban ngày.
– Đặt miếng bìa cứng cắt tròn (hoặc đồng xu) đã được bọc gạc kín hoặc đặt cuộn băng tròn nhỏ lên bề mặt khối rốn lồi.
– Dùng ngón tay ấn nhẹ cho rốn xẹp xuống.
– Cuốn băng thun (có bề rộng khoảng 3-5 cm ) quanh bụng vừa tay khoảng 3 – 5 vòng rồi cố định.
– Thời gian băng rốn đến khi rốn hết lồi, trung bình từ 1 – 3 tháng.
Lưu ý
– Để tiến hành băng thun cho bé, bạn phải đảm bảo tất cả mọi thứ đều phải sạch sẽ, vệ sinh (rửa tay, băng gạc, bìa cứng hoặc đồng xu).
– Tránh cuốn quá chặt hoặc quá lỏng vì quá chặt sẽ làm bé khó thở, quá lỏng thì cuộn băng hoặc miếng bìa sẽ rơi ra không có tác dụng ép khối rốn lồi nữa, chỉ cuốn khi trẻ nằm yên.
– Thay băng mỗi ngày sau khi tắm trẻ hoặc khi bị ướt để tránh hăm da. Không nên tháo thường xuyên vì sẽ làm giảm tác dụng của kỹ thuật.
– Trong thời gian băng rốn tránh để bé khóc nhiều để rốn đỡ lồi thêm khi cơ bụng còn chưa khép kín.
Đối với những trường hợp thoát vị lớn, các cơ quan trong khoang bụng có thể thoát ra nhiều và gây nguy hiểm (nghẹt ruột, dẫn đến hoại tử, nếu chậm được giải thoát có thể phải cắt bớt ruột, thậm chí tử vong) thì giải quyết càng sớm càng tốt bằng cách mổ để khâu kín chỗ hở, vừa giải quyết triệt để vừa phòng nghẹt ruột.
Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều và tình trạng bất thường cũng dễ được nhận ra.
Đề phòng thoát vị rốn cho bé
– Cách phòng chống tốt nhất là cha mẹ cố gắng để trẻ sơ sinh không khóc nhiều, khóc to.
– Cha mẹ nên đặt trẻ nằm sấp, hằng ngày làm các động tác mát xa nhẹ thành bụng của trẻ.
– Người mẹ nên ăn những món ăn nhuận tràng như: Canh đu đủ, khoai tây, rau lang luộc … như vậy khi bé bú mẹ sẽ ít bị táo bón, đồng thời cũng cho bé uống thêm nước. Vì khi trẻ táo bón sẽ phải rặn khi đi ngoài, ảnh hưởng tới cơ bụng.
Benh.vn