Suy giảm thính giác gây khó khăn trong giao tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng tật nghiến răng, thói quen ăn nhiều chất béo… lại là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến căn bệnh này.
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh suy giảm thính giác
Thính giác là một trong năm giác quan của con người, giúp tiếp thu âm thanh bằng cách phát hiện các dao động qua đôi tai. Con người nghe được là do âm thanh bên ngoài tác động vào màng nhĩ, sau đó, dây thần kinh thính giác chuyển tới vỏ não để phân tích.
Bệnh suy giảm thính giác
Thính giác bị suy giảm khi những âm thanh lớn tác động liên tục khiến các tế bào tại cơ quan thính giác bị tổn thương như: thói quen nghe nhạc, lão hóa, sử dụng một số loại thuốc gây hại cho tai, chấn thương đầu, viêm nhiễm ở tai…
Nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến giảm thính lực, thậm chí điếc vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây suy giảm thính giác
Các virus quai bị, virus gây bệnh cúm và cảm lạnh
Một số loại virus, kể cả virus gây bệnh quai bị (Cytomegalovirus), bệnh zôna (Herpes Zoster), các virus gây bệnh cúm và cảm lạnh thông thường, có thể làm tổn hại tai trong, dẫn đến lãng tai và đôi khi bị điếc vĩnh viễn. Với virus gây bệnh quai bị, tổn thương có thể xảy ra với bào thai nếu người mẹ nhiễm mầm bệnh trong khi mang bầu.
Bệnh cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến tình trạng giảm thính lực vì đường dẫn âm thanh tắc nghẹt, do sự tích tụ chất dịch trong ống Eustachian chạy từ phía sau mũi tới tai giữa. Đặc biệt ở trẻ em khả năng mắc chứng lãng suy giảm thính giác cao hơn vì chúng làm hẹp ống Eustachian.
Nghiến răng dẫn đến sự co thắt các cơ của tai trong
Tật nghiến răng thường xảy ra vào ban đêm khiến chúng bị đau hoặc cứng hàm vào sáng hôm sau. Thói quen không tốt này cũng có thể gây ra các tiếng động nhỏ khi trò chuyện hoặc nhai, đau hoặc khó mở miệng, các cơn đau đầu dữ dội (đặc biệt đâu nửa đầu), đau tai, ù tai và đôi khi suy giảm thính giác ở một hoặc cả 2 tai, có thể bắt nguồn từ sự co thắt các cơ của tai trong.
Nguyên nhân do nghiến hoặc siết chặt các răng có thể gây trục trặc cho khớp hàm, tạo sức căng lên các cơ và khiến chúng bị đau tấy.
Căn bệnh này được y học gọi là hội chứng đau đớn trong hoạt động hàm (TMJ), đang tấn công 1/5 người trong chúng ta vào một thời điểm nào đó.
Các khối u lành tính gây suy giảm thính giác
Sự tắc nghẹt ống tai do các u nang lành tính có thể làm suy giảm thính lực, bằng cách ngăn cản âm thanh. Ngoài ra, khi chữa trị ung thư cũng có thể dẫn tới suy giảm thính lực một phần hoặc hoàn toàn, do phương pháp hóa trị có thể làm tổn hại ốc tai hoặc dây thần kinh thính giác.
Ngoài ra, chứng u dây thần kinh thính giác, một khối u não hiếm gặp hình thành trên một dây thần kinh đảm nhiệm vai trò kiểm soát sự thăng bằng và thính giác, có thể gây giảm thính giác ở một bên tai.
Các triệu chứng thường xuất hiện từ từ kèm theo cả hiện tượng hoa mắt hoặc ù tai, tê bì một bên mặt và thỉnh thoảng kèm đau đầu cùng các vấn đề thị giác…
Béo phì dẫn tới sự suy giảm thính giác
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa chứng béo phì với chứng suy giảm thính giác.
Theo một nghiên cứu đăng tải năm 2013 trên tạp chí Laryngoscope, trẻ vị thành niên béo phì nhiều khả năng bị suy giảm thính giác hơn và tăng gấp đôi nguy cơ bị lãng tai một bên trước các âm thanh có tần số thấp so với các bạn cùng trang lứa.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, tình trạng viêm nhiễm bắt nguồn từ chứng béo phì có thể góp phần dẫn tới sự suy giảm thính giác.
Lời kết
Chứng suy giảm thính giác thường gặp ở người cao tuổi do lão hóa, người làm việc trong các phân xưởng cơ khí có tiếng ồn cao…Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, chứng suy giảm thính giác còn do sự bất cẩn của con người như nghe nhạc quá lớn, do tật nghiến răng, ảnh hưởng từ béo phì hoặc do các loại virus quai bị, cảm cúm…
Hải Yến – Benh.vn