Trong ăn uống, dù cẩn thận đến bao nhiêu đi nữa thì đôi khi chúng ta vẫn có thể bị hóc. Đặc biệt trẻ từ 2 đến 5 tuổi rất dễ bị hóc xương khi ăn. Nếu bố, mẹ không phát hiện kịp thời tình trạng hóc xương ở trẻ, sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: bé đau đớn, không ăn uống được, gây viêm, làm mủ, áp-xe tại chỗ bị đâm… Vậy những biểu hiện khi trẻ bị hóc xương như thế nào? Cách xử lý khi trẻ bị hóc xương?
Mục lục
Các biểu hiện khi trẻ bị hóc xương
- Trẻ đang ăn đột nhiên không chịu nuốt, dù đã dỗ bằng mọi cách.
- Dãi, nhớt chảy nhiều từ miệng.
- Trẻ bị nôn oẹ dữ dội, khóc liên tục.
- Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể chỉ tay vào họng, tự móc họng, kêu đau khi nuốt….
Làm gì khi trẻ bị hóc xương
- Cho trẻ ngừng ăn ngay lập tức.
- Bình tĩnh nói với bé há miệng thật to để kiểm tra cổ họng bằng mắt thường hoặc soi đèn pin.
- Nếu thấy có xương cắm vào hanh nhân khẩu cái, vào màn hầu hay thành sau họng, có thể dùng kẹp y khoa để gắp ra.
- Tiếp tục theo dõi xem trẻ có thể nuốt nước bọt bình thường hay không.
- Nếu là trẻ lớn, hỏi chúng còn bị đau và cảm thấy vướng trong cổ khi nuốt nước bọt nữa hay không.
- Nếu nghi ngờ xương vẫn còn mắc kẹt trong họng hay trong thực quản, nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kịp thời khám và có chỉ định điều trị cụ thể.
Lưu ý: Khi gắp xương cho trẻ cần cẩn thận, động viên trẻ “ không đau đâu, con giỏi lắm..” để bé không hoảng sợ.
Những điều không được làm khi trẻ hóc xương
- Tuyệt đối không được dùng ngón tay mò mẫm trong họng trẻ, vì động tác này không những không lấy được xương ra mà có thể đẩy chúng vào sâu cuống họng, thậm chí dẫn đến khó thở cho trẻ.
- Không ép trẻ uống nước hoặc cho nuốt trọn từng miếng thức ăn to để mong xương rớt ra. Làm như thế rất nguy hiểm vì có thể gây tai biến chết người, nếu xương đâm thủng mạch máu.
- Không nên khuyến khích trẻ khạc mạnh nhiều lần. Động tác này cũng có khả năng gây tai biến, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- Không dùng các mẹo chữa hóc xương cá trong dân gian như: ngậm và nuốt vỏ cam; ngậm vitamin C; nhét tỏi vào lỗ mũi; nống nước quả trám; uống nước dãi vịt; nuốt cơm…..
Những biện pháp đề phòng trẻ hóc xương
- Kiểm tra kỹ lưỡng thức ăn để loại trừ xương trước khi cho trẻ ăn.
- Đối với với trẻ nhỏ, tốt nhất là nên xay, nghiền kỹ thức ăn, nấu lẫn cá hay thịt gia cầm, trước khi cho trẻ ăn.
- Dạy cho trẻ biết cảnh giác với xương trong khi ăn bằng cách kể cho chúng nghe những câu chuyện liên quan đến sự cố này.
Hậu quả từ cách chữa hóc xương bằng mẹo trong dân gian chưa được kiểm chứng
Một trong những sai lầm của nhiều người là áp dụng các cách chữa mẹo, tự ý xử lý tại nhà bằng biện pháp dân gian trước khi tìm đến các cơ sở y tế. Các phương pháp như nuốt cơm, nuốt một số loại quả, vỏ, lá… là khá rủi ro. Đôi khi, với những loại xương nhỏ, đơn giản, cách làm này có thể chữa khỏi, nhưng nhiều trường hợp việc nuốt các chất hỗ trợ chỉ càng làm xương đâm sâu vào thực quản, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số mẹo chữa hóc xương nhỏ và ở mức độ vừa phải vẫn có thể áp dụng và thực tế cho thấy hiệu quả tương đối tốt. Với những trường hợp bạn biết rằng tình trạng đã nặng và không thể xử lý nhanh tại nhà thì phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hoàng Yến, Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nhân dân 115
Các bệnh viện nhi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị hóc xương, khi được đưa đến chữa trị thì đã bị phù thanh quản do bố mẹ cố tình móc tay vào miệng trẻ hoặc bắt ép khạc nhiều lần nhằm mong xương rơi ra.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hoàng Yến, Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nhân dân 115, hóc xương có thể gây viêm, làm mủ, thủng động mạch, áp-xe tại chỗ bị đâm vào, gây biến chứng rất nặng, có nguy cơ bị thủng mạch máu. Cũng có những trường hợp xương chui vào lồng ngực làm áp xe trung thất, áp xe màng phổi; mức độ tử vong ở những trường hợp này là rất cao.
Các trường hợp được ghi nhận tại bệnh viện
Trường hợp Bà Hiền, quê Bình Phước chữa hóc xương bằng cách nuốt cơm, nuốt vỏ cam
Hóc xương khi ăn cá nục gai, thay vì đến bệnh viện, bà lại “nghe ai chỉ gì làm nấy”, dùng hết cách này đến mẹo khác nhằm làm trôi xương. Sau khi thử nuốt cơm, nuốt vỏ cam, vỏ bưởi không công hiệu, gia đình bà chạy đi tìm người đẻ ngược để nhờ vuốt, bấm huyệt, rồi chạy chữa thầy lang. Xương không những không trôi xuống bụng như mong muốn mà còn đâm sâu vào vùng họng, khiến bà bị đau nhức dữ dội. Đến ngày thứ ba, khạc ra máu, bà mới lặn lội lên TP HCM để điều trị. “Các bác sĩ kết luận thực quản của tôi bị tổn thương nặng, nếu để lâu thêm thì sẽ rất nguy hiểm”, bà Hiền cho biết.
Bà Hà Thị N, 60 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội chữa hóc xương bằng dưa vàng, bẹ chuối tiêu
Bà N đến khoa Thăm dò chức năng, BV Bạch Mai khám trong tình trạng đau nhức toàn bộ 2 bên mang tai, đầu và khu vực họng do bị hóc xương cá. Sau khi bị hóc, Bà N đã lấy bẹ non của cây chuối tiêu, nhai ngấu nghiến rồi nuốt với hi vọng chiếc xương sẽ mắc vào đó, dùng cả mẹo uống nhiều nước, nuốt dưa vàng …nhưng tình trạng ngày càng nặng thêm.
Kết quả chụp ảnh thực quản cho thấy, tại đoạn 1/3 trên có mảnh xương cá dẹt, to mắc kẹt gây tổn thương thực quản. Sau khi tiến hành nội soi, phải mất một thời gian khá lâu các bác sĩ mới gắp được một mảnh xương cá do mảnh xương có móc nhọn đã bị cắm sâu vào thực quản bệnh nhân. Bác sĩ cho biết, rất may bệnh nhân đã đến BV sớm nếu không để lâu chiếc xương sẽ gây viêm thực quản và việc điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều.
Lời kết
Hóc xương là tai nạn rất thường gặp trong ăn uống và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Khi bị hóc xương, tuyệt đối không dùng các mẹo trong dân gian để điều trị khiến xương càng trôi vào sâu hơn.
Đặc biệt đối với trẻ em hóc xương, cách tốt nhất là đưa ngay trẻ đến bác sỹ khám và xử lý kịp thời, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.