Mùa mưa lũ, do hệ thống thoát nước của Việt Nam còn kém nên nước thường bị ngập úng trong một khoảng thời gian dài. Điều này khiến nước bị nhiễm khuẩn, nhất là những nơi có cống rãnh, bùn lầy…
Mục lục
Sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, lội bì bõm suốt ngày trong nước bẩn…..khiến con người mắc bệnh. Căn bệnh đặc trưng do nước bẩn gây nên là nấm kẽ chân (dân gian thường gọi là bệnh nước ăn chân).
Bệnh này cũng xảy ra ở những người làm các công việc tiếp xúc thường xuyên với nước, môi trường ẩm ướt, hoặc mang giày, tất bít kín như: công nhân trong các xí nghiệp chế biến hải sản, công nhân rửa chai, lọ….
Những ai đã từng một lần bị nước ăn chân thì mới hiểu hết nỗi khổ bởi sự phiền toái do ngứa ngáy gây nên.
Nước ăn chân – căn bệnh đặc trưng trong mùa mưa lũ (Ảnh minh họa)
Cần làm gì để tránh căn bệnh này? Khi bị bệnh thì chữa trị ra sao? Benh.vn sẽ giải đáp cho chúng ta những thắc mắc này.
Bệnh nước ăn chân là gì
Bệnh nước ăn chân (còn gọi là nấm kẽ chân) là bệnh nhiễm khuẩn nấm trên da dẫn đến ngứa ngáy, bong da và đau rát vùng da bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây bệnh
– Lây truyền ở những khu vực ẩm ướt do đi chân trần.
– Do nấm kí sinh thuộc họ Trichophyton Mentagrophytes và Trichophyton Rubrum gây nên.
-Có trường hợp do Epidermophyton Floccosum gây nên.
Triệu chứng bệnh
– Tróc vảy khô, ngứa ngáy, khó chịu ở chân.
– Lên mụn nước hoặc viêm các kẽ ngón.
– Vị trí thường gặp ở kẽ của ngón chân giữa, ngón chân áp út.
– Lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới da đỏ ướt.
– Lòng bàn chân và các cạnh ngoài của bàn chân có mụn nước hoặc da màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn, nhưng cũng có thể tạo một mảng lớn trùm cả bàn chân.
– Trường hợp bị bội nhiễm chân sưng tấy đỏ, có mủ, gây sốt và nổi hạch ở bẹn.
Bệnh nước ăn chân (Ảnh minh họa)
Cách phòng bệnh
– Sử dụng ủng bảo hộ khi bị ngập nước.
– Giữ chân sạch, nhất là các kẽ ngón vì chân thường rất ẩm và bẩn, thuận lợi cho vi trùng phát triển.
– Sau khi lội nước bẩn, cần rửa chân kỹ bằng nước sạch, sau đó lau khô bằng khăn, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân.
– Khi thấy các kẽ ngón chớm bị ngứa đỏ, không gãi vì móng tay sắc và bẩn có thể làm sây sát chỗ ngứa, gây nhiễm khuẩn.
– Không đi tất, giày, dép chung với người bệnh.
– Nếu gia đình có người bị “nước ăn chân” cần phải cách ly không để lây nấm sang người khác.
– Chọn tất có chất liệu thấm hút tốt, và nên thay tất ít nhất 2 lần mỗi ngày.
– Nên giặt tất với nước nóng và phơi giày dưới ánh mặt trời để “tiêu diệt” vi khuẩn.
– Không nên đi giày nhiều vì gây bí khiến chân ẩm ướt.
Điều trị theo phương pháp dân gian
Lá trầu không
Lá trầu không có chất kháng sinh có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn và nấm. Người ta thường dùng nước lá trầu làm thuốc sát khuẩn rửa vết thương, chữa bỏng và lở loét.
Dùng lá trầu không rửa sạch, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc vắt lấy nước ở lá trầu bôi vào các kẽ ngón chân, các nốt loét ngứa sẽ khỏi nhanh.
Lá trầu không chữa bệnh nước ăn chân (Ảnh minh họa)
Phèn chua
Phèn chua rang nóng tán thành bột, hoàng đằng thái nhỏ, tán thành bột. Trộn lẫn 2 thứ, để vào lọ sạch, kín. Khi bị “nước ăn chân”, lấy bột này rắc vào các kẽ ngón sẽ giảm ngứa, loét và khỏi dần.
Gừng
Gừng là một “vị thuốc” hữu hiệu trong việc điều trị chứng nước ăn chân. Sau khi đun sôi một nồi nước, đập nhỏ một nhánh gừng cho vào nồi nước sôi, đun tiếp 20 phút nữa. Sau khi nước nguội, dùng để ngâm chân 2 lần/ngày bệnh sẽ nhanh chóng biến mất.
Dấm
Trong thành phần của dấm có những chất có thể “trị” được những loại nấm gây nên chứng bệnh nước ăn chân.
Trộn lẫn 1 hoặc 2 cốc nước dấm vào trong một chậu nước nhỏ. Sau đó, dùng nước có pha lẫn dấm đó để ngâm chân trong vòng từ 10 – 15 phút. Điều trị trong khoảng từ 3 đến 5 ngày bệnh sẽ khỏi.
Điều trị theo phương pháp y học
Khi bị nước ăn chân, người bệnh có thể bôi một trong số các thuốc sau :
– BSI 2%.
– ASA.
– Castellami.
– Nizoral.
– Calorem.
Sử dụng thuốc đặc trị bệnh nấm kẽ chân (Ảnh minh họa)
– Sử dụng các dung dịch màu như : xanh Methylen, màu tím Gentian, màu đỏ Fuschin để sát khuẩn và khô mủ.
– Khi bị tổn thương nặng : kết hợp với thuốc chống nấm như Griseofulvin, Nizoral hoặc Sporal .
– Nếu có mủ, đau nhức thì phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm.
Lưu ý :
Khi bị nước ăn chân cần duy trì ngâm vùng da bị bệnh vào dung dịch thuốc tím được pha loãng từ 2 – 3 lần, hoặc nước muối 9% và giữ gìn chân thông thoáng, sạch sẽ. Nếu thấy bệnh không khỏi, cần đến các trung tâm da liễu để khám và điều trị.
Benh.vn