Theo kết quả Bloomberg công bố tháng 9 năm 2014, hệ thống chăm sóc y tế Singapore đã vượt mặt Hồng Kông để chiếm vị trí hiệu quả số 1 thế giới. Để có được thành tựu đáng tự hào đó, không thể phủ nhận những công sức, những nền tảng mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã để lại.
Mục lục
Luôn quan tâm đến sức khỏe người dân Singapore
Không thể phủ nhận ông Lý Quang Diệu là một trong những vĩ nhân xuất sắc nhất thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ 2 khi ông đã biến Singapore từ một làng chài thành một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, qua đó chứng tỏ tài nguyên không phải thứ duy nhất có thể làm giàu cho một quốc gia. Ông đưa ra những chính sách cứng rắn nhưng đúng đắn vào thời điểm đó giúp bộ máy chính quyền Singapore hoạt động ổn định, vững mạnh trước những thách thức bên ngoài.
Ông Lý luôn muốn làm điều tốt nhất cho người dân của mình
Tuy nhiều việc bộn bề như vậy nhưng ông vẫn không quên quan tâm đến người dân, đặc biệt là sức khỏe của họ ngay từ khi đất nước mới thành lập. Như Kishore Mahbubani, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore và từng là nhà ngoại giao lâu năm của Singapore nhận xét: “Ngay từ ngày đầu tiên, Singapore đã quan tâm đến mọi nhu cầu xã hội của người dân, từ nhà cửa đến chăm sóc sức khỏe, từ giáo dục đến môi trường”.
Học hỏi từ các quốc gia phát triển
Từ khi ông Lý còn đang theo học tại Cambridge, ông đã có cơ hội tiếp xúc với Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia của Anh và hệ thống này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông. Ông còn đánh giá đó là một hệ thống lý tưởng, nhưng sau đó thừa nhận hệ thống này không thể “bê nguyên”, rập khuôn lâu dài vào Singapore được mà chỉ có thể lựa chọn những tinh túy từ nó. Đơn giản, Y tế Anh hỗ trợ người dân rất nhiều bằng việc tối thiểu hóa các khoản phải chi trả của người dân (và thay vào đó là Nhà nước chi trả) trong khi Singapore lúc đó còn non trẻ và các khoản ưu đãi thuế hay đầu tư cần được dùng để thu hút nhân lực từ nước ngoài, chưa kể ngân sách eo hẹp và mật độ dân số cao.
Chính vì lẽ đó, đầu tiên ông đưa ra chủ trương người dân khuyến khích người dân đầu tiên nên có ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, đặc biệt là trong giới trẻ. Tiếp sau đó là sự ứng dụng mạnh mẽ hệ thống CPF (Central Provident Fund – Quỹ tiết kiệm Trung ương) được thành lập vào năm 1955 vào lĩnh vực y tế. Quỹ này sẽ khấu trừ một khoản lương hàng tháng của người dân (20% cho người lao động và 13% cho giới chủ) để giúp họ chi trả các chi phí y tế, giáo dục, nhà ở và cả các khoản đầu tư… Trong 2 thập kỷ 80 và 90, dựa vào CPF, ông Lý đã lần lượt đưa từng bước của hệ thống 3Ms nổi tiếng của Singapore sau này: Medisave, MediShield và Medifund vào hoạt động.
Bảo hiểm bắt buộc
Trong đó, Medisave là một “tài khoản tiết kiệm y tế bắt buộc” của người dân được trích ra từ CPF (dao động trong khoảng 30 -40%) sử dụng để chi trả các chi phí y tế. Trong khi đó, MediShield cung cấp cho người dân những chương trình bảo hiểm nếu họ gặp phải các loại bệnh nặng mà Medisave không đủ chi trả và cũng được trích ra từ CPF. Còn trong trường hợp cả Medisave và MediShield cũng không đủ chi trả viện phí, quỹ Medifund do Nhà nước cung cấp sẽ lo liệu phần còn lại.
Hệ thống 3Ms của Singapore được đánh giá cực kỳ hiệu quả và toàn diện
Cho đến tận ngày hôm nay, hệ thống 3Ms vẫn được đánh giá là hệ thống y tế tốt nhất trên thế giới với số tiền đầu tư từ Ngân sách Nhà nước phải bỏ vào thấp nhất.
Tư nhân hóa bệnh viện công
Một điểm đặc biệt nữa trong chính sách y tế ông Lý áp dụng là việc “tư nhân hóa” các bệnh viện công từ rất sớm, ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là thời điểm ông Lý bắt đầu tái cơ cấu hệ thống bệnh viện công của Singapore, cho họ quyền tự quyết lớn hơn và thoải mái đưa vào các chính sách quản lý nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
Thậm chí các bệnh viện còn được cho quyền cạnh tranh lành mạnh với nhau. Điều này giúp ổn định các chi phí y tế cho người dân, tránh trường hợp làm giá và cũng cùng lúc nâng cao chất lượng phục vụ. Thêm vào đó, nguồn lực tư nhân giúp Singapore xây dựng các công trình y tế quy mô lớn mà Chính phủ không đủ vốn thực hiện.
Nếu không nhờ tư nhân hóa bệnh viện công thì Singapore khó có được cơ sở hạ tầng y tế như hiện nay
Tư tưởng Lý Quang Diệu khắc sâu dù ông không còn tại nhiệm
Bước vào những năm 1990, chính quyền ông Lý đã ra mắt một quyển Sách Trắng có tựa đề “Y tế giá cả phải chăng cho người dân” bàn về vai trò của chính phủ trong việc điều hành giá, trợ cấp và bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế. 5 nhiệm vụ cơ bản về y tế được đưa ra trong Sách Trắng này (trong đó có nhiều điểm đã áp dụng từ trước đó) sau này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống y tế Singapore trong thế kỷ 21, bao gồm:
– Trở thành một quốc gia hùng mạnh bằng cách nâng cao sức khỏe người dân.
– Khuyến khích người dân có trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân mình, tránh quá phụ thuộc vào hỗ trợ của chính phủ hoặc bảo hiểm y tế của bên thứ 3.
– Đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng tốt, giá cả phải chăng cho tất cả người dân Singapore.
– Cho phép cạnh tranh theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ.
– Nhà nước có quyền can thiệp trực tiếp vào lĩnh vực y tế nếu thị trường không thể kìm giữ được các chi phí y tế tăng cao.
Có thể nói 5 điều trên đã thể hiện rất rõ tư tưởng, ý chí Lý Quang Diệu. Ông đã tiếp thu các tinh hoa từ hệ thống y tế của các nước đã và đang phát triển và ứng dụng vào Singapore, đặc biệt là việc tư nhân hóa hệ thống bệnh viện và cho phép cạnh tranh theo cơ chế thị trường để tạo ra một nền tảng y tế vững mạnh mà không tốn quá nhiều chi phí của Nhà nước. Chưa kể, nhiệm vụ thứ 5 thể hiện rất rõ quan điểm cứng rắn của ông: có thể gay gắt, có thể bó buộc, có thể cưỡng ép nhưng suy cho cùng cũng là vì lợi ích của toàn dân, toàn đất nước.
Các chính sách cứng rắn của ông cũng được thể hiện trong nền y tế Singapore nhằm mục đích mang đến một hệ thống dịch vụ xuất sắc, hiện đại nhất cho người dân
Hiệu quả đến từ hệ thống y tế của ông
Tuy vậy, không có hệ thống nào là hoàn hảo và hệ thống y tế của ông Lý cũng vậy khi chi phí y tế người dân phải chi trả vẫn nằm ở mức cao, một phần vì Ngân sách chính phủ Singapore giành cho y tế vẫn rất hạn chế từ những ngày đầu lập nước cho đến tận bây giờ (<5%GDP – tỉ lệ nhỏ nhất trên cả thế giới). Thế nhưng, hiệu quả của hệ thống này là không thể phủ nhận khi hiện giờ trẻ sơ sinh Singapore có tỷ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới (2%, bằng với Iceland), tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong chỉ 3% và tuổi thọ trung bình kỳ vọng thuộc hàng những quốc gia cao nhất thế giới ở độ tuổi 82.1.
Giờ, dù người vĩ nhân châu Á trong thế kỷ 20 và 21 đã không còn nữa nhưng những di sản, những giá trị và tư tưởng quý báu của ông chắc chắn sẽ được mãi mãi khắc ghi trong lòng toàn thể anh em bè bạn quốc tế trên khắp thế giới, và đặc biệt là trong tâm trí người dân Singapore.
Quang Phong – Benh.vn