Đánh giá hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ sơ sinh có thể giúp dự đoán những trẻ nào có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì. Đây là kết quả từ một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tạp chí mBio.
Mục lục
Biến đổi hệ vi sinh vật đường ruột có thể là nguyên nhân gây béo phì
Nghiên cứu này hé lộ rằng hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ 2 năm tuổi có liên quan tới chỉ số khối cơ thể (Body mass index – BMI) khi trẻ 12 tuổi. Thêm vào đó, chỉ số BMI ở trẻ 2 tuổi không hề cao hơn ở những trẻ sau này bị thừa cân/béo phì. Điều này cho thấy cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nhất của bệnh béo phì.
Tiến sỹ Maggie Stanislawski, hợp tác nghiên cứu tại Trung tâm LEAD, Đại học Y khoa Colorado Anschutz, Trường Y tế Cộng đồng Colorado, Aurora, Colorado, điều phối nghiên cứu nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có thể đóng vai trò trong bệnh béo phì sau này ở trẻ.”
Bà nói “Nếu phát hiện của chúng tôi được kiểm chứng trong những nghiên cứu khác, thì hệ vi sinh vật đường ruột có thể đóng vai trò quan trọng trong thuật toán dự đoán bệnh béo phì, từ đó xác định sớm những trẻ có nguy cơ béo phì trước khi chúng bị tăng cân và phát triển bệnh.”
Trước nghiên cứu này, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò trong bệnh béo phì, và là nguyên nhân chứ không phải hậu quả của căn bệnh này. Để làm sáng tỏ điều này, các nhà khoa học tại Đại học Colorado đã hợp tác cùng Tiến sỹ Y khoa và Triết học Merete Eggesbo, trưởng dự án NoMIC tại Viện nghiên cứu Norwegian về Y tế Cộng đồng, Oslo.
Dự án NoMIC khởi động năm 2002 là một trong những nghiên cứu thuần tập sớm nhất trên thế giới được tiến hành để đánh giá hệ vi sinh vật đường ruột ở giai đoạn đầu đời. Dự án lựa chọn 550 trẻ tham gia từ lúc mới sinh ra và đến nay các bé đã trưởng thành. Khi các bé 12 tuổi, 165 bé được lựa chọn vào nghiên cứu thuần tập và được đo chỉ số BMI. Kết quả cho thấy 20% trên 165 trẻ này bị thừa cân hoặc béo phì.
Dự đoán sớm bệnh béo phì nhờ đánh giá hệ vi sinh vật đường ruột
Các nhà khoa học đã so sánh chỉ số BMI của các trẻ này ở thời điểm 12 tuổi với sáu thời điểm khác kể từ khi trẻ sinh ra: ngày 4, ngày 10, một tháng, bốn tháng sau sinh, một năm và hai năm tuổi. Họ phân tích trình tự vùng gen 16s rARN của các mẫu vi khuẩn ruột thu được. Tiến sỹ Stanislawski nói: “Chúng tôi đã xem xét liệu có taxa vi khuẩn (xếp phân loại dưới nhóm) đặc biệt nào có thể giúp dự đoán chỉ số BMI sau này không.”
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra: có sự khác biệt định tính giữa thành phần hệ vi sinh vật đường ruột ở thời điểm ngày thứ 10 sau sinh và 2 năm tuổi của trẻ. Sự khác biệt này liên quan tới điểm Z-score BMI khi trẻ tròn 12 tuổi. Điểm Z-score BMI là thang đo về cân nặng điều chỉnh theo lứa tuổi và giới tính. Trong nghiên cứu này, sự thay đổi về điểm Z-score BMI sẽ được đánh giá và dự đoán dựa trên các taxa vi khuẩn đường ruột thu được trước đó ở trẻ.
Tiến sỹ Stanislawski nói: “Ở những thời điều ban đầu, chỉ có một vài sự liên quan giữa các taxa vi khuẩn đường ruột với chỉ số BMI về sau, nhưng mối liên hệ này càng ngày càng rõ ràng hơn khi đứa trẻ lớn lên. Mối liên hệ khi trẻ 1 tuổi rõ ràng hơn so với những thời điểm trước đó. Và mối liên hệ khi trẻ 2 tuổi là mạnh nhất. Điều này rất thú vị bởi vì ở thời điểm 2 tuổi chưa có kiểu hình đặc trưng nào để dự đoán sau này trẻ có trở nên béo phì hay không. Những đứa trẻ trở nên béo phì sau này không có điểm Z-score BMI cao lúc 2 tuổi.”
“Như vậy, điều này gợi ý rằng kiểu hình của hệ vi sinh vật đường ruột xuất hiện trước bất kỳ dấu hiệu quá cân hay béo phì nào trên cơ thể trẻ. Vì hệ vi sinh vật đường ruột bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn, mối liên hệ này cũng phản ánh sự lựa chọn chế độ dinh dưỡng là tiền đề của bệnh béo phì.”
Hướng nghiên cứu về béo phì ở trẻ trong tương lai
Hạn chế của nghiên cứu là chỉ được thực hiện trên trẻ em Na Uy. Do vậy, các nghiên cứu tiếp theo cần thực hiện trên những nhóm trẻ khác. Tiến sỹ Stanislawski khẳng định: “Nếu có thể lặp lại, đây sẽ là công cụ mới để xác định sớm những trẻ có nguy cơ bị béo phì trong tương lai. Tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này, chúng ta thậm chí còn có thể hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh của béo phì.”
Nghiên cứu này cũng đặt ra một cảnh báo sức khỏe tiềm tàng. Các nhà khoa học thấy rằng một vài chủng vi khuẩn ruột luôn được biết đến là có lợi cho trẻ em và người lớn lại liên quan tới chỉ số BMI cao hơn ở trẻ. Rõ ràng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu được về các quá trình xâm chiếm của hệ vi sinh vật đường ruột.
Tiến sỹ Stanislawski nói: “Khi tôi mang thai, bác sỹ của tôi đã khuyên cho bé dùng chế phẩm probiotic hằng ngày. Và tôi nghĩ rất nhiều người đang cho con họ dùng chế phẩm probiotic. Tuy nhiên, đây có thể không phải là ý tưởng tốt nhất khi cho bé dùng cùng một chủng vi khuẩn mỗi ngày. Đặc biệt là ở thời điểm ban đầu, việc cho phép một hoặc hai chủng vi khuẩn độc chiếm đường ruột trẻ sẽ làm giảm khả năng sinh sôi của các chủng vi khuẩn quan trọng khác.”
Để cải thiện hệ vi sinh vật ở trẻ và người lớn, hãy lựa chọn chế độ ăn cân bằng, với nhiều rau và chất xơ để nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột.
Nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc tìm hiểu xem quá trình xâm chiếm đường ruột liên quan gì tới những dấu hiệu chuyển hóa khác ở trẻ em. Tiến sỹ Stanislawski nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào những biến động hệ vi sinh vật đường ruột trong hai năm đầu đời của trẻ.”