Hội chứng Colic (khóc dạ đề) là gì?
Hội chứng Colic hay khóc dạ đề là một hội chứng hành vi được đặc trưng bởi biểu hiện kêu khóc không thể dỗ nín, không ngừng và bộc phát không rõ nguyên nhân ở các trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Đây là vấn đề rất thường gặp và ảnh hưởng từ 15 – 30% trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đời.
Mục lục
Triệu chứng khi trẻ bị colic:
- Trẻ bị căng cứng người
- Chân co lại và tay nắm chặt
- Bụng căng ra
- Mắt co lại hoặc giãn ra
- Trán có nếp nhăn
- Mặt đỏ bừng hoặc tái nhợt
- Chướng bụng và đầy hơi
Trẻ có thể khóc liên tục nhưng thường kiểu bùng phát kéo dài khoảng 5 phút, mỗi đợt đau cách nhau khoảng 1 hoặc 2 phút. Thường thì bé sẽ khóc ở cùng một thời điểm mỗi ngày, khóc nhiều hơn vào buổi chiều, tối và đêm, kéo dài 2 hoặc 3 giờ.
Mặc dù thường xuyên xảy ra, cơn đau khi trẻ khóc colic đã được ghi nhận và có tới 40 năm nghiên cứu, nguyên nhân gây ra hội chứng này vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Một vài giả thuyết cho rằng đây là một bệnh hữu cơ hoặc tâm lý.
Ảnh minh họa: Nguyên nhân gây ra khóc colic ở trẻ vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ
Mối liên quan giữa colic và hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ
Trong các giả thuyết, sự thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra colic, bằng cách thay đổi quá trình chuyển hóa carbonhydrat và các acid béo ở hệ tiêu hóa của trẻ.
Sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột trong thời kỳ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: cách cho trẻ ăn, cách sinh đẻ, sự khác biệt về địa lý, sinh non, thuốc kháng sinh và điều kiện vệ sinh.
Sự chiếm đóng trong đường ruột của các vi khuẩn đóng vai trò như một yếu tố kích thích hình thành kháng thể hiệu quả trong quá trình trưởng thành của các tổ chức lympho đường ruột. Khả năng tạo các tế bào sinh IgA tăng lên mạnh mẽ trong các giai đoạn liên tiếp nhau hình thành hệ vi sinh vật đường ruột.
Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu xem liệu hệ vi sinh vật đường ruột có đóng vai trò quan trọng trong sự cân bằng hệ miễn dịch, điều hòa sự dung nạp đường uống và kích thích gây ra colic ở trẻ hay không là rất thú vị.
Nghiên cứu của Savino và các cộng sự tại Turin, Ý
Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu xem hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ sơ sinh bị colic có khác với ở trẻ khỏe mạnh được bú sữa mẹ hoàn toàn hay không.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tập hợp 71 trẻ bị colic và không bị colic được bú sữa mẹ hoàn toàn, 15-60 ngày tuổi, tại khoa Nhi Đại học Turin, Ý, từ tháng 3/2001 tới tháng 3/2002. Các trẻ này bị mắc bệnh không liên quan tới colic và các hội chứng nhi khoa khác, không bị bệnh nghiêm trọng hoặc bệnh mạn tính, chưa từng bị viêm dạ dày ruột, chưa từng sử dụng kháng sinh hay chế phẩm vi sinh probiotic hoặc các thuốc khác có thể gây thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột.
Để hạn chế biến thiên có thể xảy ra cho chế độ dinh dưỡng khác nhau, tất cả các trẻ tham gia nghiên cứu đều được bú sữa mẹ hoàn toàn.
Các trẻ này được chia thành 2 nhóm: nhóm bị colic và nhóm chứng. Quấy khóc colic được định nghĩa là việc trẻ khóc do đau đớn đặc biệt khó kiểm soát, kéo dài từ 3 giờ trở lên trong một ngày, 3 ngày trở lên trong một tuần, theo tiêu chí của Wessel. Nhóm chứng bao gồm 29 trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Mẫu phân của tất cả các trẻ được thu thập, pha loãng và nuôi cấy trong vài môi trường chọn lọc để phát hiện lactobacilli, clostridia, các vi khuẩn kỵ khí Gram âm và vi khuẩn họ Enterobacteriaceae.
Kết quả nghiên cứu
Có sự khác biệt giữa hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh bị và không bị colic:
Tỷ lệ vi khuẩn Gram âm kỵ khí xuất hiện nhiều hơn ở các trẻ bị colic (9 ở nhóm chứng và 24 ở nhóm bị colic; p= 0,055).
Tỷ lệ vi khuẩn lactobacilli xuất hiện nhiều hơn ở các trẻ khỏe mạnh (13 ở nhóm chứng và 8 ở nhóm bị colic; p = 0,044).
Ngoài ra, số lượng lactobacilli trung bình cũng khác nhau giữa 2 nhóm (1,26 ± 2,67 ở nhóm bị colic so với 2,89 ± 3,48 ở nhóm chứng; p = 0,029) (Hình 1).
Hình 1. Số lượng lactobacillus ở trẻ sơ sinh bị và không bị colic (p = 0,029).
Kết luận
Nghiên cứu chỉ ra rằng các trẻ sơ sinh bị colic có hệ vi sinh vật đường ruột khác với trẻ không bị colic.
Hệ vi sinh vật đường ruột và những giải pháp tương lai
Mặc dù các nhà khoa học vẫn đang thu thập thêm bằng chứng, nhưng vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột trong khóc colic vẫn chưa thực sự rõ ràng: sự khác biệt về lượng các chủng vi khuẩn có thể là nguyên nhân dẫn tới sự phát triển của bệnh, nhưng đó cũng có thể là hậu quả của colic.
Các nghiên cứu hiện tại đã tạo tiền đề để đánh giá sâu hơn mối liên quan giữa hệ vi sinh đường ruột và khóc colic. Rất có thể, những nghiên cứu này sẽ định hướng cho những giải pháp chữa trị mới để giải quyết vấn đề khóc colic, vốn là nỗi ám ảnh của nhiều ông bố bà mẹ có con nhỏ bấy lâu nay.
Nguồn: Savino, F., et al. “Intestinal microflora in breastfed colicky and non‐colicky infants.” Acta paediatrica 93.6 (2004): 825-829.