Phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi ? Bạn đã biết những gì ? Yếu tố nào quyết định ? Làm thế nào để giúp bé ? Cùng đọc trong bài viết dưới đây
Mục lục
Phát triển ngôn ngữ
Có sự khác nhau khá lớn giữa các đứa trẻ về khả năng ngôn ngữ, một phần là do tính cách và khí chất của từng bé. Ngoài ra, con trai thường biết nói chậm hơn con gái và con gái thường nói nhiều hơn. Các từ đầu tiên bé hay nói nhất thường là “ba’ hay “bà”. Tiếp theo là câu nói có hai từ dưới dạng yêu cầu (“đi chơi” hoặc “cho con”), sau đó là những câu đơn giản đầy đủ hơn (“cho con con gấu”…). Những tiếng nói đầu tiên là bằng chứng cho sự phát triển về nhận thức của bé.
Người ta khuyên không nên cho trẻ xem ti vi nhiều ở độ tuổi này. Những hình ảnh chuyển động nhanh rất hấp dẫn nhưng lời nói thường quá khó để bé có thể hiểu kịp, sẽ có tác dụng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Vai trò quyết định của nghe trong sự phát triển ngôn ngữ:
Bạn nên thường xuyên nói chuyện với bé, nên tắt tivi và hạn chế các âm thanh khác khi chơi với bé để giúp bé ghi nhận lại một cách chính xác những gì nghe được và tập cho bộ não của bé phân biệt những âm tạo nên từ đó.
Bạn giúp bé phát triển ngôn ngữ như thế nào
– Cố gắng lắng nghe bé nói trong mọi hoàn cảnh
– Nên trò chuyện với bé về mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày.
– Thay đổi âm sắc và thể hiện bằng điệu bộ, cử chỉ để làm rõ điều bạn muốn nói.
– Nói với bé đúng điều mà bạn sẽ làm để bé hiều đúng. Ví dụ: “đi tắm” sẽ hoàn toàn khác với “vọc nước”.
– Không giả vời nói theo cách phát âm sai của bé.
– Giúp bé gia tăng vốn từ bằng cách mở rộng những gì bé nói. Ví dụ: khi bé chỉ tay và nói “xe”, bạn sẽ mở rộng thành “đúng rồi, đó là chiếc xe màu xanh. Con có thích đặt con gấu bông lên chiếc xe màu xanh đó không”.
Phát triển cảm xúc, tính cách và ứng xử xã hội
Một số bé biểu lộ cảm xúc rất dữ dội và một số khác thì điềm tĩnh hơn. Khi bé bị kích thích quá mức và trở nên cáu kỉnh, bạn cần có thái độ bình tĩnh và mềm mỏng. Đối với các bé hay rụt rè bạn cần động viên nhiều hơn để bé an tâm hơn.
Nhiệm vụ của bạn là nên định hướng những điều tốt nhất cho bé và làm sao hiểu đúng những tín hiệu từ phía bé.
Phát triển cảm xúc:
Tạo sự cách ly:
Phát triển những mối quan hệ khác độc lập với bạn giúp bé bớt đeo bám bạn hơn. Nhiều bé vẫn còn biển hiện sự lo sợ khi phải rời xa cha mẹ. Tuy nhiên, mọi đứa trẻ đều phải trải qua kinh nghiệm này. Vì thế hãy làm cho nó diễn ra một cách từ từ.
Tập cho bé quen dần với việc không có bạn bên cạnh mọi lúc mọi nơi, như chơi “trốn tìm” cùng với bé để hình thành khái niệm những thứ biến mất rồi cũng sẽ xuất hiện trở lại, kể cả bạn.
Dạy bé cách chia sẻ:
Bé luôn muốn chiếm giữ đồ vật cho riêng mình và không muốn chia sẻ với ai điều gì.
– Bạn có thể cất đi những món đồ chơi mà bé đang tranh giành, phớt lờ mọi phản ứng xấu và tìm cơ hội thưởng công cho bé nào sẵn sàng chia sẻ hay nhường món đồ chơi lại.
– Cho bé tham gia trò chơi với bạn bè cùng trang lứa.
– Chia sẻ với bé nhiều hơn bằng những cử chỉ yêu thương.
– Khi bé tỏ ra giận dữ: bạn nên ôm bé vào lòng để giúp bé trấn tĩnh lại và cảm thấy an toàn. Sau đó, trò chuyện nhẹ nhàng với bé để tìm hiểu nguyên nhân, hoặc bạn tảng lờ giả vờ không quan tâm và thử đưa ra một lời đề nghị nào đó với thái độ bình tĩnh.
Bé bắt đầu nhận ra điều gì làm bạn phật ý và bé có thể tỏ nhiều thái độ khác nhau để xem phản ứng của bạn thế nào. Hãy phớt lờ những thái độ không đúng để bé không tiếp tục gây chú ý bằng cách này.
Hình thành khả năng giao tiếp:
Cảm xúc của bé tại thời điểm hiện tại không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình nữa. Sự phát triển về mặt xã hội của bé xảy ra hoàn toàn tự nhiên trong môi trường gia đình anh chị em… và các bạn …
Giúp hình thành tình bạn, mối quan hệ yêu thương và gần gũi với người quen bằng cách thỉnh thoảng đưa bé đến nhà bạn bè, ông bà, cô chú…
Cho bé mang theo những món đồ chơi “ruột” của bé khi đi chơi xa để bé có cảm giác an tâm hơn.
Cùng chơi với bé những trò chơi đơn giản. Các trò chơi này sẽ dạy cho bé biết “luật chơi” cơ bản là phải đến lượt của mình mới được chơi.
Benh.vn (Theo HocvienIQ)