Phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ khi giao mùa là một trong những chủ đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Đây là thời điểm nhạy cảm với nhiều trẻ, là thời điểm trẻ quay lại với trường học, không khí bắt đầu trở nên mát hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh hô hấp phát triển. Sau đây, chuyên gia của benh.vn sẽ cùng chia sẻ với các phụ huynh về vấn đề trên.
Giao mùa là khoảng thời gian tuyệt đẹp trong năm nhưng cũng là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh (ảnh minh họa)
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa sang Thu, Đông, các loại virus hợp bào phát triển rất mạnh. Virus này trong không khí và khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ hô hấp. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho bé bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, độ ẩm cao càng tạo điều kiện cho virus gây bệnh.
Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Cha mẹ cần lưu ý khi thấy trẻ có dấu hiệu như đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ cần cho trẻ khám bác sĩ để được điều trị đúng hướng.
Ngoài ra, bệnh viêm phế quản cũng hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3-6 tháng tuổi. Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy bé có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau 3-5 ngày thì bé ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để tránh thiếu nước.
Để giúp bé dễ thở và bú tốt hơn thì cần làm thông thoáng mũi cho bé, có thể bằng cách rửa mũi bằng nước muối NaCl 0,9%. Khi bé có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho bé nhập viện để điều trị.
Trong thời gian giao mùa như hiện nay, cha mẹ cần lưu ý viêm phổi ở trẻ sơ sinh vì bệnh diễn tiến nặng rất nhanh và biểu hiện không rầm rộ như trẻ lớn nên dễ bị bỏ qua. Bệnh ở trẻ lớn có những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều; còn trẻ dưới 6 tháng tuổi đây không phải là dấu hiệu quan trọng. Nhiều bé thậm chí không sốt, không ho, nhưng đã bị viêm phổi rất nặng. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi khi bị viêm phổi thậm chí thân nhiệt còn hạ một chút
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ trong giai đoạn này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, tránh tình trạng mặc nóng, mồ hôi ra nhưng không được lau đi khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Ban ngày cần mở cửa phòng thông thoáng để không khí được lưu thông tốt, các tác nhân gây bệnh không có điều kiện sinh sôi. Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Đặc biệt chú ý, rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ.
Song song các bệnh về hô hấp, thời tiết thay đổi cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh rối loạn đường tiêu hóa. Các biểu hiện thường gặp là trẻ đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, đi ngoài phân sống, tiêu chảy, táo bón. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường do chế độ ăn không phù hợp, mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột hoặc trẻ vô tình ăn phải thức ăn bị lên men, nhiễm khuẩn, ôi thiu.
Khi trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, hấp thu và lâu ngày sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ. Vì vậy khi thời tiết lạnh giao mùa cha mẹ cần đặc biết chú ý chăm sóc trẻ.