Sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh thường lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh thường xuất hiện quanh năm nhưng xảy ra chủ yếu vào mùa đông – xuân. Cho đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ.
Mục lục
Cách phòng tránh bệnh sởi cho trẻ
Phòng tránh bệnh sởi cho bé là điều vô cùng quan trọng. Cách tốt nhất để phòng cho trẻ chính là tiêm vaccine sởi. Vào mùa dịch sởi, mẹ đừng quên áp dụng một số phương pháp dân gian như mùi già, hạt tía tô để tắm cho trẻ.
Về cuối năm, nên mua nhiều cây mùi già có quả rắn chắc, buộc treo ở đầu nhà, hong gió cho khô giòn, vò lấy hột và lá khô cho vào lọ đậy kín. Đến thời kỳ hay có bệnh sởi thì lấy một nắm nhỏ hạt và lá mùi già cho vào 3 gáo nước đun sôi để gần nguội tắm cho trẻ. Trước khi tắm, nên cho trẻ uống một thìa nước mùi. Cứ cách nửa tháng lại tắm một lần. Cách này có thể đề phòng được bệnh sởi phát sinh, lại sạch và thơm. Nếu cẩn thận thì quần áo của các cháu cũng thỉnh thoảng cho vào nồi nước mùi già để đun sôi.
Phòng bệnh sởi từ cây thuốc
Đặc biệt, khi có bệnh sởi lan tràn, các bà mẹ nên cho trẻ cách xa nơi bệnh dịch. Người thân có việc cần phải đến nơi có bệnh sởi thì khi vừa về tới nhà phải thay giặt quần áo bằng nước sôi và tắm rửa sạch sẽ rồi hãy tiếp xúc với trẻ. Gia đình nào đông cháu mà lỡ có một bé bị lên sởi thì phải ở riêng, không cho nằm chung, bên cạnh đó chăn màn, giường chiếu phải giặt sạch.
Đang mùa sởi, nếu trẻ nào có vẻ kém vui đùa, không chịu chơi như mọi ngày thì các bà mẹ nên lưu ý theo dõi ngay. Nếu thấy trán âm ấm lại có mụn nước dưới da sờ thấy hơi man mát thì đó là dấu hiệu sắp mọc sởi. Lúc này nên kiêng nước, tránh gió và ủ ấm.
Đồng thời, có thể dùng một số bài thuốc dưới đây: Hạt lá tía tô 30 g; sắn dây 25 g; kinh giới, mạch môn mỗi thứ 20 g; cam thảo 5 g. Tất cả sấy khô, tán bột mịn đóng gói 3 g. Trẻ < 1 tuổi uống ngày hai gói, 1-3 tuổi ngày 4 gói, > 5 tuổi ngày 6 gói: Hãm thuốc với nước sôi lọc trong hoặc uống cả bã. Thuốc chỉ dùng trong 3 ngày, chỉ uống giai đoạn đầu. Khi sởi đã mọc đều hoặc trẻ bị tiêu chảy không nên uống.
Bên cạnh đó, khi trẻ có triệu chứng sởi cần chú ý tìm hiểu xem có phải là sởi hay không để có hướng điều trị sớm.
Cách nhận biết bệnh sởi
Ngoài cách phòng tránh thì cách nhận biết và phương pháp điều trị sởi là vô cùng quan trọng.
Một số triệu chứng ban đầu thường gặp trong bệnh sởi đó là trẻ sốt nhe, dần cao lên từ 39-40 độ C. Người trông rất mệt mỏi và thường có những triệu chứng như chảy nước mũi, ho, nổi phát ban. Tiếp đến trẻ co thể kèm theo co giật, mệt mỏi và đau nhức khắp cơ thể. Bên cạnh đó còn có triệu chứng chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, có thể có tiêu chảy.
Nhận biết phát ban trên da trong bệnh sởi
Thời kỳ phát ban xuất hiện khi lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày 2 đến ngày 3 của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa. Vì thế, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban, có triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm kết mạc thì cần nghĩ ngay đến bệnh sởi và phải đến cơ sở y tế khám.
Cách điều trị bệnh sởi cho trẻ
Không có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu cho bệnh sởi. Các biện pháp điều trị khác chủ yếu nhằm hỗ trợ:
– Paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp hạ sốt và giảm đau.
– Thường xuyên rửa mặt, lau miệng cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm.
– Kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.
– Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy hải sản, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…
Chăm sóc trẻ khi bị bệnh sởi
– Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… để cung cấp năng lượng, giúp trẻ nhanh phục hồi sức khoẻ.
– Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, 6 -8 cốc nước/ngày. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.
– Nhỏ mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng 3-4 lần/ngày
– Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao. Nếu trẻ bị biến chứng như liên tục bị sốt, lúc này nên hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Benh.vn (Theo BV Hồng ngọc)