Hội chứng cổ vai cánh tay hay còn gọi là hội chứng đau vai gáy là các triệu chứng thường gặp trong lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ, thường kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cổ và/hoặc tuỷ cổ. Cũng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày do nhiều nguyên nhân như làm việc sai tư thế trong thời gian dài, nằm ngủ lệch về một bên quá lâu, nhiễm lạnh …
Mục lục
Đau cổ vai cánh tay gặp ở mọi lứa tuổi, các nghề nghiệp khác nhau, với bệnh cảnh thường gặp là đau mỏi vùng cổ, vai, cánh tay, thậm chí có những trường hợp nặng có thể gây đau mỏi, tê bì xuống cánh tay một hoặc hai bên. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt, làm việc cũng như làm giảm hiệu quả công việc của bệnh nhân, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng đau vai gáy
Triệu chứng lâm sàng
Đau vùng gáy khởi phát cấp tính sau chấn thương, sau làm động tác sai, hoặc ngủ dậy do lạnh, đôi khi xuất hiện từ từ, âm ỉ, mạn tính. Đau lan lên vùng chẩm, xuống vai, lan xuống cánh tay, đau tăng khi xoay đầu và gập cổ về phía bên lành.
Hạn chế tầm vận động cột sống cổ do đau và co cứng cơ vùng vai gáy, hay gặp trong đau vai gáy cấp tính.
Có điểm đau mặt sau cột sống, cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh.
Yếu cơ có thể kèm theo cảm giác rát bỏng, kiến bò, tê bì ở vùng vai lan xuống cánh tay, hoặc bàn tay, ngón tay.
Một số dấu hiệu điển hình của hội chứng cổ vai tay:
– Bệnh nhân ngồi nghiêng đầu về bên đau, dùng tay ép lên đỉnh đầu bệnh nhân đau tăng lên.
– Bệnh nhân ngồi cánh tay bên đau đưa lên trên đầu và ra sau làm giảm triệu chứng đau tê.
– Bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc dùng tay giữ chẩm và cằm kéo từ từ theo trục dọc làm giảm triệu chứng đau tê.
Dấu hiệu tê bì, teo cơ hai tay, giảm các hoạt động khéo léo hai bàn tay, đi lại khó khăn, nhanh mỏi. Nặng hơn có thể gây liệt tứ chi, rối loạn đại tiểu tiện khi có chèn ép tuỷ sống cổ thường do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hoá, dày dây chằng vàng.
Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt, đôi khi có giảm thị lực thoáng qua, mất thăng bằng, mệt mỏi do giảm lưu lượng tuần hoàn động mạch sống nền.
Một số xét nghiệm cần thiết
– Chụp X quang thường quy: thẳng, nghiêng và chếch ¾ trái, phải, có thể phát hiện những tổn thương cột sống cổ.
– Chụp cộng hưởng từ chỉ định khi bệnh nhân có đau kéo dài trên 4-6 tuần, đau ngày càng tăng, có tổn thương thần kinh tiến triển, có biểu hiện bệnh lý tuỷ cổ, hoặc các dấu hiệu cảnh báo gợi ý bệnh lý ác tính hay nhiễm trùng.
– Xạ hình xương: khi nghi ngờ ung thư di căn hoặc viêm đĩa đệm đốt sống, cốt tuỷ viêm.
– Điện cơ giúp phát hiện tổn thương nguồn gốc thần kinh và phân biệt bệnh lý tuỷ cổ với bệnh lý rễ và dây thần kinh ngoại biên.
– Xét nghiệm máu.
Biến chứng, nguy cơ hội chứng đau vai gáy
Liệt và rối loạn cơ tròn nếu thoát vị đĩa đệm nặng, ung thư, nhiễm trùng, v.v.
Teo cơ vùng vai, cánh tay bàn tay nếu có chèn ép rễ kéo dài.
Nguyên nhân hội chứng đau vai gáy
– Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau vai gáy, thông thường nhất là ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, kẹp điện thoại vào vai vừa nghe vừa ghi chép, ngồi làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái ô tô, gối đầu sai, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi…
– Ngồi trước quạt, máy lạnh lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu khi lạnh, tắm rửa ban đêm làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ cũng dẫn đến hội chứng đau vai gáy.
– Đau vai gáy còn có thể do bệnh lý như: thoái hoá cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, loãng xương, v.v. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau cổ vai cách tay xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Chẩn đoán hội chứng đau vai gáy
Tuỳ thuộc nguyên nhân, mức độ và giai đoạn bệnh có thể có ít nhiều những triệu chứng mô tả trên và thường kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân.
Điều trị hội chứng đau vai gáy
Nguyên tắc điều trị
– Điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng bệnh.
– Kết hợp điều trị thuốc, không dùng thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng.
– Chỉ định điều trị ngoại khoa trong một số ít các trường hợp đặc biệt.
Điều trị cụ thể
– Giáo dục tránh các nguyên nhân gây bệnh, thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc.
– Cố định cột sống cổ bằng nẹp mềm trong giai đoạn đau cấp hoặc sau chấn thương.
– Tập vận động cột sống cổ, vai, cánh tay với các bài tập thích hợp theo tầm vận động khớp.
– Vật lý trị liệu: liệu pháp nhiệt, kích thích điện, siêu âm trị liệu, xoa bóp nhẹ nhàng, kéo giãn cột sống bằng máy.
Lưu ý: Trong các trường hợp bệnh cấp, đau nhiều thì ta không nên tập, chủ yếu là nghỉ ngơi, xoa bóp nhẹ nhàng, chỉ nên tập khi đã giảm đau hoặc để phòng ngừa.
Điều trị bằng thuốc
– Thuốc giảm đau thông thường: acetaminophen (paracetamol, tylenol 8H…) acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol
– Thuốc kháng viêm không steroid (diclofenac, piroxicam, meloxicam celecoxib; etoricoxib…).
– Thuốc giãn cơ: dùng trong đợt đau cấp, ngắn ngày, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ. Myonal, mydocalm, diazepam.
– Thuốc giảm đau thần kinh: gabapentin, pregabalin…
– Thuốc chống trầm cảm (amitriptylin..) đối với đau thần kinh mạn tính hoặc có rối loạn giấc ngủ.
Cách phòng hội chứng đau vai gáy
– Để phòng bệnh tái phát, người bệnh cần chú ý không làm việc quá lâu ở một tư thế đặc biệt với máy vi tính, tránh làm sai tư thế của cột sống cổ.
– Ngồi đúng tư thế khi lái ôtô, môtô, xem tivi phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
– Thường xuyên tập luyện thể dục các động tác trong bài tập vận động cột sống cổ để tăng khả năng chịu đựng, tăng sức dẻo dai của hệ thống gân cơ, dây chằng quanh cột sống.
Một số tư thế cần tránh trong sinh hoạt để phòng chứng đau cổ vai cánh tay
– Cổ ngước nhìn lên cao trong thời gian dài.
– Xoay đầu thường xuyên về bên đau.
– Nâng hoặc kéo một vật với cổ gập.
– Học hoặc đọc sách với tư thế cổ gập trong thời gian dài.
– Ngủ gối cao hoặc nhiều gối…
CNTTCBTG – BV Bạch Mai