Trong khi số bệnh nhân sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại các tỉnh thành của TPHCM thì một căn bệnh nguy hiểm khác cũng có nguy cơ lan rộng – đó là bệnh tay chân miệng.
Theo con số thống kê vào thời điểm ngày 12/9 tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 do bệnh nhân mắc tay chân miệng nhập viện đông nên nhiều trẻ phải nằm điều trị ngoài hành lang…
BV Nhi Đồng 1 và 2 do số bệnh nhân nhập viện đông nên nhiều trẻ phải nằm ngoài hàng lang
Mùa phát tác bệnh tay chân miệng (TCM) là tháng 9 hàng năm, tháng 10 và 11 là đỉnh điểm của bệnh nên dự kiến trong thời gian tới, số trẻ mắc bệnh sẽ còn tăng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có những kỹ năng cần thiết để phòng tránh bệnh cho con em mình.
Phương pháp ngăn chặn bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có khả năng gây thành dịch lớn, chủ yếu ở trẻ nhỏ và có thể gây biến chứng nguy hiểm nhưng hiện vẫn chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung là hết sức cần thiết, đặc biệt là ở những địa phương đang có dịch TCM xảy ra.
Nguyên tắc thiết thực để ngăn chặn bệnh TCM là rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Việc làm này cũng được thực hiện tương tự cho các cô nuôi dạy trẻ và nhân viên nhà bếp.
Đặc biệt, với những người chăm sóc trẻ, cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã lót, làm vệ sinh cho trẻ. Ngoài ra, cần rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 5%.
Khi trong lớp học hoặc gia đình có trẻ bị bệnh TCM thì cần đeo khẩu trang cho trẻ để khi trẻ ho, hắt hơi, virut không khuếch tán vào không khí và lây lan cho những trẻ khác. Nên cách ly trẻ bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (ít nhất là 7 ngày).