Đối với nhiều người đi tìm kiếm cho mình một sự nghiệp thì việc trở thành bác sĩ là ước mơ của cả cuộc đời. Còn với nhiều bệnh nhân, nếu tìm được bác sĩ giỏi có thể giúp họ thay đổi cuộc sống chỉ trong tích tắc. Là một bác sĩ, nếu cho tôi quay trở lại thời học sinh, tôi sẽ không theo học y khoa tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Là một người bệnh, nếu biết trước, tôi sẽ không chọn một bác sĩ tốt nghiệp ở trường này để chữa bệnh cho mình.
Mục lục
Năm 10 tuổi, tôi bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”! Bố tôi đã đi tìm một bác sĩ cầu xin ông cứu tôi. Người đó đã yêu cầu bố tôi làm mướn không công ba tháng với lời hứa hẹn sau đó sẽ tiêm miễn phí thuốc “xít tép” vào mông tôi đúng ba tháng. Bố tôi chỉ đủ sức theo làm hai tháng thì phải bỏ về để kiếm tiền nuôi con. Ông bác sĩ cũng chẳng đoái hoài gì đến tôi đang trong cảnh da bọc xương.
Ảnh minh họa
Khi đã là bác sĩ, tôi mới hiểu ngày đó mình bị viêm gan virus A trên nền suy dinh dưỡng nặng. Thần chết đã tha mạng cho tôi, nhưng điều may mắn nhất là ông bác sĩ đã từ chối tiêm thuốc “xít tép” vào mông. Chứ nếu ông giữ đúng lời hứa thì tôi sẽ chẳng thể sống được đến hôm nay để viết những dòng này!
Ông bác sĩ ấy đã tốt nghiệp hệ chuyên tu ở một trường vừa mới được phép đào tạo bác sĩ y khoa. Thế hệ ông có không ít bác sĩ chỉ biết tiêm thuốc “xít tép” vào mông để “chữa bách bệnh”. Cho nên khi nghe tin Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – một cơ sở đào tạo đa ngành không chuyên về y khoa, lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo y khoa ở bậc đại học thì tôi cảm thấy có nhiều điều không ổn.
Những vấn đề hạn chế khi đào tạo y khoa ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Môi trường đào tạo không thực sự tốt
Điều không ổn đầu tiên là Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội rất khó để có được môi trường đào tạo y khoa thật sự tốt. Môi trường đào tạo y khoa không chỉ là giảng đường, là thư viện, là labo xét nghiệm, là bệnh viện thực hành mà còn là phong trào học tập của sinh viên.
Hãy thử đến khuôn viên Đại học Y Hà Nội vào những ngày nghỉ mà không phải kỳ thi sẽ thấy ngay sự khác biệt so với các trường khác. Rất khó để tìm thấy một cặp đôi yêu nhau ngồi tâm sự, mà thay vào đó là hình ảnh các sinh viên tranh thủ ngồi học dưới chân cột đèn, là những nhóm nhỏ sinh viên ngồi truy bài, bất kể chỗ nào có ánh sáng các em đều tận dụng.
Thời gian với sinh viên trường y quý hơn vàng, không quá khi nói các em tiết kiệm đến từng phút, để mất 30 phút thời giờ lãng phí thì với nhiều em là cả một vấn đề. Và trong môi trường ấy, em nào lười học sẽ trở thành bất thường, sẽ tự mình đào thải. Ngược lại, với các trường đại học khác, sinh viên chỉ lao đầu vào học khi kỳ thi đến, em nào chăm chỉ quá sẽ trở thành bất thường.
Số lượng đội ngũ giáo viên không đủ
Điều không ổn thứ hai là số lượng đội ngũ giáo viên. Với chỉ tiêu vài chục sinh viên mỗi khóa, lại là cơ sở đào tạo ngoài công lập phải hạch toán kinh doanh, thì nhà trường sẽ có bao nhiêu giáo viên? Thời tôi đi học Đại học Y Hà Nội, mỗi khóa có từ 120 đến 250 sinh viên, vậy mà nhà trường có tới gần 1.500 giáo viên chính thức, chưa kể đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên thỉnh giảng là những bác sĩ ở các bệnh viện cũng nhiều vô kể.
Tại sao giáo dục y khoa lại cần nhiều giáo viên đến vậy? Xin thưa, đào tạo y khoa giống như một cuốn sách khổng lồ, mà mỗi người thầy chỉ là một trang trong cuốn sách đó. Thực tế có thầy là bác sĩ rất giỏi, nhưng khi đứng trên bục giảng lý thuyết chỉ giảng đúng một bài. Vậy với đội ngũ giáo viên vài chục người thì không khó để nhận ra sinh viên chỉ học được có vài chục trang sách mà thôi. Sinh viên y khoa có cần mẫn nghiên cứu sách vở cả năm cũng không thể bằng có thầy giỏi hướng dẫn chỉ một giờ.
Chất lượng đội ngũ giáo viên không đảm bảo
Điều không ổn thứ ba là chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt nhấn mạnh là giáo viên dạy thực hành lâm sàng. Thực tế ở thời điểm hiện tại, ngay cả những cơ sở đào tạo y khoa có uy tín như Đại học Y Hà Nội (chưa kể các trường khác như Y Dược Thái Bình, Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Nguyên…) thì vấn đề chất lượng giảng dạy lâm sàng đang là một thách thức không hề nhỏ. Người thầy khi giảng bài phải có sự kết hợp giữa hiểu biết khoa học và nghệ thuật thực hành khám chữa bệnh. Giáo viên tốt phải hội tụ đủ những yếu tố gồm: kiến thức chuyên môn tốt, khả năng nghiên cứu và lý luận, khả năng tạo ra môi trường học tập, kỹ năng giao tiếp tốt, nhiệt tình giảng dạy, chủ nghĩa nhân đạo, tính chuyên nghiệp, khả năng nhận thức về các vấn đề tác động xã hội.
Về chuyên môn, ở những cơ sở đào tạo chuyên y lớn sẽ hội tụ được nhiều bác sĩ có kinh nghiệm, luôn biết cách phát triển những hiểu biết về khoa học cơ bản một cách sâu sắc, những trải nghiệm thực tiễn cho phép họ đúc rút để họ nhận ra những đặc điểm chung nhất của người bệnh; từ đó họ có được sự hiểu biết thấu đáo về người bệnh, biết được bản chất chính xác của từng triệu chứng để có thể hướng dẫn sinh viên một cách tốt nhất.
Hiện tượng “lý thuyết hóa thực hành”
Điều không ổn thứ tư, cũng là hệ quả của việc thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng giảng viên, sẽ dẫn tới hiện tượng chú trọng đến lý thuyết trong khi thực hành không đảm bảo, thậm chí là lý thuyết hóa thực hành. Đào tạo y khoa mà chỉ chú ý đến lý thuyết, thì sẽ không thể tạo ra được những bác sĩ có tay nghề thực hành giỏi. Nếu chỉ học trên sách vở và giảng đường, dựa trên lý luận suy diễn, thì dù có sử dụng các phương phát lập luận quy nạp tiến bộ đến thế nào chăng nữa thì kiến thức cũng vẫn rất hạn chế, khả năng tiếp cận với tình trạng bệnh nhân luôn bị thu hẹp.
Bởi vậy mà chương trình đào tạo y khoa tập trung 2 năm đầu cho các môn khoa học cơ bản, giáo dục tiền lâm sàng, từ năm thứ 3 trở đi sinh viên học chủ yếu ở bên giường bệnh. Trong thực tế, những bệnh viện đủ điều kiện cho sinh viên thực tập không nhiều, số lượng thầy giảng lại ít trong khi số sinh viên quá đông, nên không thiếu hình ảnh những áo trắng “vật vờ” ngoài hành lang. Để các em đỡ lang thang, thỉnh thoảng các thầy “lôi” vài chục em sinh viên vào giường bệnh để giảng lại lý thuyết.
Bác sĩ Trần Văn Phúc