Sài đất là một loài cỏ được trồng, mọc nhiều nơi ở Việt Nam. Sau đây Benh.vn sẽ giới thiệu cho bạn về đặc điểm thực vật, công dụng và những chú ý khi sử dụng cây sài đất.
Mục lục
Thông tin sơ lược về cây sài đất
Sau đây sẽ là những thông tin sơ lược cơ bản nhất về cây sài đất: tên gọi, đặc điểm thực vật, đặc điểm phân bố và những nhầm lẫn thường gặp khi sử dụng cây sài đất.
Tên gọi của cây sài đất
Sài đất là loài cây quen thuộc với những người nông dân Việt Nam, loài cây thân thảo mọc hoang trong vườn. Thế nhưng lại ít ai biết rằng đây là một cây thuốc có rất nhiều tác dụng thần kì.
Cây sài đất có tên gọi khoa học là Wedelia chinensis thuộc họ Cúc – Asteraceae. Cây sài đất là nguyên liệu để bào chế dược liệu sài đất có tên khoa học Herba Wedeliae, ngoài ra cây thường được sử dụng tươi để chữa nhiều bệnh thường gặp.
Đặc điểm thực vật của cây sài đất
- Sài đất là một loài thân cỏ sống dai, mọc bò, thân lan tới đâu thì rễ mọc ở đó. Phần ngọn cây sài đất có thể vươn cao tới 50 cm.
- Thân và lá cây có một lớp lông ráp. Lá sài đất gần như không có cuống, lá mọc đối, có hình bầu dục thon, hai đầu hơi nhọn, có lông cứng cả hai mặt, mép có răng cưa to và nông.
- Lá sài đất tươi khi vò ra có mùi như trám, khi vò nát để lại màu xanh đen ở tay. Lá sài đất có thể ăn như rau húng vì thế còn được gọi với cái tên dân gian là húng trám.
- Cụm hoa hình đầu, màu vàng, có cuống dài 5 -10 cm mọc ở kẽ lá hay ngọn cành.
Phân bố của cây sài đất
Cây sài đất trước đây thường mọc hoang ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc. Hiện nay đã được trồng ở nhiều nơi khắp Việt Nam.
Sài đất được trồng bằng những mẩu thân, rất dễ sống. Chỉ cần cắt những mẩu thân dài khoảng 20 cm hoặc chọn những đoạn thân có rễ sẵn và vùi xuống đất ẩm. Sau khoảng nửa tháng cây đã mọc tốt và sau hai tháng có thể thu hoạch.
Sài đất thường bị nhầm lẫn với những cây nào
Những loài cây có đặc điểm hình thái tương đồng dễ bị nhầm lẫn với cây sài đất:
Cây đá lưỡi – Lippia nodiflora họ Cỏ Roi ngựa – Verbenaceae
- Cây đá lưỡi là loài thân thảo nhỏ sống dai, mọc bò lan mặt đất. Thân và cành mọc gần như vuông góc với nhau, thân cây nhẵn có rễ phụ ở mấu.
- Lá mọc đối cuống lá rất ngắn, lá hình thìa, có răng cưa ở nửa trên đầu lá, có lớp lông mọc thưa.
- Cụm hoa hình bông mọc ở nách lá, hoa mọc thẳng đứng, có lá bắc kết lợp xung quanh. Hoa nhỏ, trắng hay xanh, đài hoa và tràng hoa có hai môi.
- Quả đá lưỡi dạng quả nang hình trứng, quả nhẵn, kích cỡ khoảng 1,5 mm, nằm trong đài, khi quả khô có màu nâu đen.
- Loài cây này được cho là điều trị cảm sốt, viêm lợi đau răng, ho, lỵ, chấn thương bầm giập
Cây sài lan – Tridax procumbens họ Cúc – Asteraceae
- Sài lan là loài thảo sống lâu năm. Thân sài lan có lớp lông trắng và dày, cây mọc bò sát mặt đất.
- Lá cây mọc đối, có lông ở cả hai mặt lá, mép lá có răng to, nhọn, và không đều.
- Cụm hoa sài lan hình đầu, mọc ở vị trí ngọn thân, trên một đoạn thân dài khoảng 20 – 30 cm. Hoa cái có hình môi, màu trắng; còn hoa lưỡng tính có hình ống, màu vàng.
- Quả sài lan dạng bế còn lông.
- Sài lan thường được sử dụng trong phạm vi dân gian làm thuốc sát trùng, chữa sưng tấy thay vị thuốc Sài đất. Ngoài ra, cây còn dùng làm thuốc giải nhiệt, trị ho và đau thấp khớp. Ngày dùng 20 – 30 gram, sắc lấy nước để uống.
Thành phần hóa học có trong cây sài đất
Các chất hóa học có tác dụng trong sài đất nằm chủ yếu ở phần mọc trên mặt đất của cây.
Các dẫn chất Coumarin trong sài đất
Các dẫn chất Coumarin nằm trong sài đất thuộc nhóm Coumestan chủ yếu như: Wedelolacton, Norwedelolacton, Acid norwedelic,…
Các Flavonoid trong sài đất
Các flavonoid chủ yếu trong cây là: quercetin, keampferol, astragalin, apigenin, luteolin,…
Các chất khác
Ngoài ra trong sài đất còn có diterpen, các acid phenol đơn giản, sesquiterpen, tinh dầu…
Tác dụng của cây sài đất
Các nghiên cứu tiến hành trên cây sài đất đã đưa ra những kết luận về tác dụng đa dạng của loài cây này. Đặc biệt sài đất là loại cây không hề có độc tính vì thế được sử dụng rất rộng rãi và dễ dàng.
Sài đất có tác dụng kháng khuẩn
Các thử nghiệm in vitro (thử nghiệm tiến hành trong phòng thí nghiệm với môi trường khác với môi trường tự nhiên) cho thấy tác dụng kháng khuẩn của sài đất không cao. Tuy nhiên trên lân sàng lại cho thấy tác dụng chữa khỏi các bệnh viêm nhiễm.
Sài đất có tác dụng bảo vệ gan
Trong thành phần của Sài đất có chứa các dẫn chất Coumestan được cho là có tác dụng chính trong việc tái tạo tế bào gan.
Wedelacton và norwedelacton trong cây sài đất giúp ức chế độc tính tế bào gan.
Sài đất có tác dụng kháng viêm
Wedelacton – một chất hóa học có trong sài đất có tác dụng kháng viêm do ức chế 5-lipoxygenase (một loại enzyme xúc tác cho phản ứng gây viêm)
Sài đất có tác dụng chống loãng xương
Wedelacton và Isoflavonoid trong cây sài đất có tác dụng kiểu estrogen (hormon sinh dục nữ) vì thế chúng hỗ trợ chống loãng xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh, giảm tốc độ mất xương rỗng xương và thúc đẩy sự tạo xương.
Ngoài ra thử nghiệm trên chuột với dịch chiết methanol của sài đất còn cho thấy tác dụng an thần, kéo dài thời gian ngủ, giảm tác động gây động kinh của các strychnin,…
Những công dụng tuyệt vời của cây sài đất trong việc chữa bệnh
Nhờ những tác dụng được nghiên cứu trên, sài đất được sử dụng để điều trị những bệnh lý thường gặp. Cây sài đất đã được biết tới trong các bài thuốc dân gian, bài thuốc cổ truyền với các công dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm, bệnh về gan, xuất huyết,..
Cây sài đất giúp điều trị rôm sảy, nổi mẩn ngứa cho trẻ nhỏ
- Sài đất được biết tới quen thuộc nhất với công dụng điều trị rôm sảy mẩn ngứa ở trẻ nhỏ do có tác dụng kháng viêm kháng khuẩn. Sài đất không có độc tính, không gây ảnh hưởng có hại tới làn da nhạy cảm dễ tổn thương của trẻ nhỏ.
- Sử dụng một, hai nắm sài đất rửa qua cho sạch đất cát. Dùng tay vò nhẹ sau đó bỏ vào nấu với nước, để nước đun nguội đến nhiệt độ vừa tắm cho trẻ. Sau khi tắm bằng nước cây sài đất, mẹ tắm tráng cho trẻ bằng nước sạch và dùng khăn lau khô cơ thể. Sử dụng nước tắm thường xuyên để giảm nhanh tình trạng rôm sảy.
Cây sài đất giúp thanh nhiệt, giải độc gan
- Nhờ tác dụng bảo vệ và tái tạo tế bào gan, sài đất thường được sử dụng trong điều trị những bệnh về gan như viêm gan,…
- Sử dụng bài thuốc gồm 10 gram sài đất khô, 10 gram nhân trần và 5 gram kim ngân hoa. Cho 3 loại dược liệu trên sắc lấy nước uống trong ngày, sử dụng thuốc đã sắc trong cả ngày để có tác dụng tốt nhất.
Cây sài đất điều trị bệnh sốt xuất huyết
- Trước khi y học hiện đại phát triển, sài đất được biết đến rộng rãi với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết.
- Bài thuốc bao gồm: sài đất tươi 30 gram, kim ngân hoa 20 gram, lá sao đen 20 gram, củ sắn dây 20 gram, nụ hòe 16 gram, cam thảo đất 16 gram đem tất cả đun sôi với 1000ml nước lọc. Đun tới khi cạn còn 200ml là sử dụng được, sử dụng nước đun uống hàng ngày. Nếu bị sốt cao thì có thể bổ sung vào thang thuốc thêm 20 gram củ tóc tiên.
Cây sài đất chữa nhiễm trùng ngoài da
- Xử trí ngay những viêm nhiễm trùng nhẹ ngoài da như mụn nhọt, lở loét nhẹ,… trên da cùng cây sài đất.
- Sử dụng 100 gram sài đất rửa sạch, giã hoặc xay ép lấy nước uống, phần bã dùng để đắp nơi sưng đau.
Cây sài đất trị viêm cơ
- Bài thuốc bao gồm: kim ngân hoa 20 gram, bồ công anh 20 gram, cam thảo đất 16 gram cùng với sài đất 50 gram rồi đem tất cả sắc lấy nước uống trong ngày
- Phần lá sài đất rửa sạch, vò nát đem đắp lên chỗ sưng viêm.
Cây sài đất chữa nhiệt miệng, viêm chân răng
- Nhờ tác dụng kháng viêm kháng khuẩn, cây cũng thường xuyên được người dân sử dụng với tác dụng chữa nhiệt miệng, viêm chân răng, dộp lưỡi.
- Bài thuốc bao gồm: sài đất, bán liên biên 15 gram, huyền sâm 10 gram. Đem tất cả đi sắc với nước uống. Sau đó uống nhiều lần nước trong ngày.
Công dụng khác
Ngoài những công dụng chữa bệnh trên, nhờ mùi vị đặc trưng và khả năng sống mạnh mẽ, sài đất còn được người dân sử dụng như một loại rau thơm trong bữa ăn hàng ngày.
Những lưu ý khi sử dụng cây sài đất
Vì là một loài cây rất lành tính, không có chất độc nên khi sử dụng sài đất chúng ta hầu như không phải chú ý gì nhiều. Tuy nhiên người dùng cần nhớ một vài chú ý sau:
- Khi sử dụng dược liệu này để điều trị một số bệnh cấp tính nguy hiểm như sốt xuất huyết cần thận trọng. Hiện nay sốt xuất huyết phần lớn được điều trị bằng thuốc tây y theo phác đồ của Bộ Y tế để điều trị hiệu quả và tránh lây lan. Vì thế chỉ sử dụng sài đất để điều trị hỗ trợ chứ không nên thay thế hoàn toàn.
- Khi sử dụng dược liệu sài đất cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ y học cổ truyền để có thể phối hợp các vị thuốc điều trị một cách chính xác. Cách chế biến và sử dụng thuốc có hiệu quả và an toàn nhất.
Hy vọng với những kiến thức trên đây Benh.vn đã cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện hơn về loài cây thân thuộc này. Bạn đọc có thể sử dụng cây sài đất để xử lý những bệnh lý nhẹ thường ngày.