SBS – Hội trứng trẻ bị lắc là một hội chứng với các triệu chứng không đặc trưng rõ rệt của bệnh cụ thể. Khi xảy ra hội chứng SBS ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. SBS là gì?
Shaken Baby Syndrome (SBS), tạm dịch là Hội chứng trẻ em bị lắc, là hội chứng bao gồm các triệu chứng do việc run, lắc mạnh dữ dội bởi một người khác. SBS thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở trẻ lớn hơn. Tại Mỹ, mỗi năm có từ 1200 đến 1400 trẻ bị SBS cần điều trị. Trong số này, có từ 25 đến 30% trẻ bị tử vong do các chấn thương có liên quan đến hội chứng này. Số còn lại phải chịu các di chứng suốt đời. Trên thực tế, số lượng trẻ nhỏ bị hội chứng này còn cao hơn nữa nhưng chưa có số liệu chính xác bởi vì phần lớn các trẻ có hội chứng này không có các tổn thương bên ngoài.
Tại Việt nam, SBS chưa được nhiều người biết và quan tâm, vì thế cũng chưa có các số liệu về hội chứng này. Tuy nhiên, Có đến 70% thủ phạm gây ra SBS cho trẻ là người thân của trẻ nhất là nam giới hay đùa giỡn bằng cách đưa trẻ lên xuống hoặc lắc mạnh trẻ là một thói quen, 30% là nữ, trong đó điều đáng buồn nhất là 62% trường hợp lại do chính cha mẹ của trẻ gây ra. Việc hiểu rõ các nguy cơ có thể xảy ra với trẻ sẽ giúp các thành viên trong gia đình cẩn thận hơn khi đùa giỡn với con cháu mình.
2. Cơ chế gây ra SBS
Khi bạn lắc mạnh một đứa trẻ, đầu của bé sẽ xoay không kiểm soát được vì các cơ ở cổ của bé chưa phát triển và không thể giữ đầu của bé. Đầu của trẻ bị lắc mạnh sẽ làm bộ não bên trong di chuyển trong hộp sọ, lực gia tốc đang nhanh bị dừng lại đột ngột bởi một va chạm thường rất mạnh, hậu quả là não sẽ bị xoắn vặn hay gập tới gập lui trong hộp sọ dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.
Tổn thương ở não có thể còn nặng nề hơn nếu như đầu trẻ bị lắc và va chạm vào vật cứng như tường, sàn nhà… bởi vì các lực tác động lên não của bé trong tình huống này rất mạnh. Sau khi bị lắc, nhu mô não bị sưng phù lên và có thể chèn ép bên trong hộp sọ, đè vào các mạch máu và làm nặng thêm các tổn thương của toàn bộ các cấu trúc dễ tổn thương của nhu mô não.
3. Hậu quả của SBS
SBS thường gây ra những tổn thương không hồi phục, nặng nhất là trẻ bị tử vong. Các trẻ không tử vong có thể bị:
- Chảy máu võng mạc là triệu chứng phổ biến nhất của SBS bởi vì khi một em bé bị lắc liên tục từ trước ra sau, các tĩnh mạch giữa sọ và não bị vỡ, dẫn đến xuất huyết trong ở mắt. Trẻ có thể bị mù một phần hoặc toàn bộ.
- Giảm khả năng nghe.
- Co giật.
- Chậm phát triển.
- Kém thông minh.
- Khó khăn trong học và nói.
- Giảm khả năng nhớ và tập trung.
- Chậm phát triển tâm thần nặng.
- Liệt.
Ngay cả những trường hợp nhẹ hơn, trẻ trông có vẻ bình thường sau khi bị lắc vẫn có thể gặp những vấn đề trên trong giai đoạn phát triển sau này. Đôi khi, các dấu hiệu sớm của một vấn đề không được chú ý cho đến khi trẻ đi học và có những bất thường trong hành vi hoặc gặp những khó khăn trong học tập. Tuy vậy, trong các trường hợp này sẽ khó khăn khi khẳng định các vấn đề này là hậu quả của việc trẻ em bị lắc trước đó nhiều năm.