Tạp chí Y khoa “Science Translational Medicine” vừa công bố các nhà nghiên cứu đã tạo được vắc-xin có thể giúp chống lại căn bệnh MERS ở loài khỉ, chuột và lạc đà. Vắc-xin dù được sử dụng ở liều lượng thấp hay cao, đều có thể giúp loài khỉ chống được bệnh MERS.
Mục lục
Kết quả thử nghiệm trên khỉ, chuột và lạc đà
Khi tiến hành thử nghiệm tác dụng của loại vắc-xin này trên khỉ nâu, các nhà nghiên cứu chia làm 2 nhóm. Kết quả, nhóm khỉ nâu được tiêm loại vắc-xin nhiều lần trong vòng năm tuần liên tục trước khi tiếp xúc với virus thì không bị nhiễm bệnh, trong khi, nhóm 4 con khỉ không tiêm chủng lại phát bệnh.
Các vắc-xin thử nghiệm cũng thực hiện với chuột và ba con lạc đà để tăng kháng thể chống lại virus. Vì không có đủ cơ sở vật chất/thiết bị để lưu giữ những động vật bị nhiễm bệnh, nhóm nghiên cứu đã không để những con lạc đà được tiêm phòng tiếp cận với virus sống như họ đã làm với những con khỉ.
David Weiner, giáo sư bệnh lý học và y học trong phòng thí nghiệm tại Đại học Pennsylvania Perelman School of Medicine chia sẻ “Các dữ liệu về kháng thể trên lạc đà là một khám phá rất thú vị đối với chúng tôi”.
Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng con người nhiễm bệnh qua tiếp xúc gần với lạc đà. “Lạc đà là kênh truyền dịch bệnh khá phổ biến vì đến cả những con lạc đà trưởng thành vẫn không có một hệ miễn dịch mạnh mẽ với MERS”. “Vì vậy, vắc-xin này có thể được sử dụng cho quần thể đó”.
Có thể thử nghiệm vắc-xin trên cơ thể người?
Nhóm các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch kiểm tra xem loại văc-xin này cũng có những phản ứng tích cực ở loài người hay không. Họ hy vọng rằng, khi các vắc-xin thử nghiệm được triển khai trong đợt dịch, nó có thể chặn đứng tình trạng đổ bệnh ở lạc đà và từ đó giúp phá vỡ nguy cơ lây lan sang người.
Trish Perl, một chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn từ Đại học Johns Hopkins, từng trực tiếp làm việc trong chiến dịch chống dịch MERS tại Saudi Arabia cho biết “Tôi nghĩ rằng kết quả sẽ rất lạc quan. Tôi thực sự ấn tượng khi thấy loại vắc-xin này đã tác động tích cực đến các loài động vật khác ra sao”.
Phân tích nguyên nhân gây MERS ở người
MERS là căn bệnh gây ra bởi 1 loại virus mang tên “Corona”. Hầu hết các chuyên gia đều nghi ngờ rằng loại virus này có nhiều ở dơi và lạc đà. Bình thường, nó rất khó lây lan sang con người. Tuy nhiên, vào thời điểm con người đến gần với bệnh nhân bị bệnh MERS, virus sẽ được truyền từ người này sang người khác. Câu trả lời chính xác về việc làm thế nào các tác nhân gây bệnh truyền từ động vật sang người vẫn chưa được làm rõ.
Uống sữa lạ đà hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp của lạc đà là nguyên nhân dẫn đến MERS
Hiện tại, các chuyên gia cho rằng việc uống sữa lạc đà hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp của lạc đà có thể là nguyên nhân lây lan. Người bị nhiễm MERS thường chết vì sốt cao và viêm phổi nhưng bệnh nhân sẽ yếu hẳn đi khi họ có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
“Cho đến khi MERS được xác định nguyên nhân chính xác từ nhóm lạc đà ở Trung Đông, chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều nhóm người bị lây lan dịch bệnh này” – Peter Ben Embarek, người chịu trách nhiệm chính chống căn bệnh MERS từ Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại. “Dịch bệnh lây lan tại Hàn Quốc và những vùng dịch khác đang diễn ra tại các bệnh viện quốc gia ở Riyadh là những minh chứng về việc tình hình có thể xấu đi nếu chúng ta không phát hiện và xử lí kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh”.
Vắc xin Mers hoạt động như thế nào ?
Chỉ có những nghiên cứu ở người mới có thể xác định được vắc-xin sẽ có tác dụng trong bao lâu hoặc bao nhiêu mũi tiêm ngừa là cần thiết để đẩy lùi MERS. Vắc-xin thử nghiệm mới của nhóm nghiên cứu hiện tại không dựa trên một loại virus sống, do đó, nó không có khả năng gây bệnh hoặc gieo mầm mống MERS trong cơ thể người. Nó được tổng hợp bằng cách xâu các chuỗi amino axit ngắn có cấu trúc như bề mặt của virus gây bệnh MERS. Sự xâm nhập của những axit amin này sẽ đưa ra những dấu hiệu làm cơ thể nhầm tưởng đang bị tấn công. Từ đó, cơ thể sẽ tự phản ứng bằng cách gia tăng kháng thể.
Tuy nhiên, việc đưa vắc-xin vào cơ thể người đòi hỏi nhiều hơn một phát tiêm đơn giản. Vắc-xin được tiêm vào cơ thể kèm với một cú sốc điện để tạo ra một phản ứng hiệu quả hơn. Cú sốc sẽ làm các lỗ chân lông và các tế bào mở ra vô cùng nhanh, cho phép các phân tử lớn như DNA đi vào bên trong một cách hiệu quả hơn. Việc bệnh nhân có sẵn sàng chịu đựng được những cú sốc điện đau đớn để tiêm vắc xin ngừa bệnh MERS hay không, vẫn còn là một câu hỏi lớn cần được khám phá.
Hải Yến – Benh.vn (tổng hợp)