Thạch đen không chỉ là thứ giải khát thông thường mà còn là một loại tân dược. Thạch đen được chế biến từ lá cây sương sáo. Lá này có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thạch đen được bày bán trên địa bàn Hà Nội hầu như không có kiểm chứng về an toàn thực phẩm. Tìm hiểu cơ sở chế biến thạch đen lớn nhất Hà Nội, phóng viên được biết thạch đen được chế biến hết sức thủ công và thiếu vệ sinh.
Chè thạch đen (Ảnh minh họa)
Lá thạch siêu bẩn
Hai cơ sở Thạch đen Thanh Hà và Hưng Hiền nằm lụp xụp trên mương thoát nước bốc mùi hôi thối bên trong ngõ chùa Hưng Ký thuộc phường Minh Khai, quận Hai bà Trưng. Cơ sở sản xuất thạch đen này đã tồn tại hơn hai mươi năm, chế biến hết sức thủ công và mất vệ sinh.
Theo quan sát của phóng viên, Thạch của 2 cơ sở này, được nấu trong những chiếc téc khoảng chục khối, bề ngoài đã có phần hoen gỉ. Thành phẩm được đổ đầy những chiếc xô chừng 15 lít nước. Xô thạch xếp la liệt dưới đất, khi hết chỗ để, những xô này lại được xếp theo hình so le, xô nọ nối tiếp xô kia, thoạt nhìn khó có thể tin đó là thứ đồ để ăn.
Một người dân ở đây cho biết: Trước đây khi chưa có nước máy họ dùng nước ao để làm thạch đen, giờ có nước máy thì thạch đen cũng sạch hơn chút. Thế nhưng quy trình thì vẫn rất bẩn.
Lá thạch phơi ở vệ đường hoặc được thu mua sẽ nấu luôn không cần rửa sạch, không ngoại trừ trường hợp đã bị chó, mèo phóng uế.
Hãi hùng hơn là trong quá trình sản xuất, người sản xuất thạch đã đi ủng dính đất, cát,… bám bẩn rồi lại vô tư xéo lên lá thạch. Sau khi ninh nhừ sẽ được hòa với thứ bột gì đó để đông thành thứ thạch đen nhánh.
Mỗi ngày 2 cơ sở này sản xuất hàng trăm kg thạch đen phân phối cho khắp các địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, thậm chí cả trong miền Nam bằng tàu lửa. Họ sản xuất 24/24 vào những thời điểm nóng nhất trong năm. Hàng xóm thường xuyên mất ngủ vì tiếng xô chậu va vào nhau mỗi đêm.
Hàng xóm – Cho cũng không dám ăn
Người dân sống quanh 2 cơ sở này cho biết, dù là được cho không chúng tôi cũng không dám ăn, thạch đen ở 2 cơ sở này sản xuất được gọi là “siêu bẩn”.
Thạch đen được bán lẻ với giá 15000 đồng một kg. Một kg thạch đen được cắt nhỏ hình hạt lựu có thể cho ra hàng trăm cốc chè thập cẩm. Một người bán chè cho biết: Học sinh rất thích ăn thạch đen, có cháu vào gọi một cốc toàn thạch đen với nước đường, hay có những cháu bé bé ăn chè thập cẩm chỉ chọn lấy mỗi thạch đen để ăn.
Thạch đen hấp dẫn người ăn là thế nhưng bản thân những người bán chè lại không dám ăn thạch đen.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Phường Minh Khai cho biết: “ Hai xưởng thạch này đã có chừng hơn hai mươi năm nay. Chúng tôi đều có cán bộ y tế phường đến kiểm tra và nhắc nhở một năm vài lần. Nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường thì không dám khẳng định họ làm không đảm bảo. Tôi và gia đình cũng chưa bao giờ dám ăn thạch đen cả, bà con ai biết thì tránh thôi, chúng tôi không can thiệp gì được”.
Người tiêu dùng hơn hai mươi năm qua vẫn điềm nhiên thưởng thức món thạch đen vốn được cho là bổ thận, mát gan mà không biết rằng nó được chế biến như thế nào. Có lẽ bởi thạch thành phẩm đen nhánh, đặc quánh nên mắt thường chẳng thể nào nhìn thấy được tạp chất bên trong nó.
Câu hỏi vẫn là lời ngỏ cho các cơ quan chức năng khi xử lý dứt điểm vấn đề này?
Benh.vn (Theo phapluat.vn)