Theo Đông y, nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí và cũng là vị thuốc quý hiếm, đứng đầu bộ thuốc quý “Sâm – Nhung – Quế – Phụ”. Điều này đã được thể hiện qua thực tiễn cuộc sống và kết quả nghiên cứu, khoa học về tác dụng kỳ diệu của nhân sâm.
Mục lục
- 1 Tìm hiểu về sâm
- 2 Tác dụng của nhân sâm
- 3 Bay cách dùng nhân sâm
- 4 Cách sử dụng nhân sâm phù hợp với từng loại bệnh
- 4.1 Đối với với người mệt mỏi, hay vã mồ hôi, thở yếu, chuyển hoá cơ bản kém
- 4.2 Những người mệt mỏi, kém ăn, cùng chứng “phế hư”- chức năng hô hấp suy giảm, phổi yếu, thở gấp, ho suyễn
- 4.3 Cơ thể suy yếu nặng, sau phẫu thuật bị mất nhiều máu, mắc các chứng bệnh mạn tính đường tiêu hóa, người già cơ thể suy yếu, răng hỏng
- 5 Những trường hợp không nên dùng nhân sâm
- 6 Những trường hợp ngộ độc nhân sâm
- 7 Biểu hiện khi ngộ độc nhân sâm
- 8 Ý kiến của chuyên gia
- 9 Lời kết
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số hãng dược phẩm đã khuếch trương quá mức, khiến không ít người ngộ nhận về tác dụng của nhân sâm, dẫn tới tình trạng lạm dụng nhân sâm, phát sinh tai biến, do sử dụng nhân sâm bừa bãi.
Vậy, sử dụng nhân sâm như thế nào? Những vấn đề lưu ý khi dùng nhân sâm ra sao? Chúng ta hãy cùng Benh.vn giải đáp những thắc mắc này.
Tìm hiểu về sâm
Sâm là tên gọi khái quát chỉ một số loại cây thân thảo mà củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á, thuộc nhiều chi họ khác nhau nhưng chủ yếu là các loại thuộc chi Sâm.
Trên thế giới có rất nhiều loại sâm như: sâm Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam…
Tác dụng của nhân sâm
– Bồi bổ, tăng lực, tăng sức bền vận động, giảm mệt mỏi, rút ngắn thời gian phục hồi sau vận động quá độ.
– Tạo hồng cầu, chống thiếu máu, huyết áp thấp và các bệnh về tim.
– Cải thiện năng lực tinh thần, tăng trí nhớ, chống suy sụp, rối loạn thần kinh, chống stress…
– Tăng tiết các dịch cơ thể, giảm cơn khát, ngừa bệnh tiểu đường.
– Thúc đẩy các quá trình sinh tổng hợp quan trọng, tăng cường khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, giúp cơ thể chịu đựng và vượt qua các điều kiện bất lợi bên ngoài (nóng, lạnh, tia bức xạ, hóa chất độc hại)…
– Bình thường hóa các chức năng hô hấp, chống lao và suyễn.
– Nâng đỡ hệ thống tiêu hóa, tiêu chảy và táo bón.
– Hiệu quả chống ung thư (ngăn cản gia tăng các tế bào ung thư, tăng hiệu quả trị liệu của thuốc chống ung thư)…
– Giải độc, ngăn ngừa kích ứng da, viêm và các bệnh về da.
Bay cách dùng nhân sâm
– Dùng nhân sâm bằng phương pháp pha trà.
– Dùng nhân sâm để ngậm.
– Tán nhân sâm thành bột.
– Sắc nhân sâm lấy nước.
– Hấp cách thủy nhân sâm.
– Hầm nhân sâm.
– Nấu cháo nhân sâm.
Cách sử dụng nhân sâm phù hợp với từng loại bệnh
Đối với với người mệt mỏi, hay vã mồ hôi, thở yếu, chuyển hoá cơ bản kém
Thích hợp dùng nhân sâm ở dạng: pha trà, sâm tán bột và ngậm.
Pha trà uống:
– Nhân sâm thái thành lát mỏng, mỗi lần dùng 1-2g cho vào ấm cho mềm.
– Đổ nước sôi vào sâm (đã thái) như pha trà.
– Sau 5 phút rót ra uống dần (có thể hãm vài lần, khi thấy mùi vị đã nhạt thì lấy bã ra nhai)
Sâm tán bột:
– Sâm sấy khô, tán mịn, mỗi lần dùng 1-2g,
– Có thể dùng bột sâm hòa vào nước để uống.
– Hoặc uống trực tiếp bột sâm với nước lọc.
Ngậm tan
– Sâm thái thành lát thật mỏng.
– Cho sâm đã thái vào miệng ngậm.
– Sau khi sâm đã nát thì nuốt, ngày ngậm từ 3-4 lát.
Những người mệt mỏi, kém ăn, cùng chứng “phế hư”- chức năng hô hấp suy giảm, phổi yếu, thở gấp, ho suyễn
Khi dùng nhân sâm nên sắc để uống.
Sắc uống:
– Nhân sâm thái lát, mỗi ngày dùng 5-10g.
– Sắc kỹ với nước, pha thêm 20-30g đường.
– Chia thành nhiều lần uống và ăn cả cái.
Cơ thể suy yếu nặng, sau phẫu thuật bị mất nhiều máu, mắc các chứng bệnh mạn tính đường tiêu hóa, người già cơ thể suy yếu, răng hỏng
Dùng nhân sâm bằng cách nấu cháo.
Nấu cháo ăn:
– Nhân sâm 3g, thái lát mỏng.
– Dùng nhân sâm đã thái sắc kỹ với nước và gạo sau đó nấu thành cháo ăn.
Sâm hấp trứng gà: để bồi bổ cơ thể đối với những người mắc các bệnh mạn tính.
– Trứng gà 1 quả, khoét 1 lỗ nhỏ ở đỉnh.
– Cho 1-2g bột nhân sâm vào, trộn đều.
– Lấy một miếng khăn giấy thấm nước cho ướt để dán kín lại rồi đem hấp chín. Mỗi ngày dùng 1 lần.
Sâm hầm thịt gà: để bồi bổ cơ thể phụ nữ sau thời kỳ sinh đẻ.
– Dùng gà mái 1 con (gà chân đen càng tốt), làm sạch lông và tạp chất.
– Sau khi đã làm sạch, mổ bụng cho 5-10g sâm thái lát vào rồi khâu kín lại.
– Hầm chín, ăn thịt, sâm và nước; mỗi tuần 1-2 lần.
Lưu ý:
Sử dụng nhân sâm phải theo sự chỉ định của bác sỹ. Sau khi uống hoặc ăn nhân sâm, tuyệt đối không ăn các loại củ cải và hải sản. Vì củ cải và hải sản là đại hạ khí, còn nhân sâm là đại bổ khí, hai thứ triệt nhau, nếu dùng chung dễ dẫn đến tử vong.
Những trường hợp không nên dùng nhân sâm
– Người khỏe mạnh.
– Người bị cảm mạo, phát sốt.
– Bị bệnh gan mật cấp tính, viêm dạ dày và ruột cấp tính, bị nôn mửa, đau bụng đi ngoài.
– Bị giãn phế quản, lao, ho, ra máu, cao huyết áp, bị di tinh, ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp.
– Phụ nữ mang thai.
– Trẻ em dưới 14 tuổi được khuyến cáo không nên tự ý dùng nhân sâm.
Những trường hợp ngộ độc nhân sâm
Lạm dụng rượu nhân sâm, thuốc bổ từ sâm và ngậm sâm tươi
Bệnh nhân N.V.K nằm điều trị tại Khoa thận Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) cho biết “ do cơ thể thường xuyên mệt mỏi nên anh đến bốc thuốc Bắc tại đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) và mua mấy hộp nhân sâm uống kèm. Nhưng sau khoảng bốn ngày sử dụng, anh bỗng thấy đau đầu, chóng mặt và thường xuyên nôn ói. Nhập viện khám lâm sàng bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc nhân sâm do sử dụng quá nhiều”.
Một bệnh nhân nữ khác tên T.H.M từng có tiền sử huyết áp cao, do áp lực công việc lớn, cơ thể thường xuyên mệt mỏi nên được người quen mách nước mua sâm tươi ngậm hằng ngày. Mới đầu M thấy ngậm sâm hiệu quả rõ rệt, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ cải thiện nên tăng liều lượng sử dụng lên gấp đôi.
Đúng 1 tuần sau, M thấy cơ thể nóng hừng hực, người mẩn ngứa và liên tục chóng mặt, khám bác sĩ nhận định do dùng nhân sâm quá liều khiến huyết áp tăng vọt.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.H.T, do tiền sử có bệnh xơ gan, chữa nhiều nơi không khỏi nên nhờ đến một thầy lang bốc thuốc Bắc kèm nhân sâm. Sau suốt 4 tháng trời sử dụng đều đặn, cơ thể ông T càng ngày càng bất thường và đến đầu tháng 10/2008 thì người suy yếu, hay bị xây xẩm mặt mũi, ăn vào nôn ói và huyết áp tăng vọt. Nhập viện, kiểm tra lâm sàng cho thấy ông T bị ngộ độc nghiêm trọng nhân sâm gây chảy máu đường ruột, tổn thương gan nặng.
Trẻ em bị ngộ độc nhân sâm
Bệnh viện Nhi Đồng 1&2 (TPHCM) ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, mê sảng, tổn thương thần kinh do nhân sâm gây nên.
Nhiều cha mẹ khi thấy con biếng ăn, gầy yếu, hay đau bệnh là lập tức dùng sâm tươi nấu nước hay sử dụng các chế phẩm chiết xuất nhân sâm cho con uống. Nếu sử dụng ít mang tính hỗ trợ thì không sao, nhưng do các cháu bị ép uống liên tục, quá liều trong một thời gian dài nên dẫn đến những tác hại khôn lường.
Biểu hiện khi ngộ độc nhân sâm
– Mất ngủ, đau đầu, chóng mặt.
– Thần kinh hưng phấn liên tục, trạng thái khoái cảm.
– Huyết áp tăng cao, thân thể phù thũng, iả chảy lúc sáng sớm.
– Da mẩn đỏ, mũi chảy máu …
Ý kiến của chuyên gia
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia
“Hiện một số người dùng nhân sâm và chế phẩm từ sâm với liều quá cao hoặc quá dài ngày nên đã dẫn đến ngộ độc.
Có người dùng nước nhân sâm thay cho nước uống, có người ăn nhân sâm như ăn kẹo. Như thế rất nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi, bị xơ cứng động mạch, huyết áp, bởi trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo, sẽ làm tăng lượng mỡ.
Đối với trẻ phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thì không cần dùng nhân sâm bởi sâm chỉ được dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu. Nếu tuỳ tiện dùng có thể làm kích thích quá trình phát triển, khiến trẻ phát dục sớm. Tốt nhất khi muốn sử dụng nhân sâm nên theo đúng chỉ định của bác sĩ”.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng (thuộc bộ Y tế)
“Nhân sâm rất tốt cho sức khỏe, nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng nên có tác dụng chống mỏi mệt, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích, trị các chứng như ra mồ hôi, lo lắng, đại tiểu tiện không tự chủ…
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng sâm, nhất là với trẻ nhỏ. “Các nghiên cứu đã cho thấy nếu người lớn uống khoảng 200ml rượu sâm nồng độ 3% sẽ có biểu hiện trúng độc, bị mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ. Uống liên tục mỗi ngày 0,3g bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân.
Trẻ đang bú mẹ nếu uống nước sắc 0,03 – 0,06g từ sâm sẽ bị co giật, thở gấp, tim đập chậm, tiếng tim mờ, nôn. Viện Y học cổ truyền Trung ương đã từng ghi nhận trường hợp tử vong vì uống 500ml nhân sâm/ngày”.
Lời kết
Nhân sâm là một loại thuốc bổ, rất tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhân sâm cũng như những loại thuốc khác chỉ chữa được một số bệnh mà không chữa được bách bệnh. Vì vậy, để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc, khi sử dụng nhân sâm nên theo chỉ định của bác sỹ.
Benh.vn