Người ta nhận thấy rằng sữa mẹ thường xuyên được giữ ở nhiệt độ khoảng 37oC, rất phù hợp với thân nhiệt của trẻ hơn nữa lại rất vệ sinh.
Một số thành phần được cung cấp bởi sữa mẹ:
Đạm Whey trong sữa mẹ chiếm 60% là những acid amin cần thiết cho sự phát triển tối ưu của trẻ. Chỉ số pha loãng của thận thấp, do đó sẽ giảm áp lực lên thận non yếu.
Sữa mẹ có khả năng miễn dịch cao: Trong sữa mẹ còn chứa các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA (có nhiều nhất trong sữa non). IgA không hấp thu mà ở lại trong lòng ruột, nên tác dụng đối kháng với một số vi khuẩn như E.coli và virut trong ruột. Chính vì vậy những cháu bé được bú mẹ ít bị tiêu chảy và các viêm nhiễm đường ruột. Trong sữa mẹ có lactoferin – một protein gắn với chất sắt, sự gắn kết này làm cho một số vi khuẩn có hại không phát triển được. Chất lysozym (một loại men trong sữa mẹ cao hơn sữa bò hàng ngàn lần) chất này có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại và nhiều loại virut khác.
– Sữa mẹ dễ tiêu hóa nhờ có nhiều đạm “whey” nên sau khi trẻ bú 2 tiếng, 4/5 lượng sữa đã được tiêu hóa, trẻ sẽ lên cân tốt. Sữa mẹ giúp bé hấp thu canxi tốt nhất, vì vậy phát triển hệ xương của trẻ tốt hơn. Trong sữa mẹ còn có 130 loại chất xơ khác nhau, nên trẻ bú mẹ rất hiếm khi bị táo bón, trẻ sẽ không khó chịu, ít quấy khóc và bú nhiều hơn.
– Trong sữa mẹ lượng đạm (protein) và các muối khoáng như clorua, canxi nhiều gấp 3 lần sữa bò, đặc biệt trong sữa non lượng đạm rất cao, rất quan trọng đối với dinh dưỡng và sự miễn dịch của trẻ sơ sinh.
– Trong hai tuần lễ đầu sau sinh, sữa mẹ chứa 4.000 bạch cầu trong 1ml sữa mẹ, những bạch cầu này tiết ra IgA, lactoferin, lysozym và interferon – những chất này ức chế hoạt động của một số virut. Do đó trong thời gian bú mẹ, trẻ ít bị tiêu chảy cũng như các bệnh khác. Sữa mẹ còn có yếu tố bifidus – một chất carbohydrat có chứa nitơ là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng của vi khuẩn lactobacillus bifidus – có vai trò biến một vài loại lactoza trong sữa thành acid lactic nên ngăn được sự tăng trưởng của vi khuẩn và ký sinh trùng có hại làm cho phân của trẻ có mùi chua khác với phân của trẻ ăn sữa bò.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo tất cả trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn kết hợp với cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu; rồi 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba.
Benh.vn