Chẳng mấy chốc nhiều bệnh nhân ở Kenya sẽ bắt đầu sống chung với giòi như là một phương pháp điều trị tối ưu sau khi những kết quả đầy hứa hẹn đã áp dụng cách trị liệu cũ và rất thành công.
Mục lục
Phương pháp nghe tưởng rất kinh khủng nhưng lại cho hiệu quả rất tốt
Tại một xứ sở nơi người dân trả nhiều tiền cho thuốc, thì phương pháp chữa bệnh bằng cách cho ấu trùng sâu bọ tiếp xúc với thịt sống ở các vết thương cũng đang hứa hẹn làm giảm bớt các hóa đơn viện phí. TS. Christopher Kibiwot, người đang tham gia một ca thử nghiệm tại Bệnh viện quốc gia Kenyatta (KNH, Kenya), phát biểu: “Các kết quả đều rất tốt, bệnh nhân có thể rời bệnh viện trong 2 hoặc 3 tuần điều trị bằng giòi”.
Liệu pháp giòi đã được sử dụng trong các nền văn minh sơ khai. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của penicillin và sự phát triển của y học nên những cách điều trị hiện đại đã được ưa dùng tại các bệnh viện thay thế cho nó.
Cách những con giòi hoạt động
Khi mà sự kháng kháng sinh đang là một thách thức ở thời điểm này thì các bác sĩ buộc phải tìm kiếm các cách điều trị thay thế. TS. Kibiwot giải thích: “Về cơ bản, những con giòi sẽ ăn các mô chết mà người ta gọi là mô hoại tử. Bằng cách đó, những con giòi sẽ cạnh tranh với vi khuẩn để làm thức ăn và vi khuẩn sẽ bị triệt tiêu. Đó là một trong những cách để chữa bệnh mà không dùng đến kháng sinh”.
Để tạo ra giòi, những chiếc chai màu xanh chứa ruồi được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Kenya (KARI). Bà Phoebe Mukiria, một nhà côn trùng học tại KARI, người đang giám sát quá trình hóa giòi, cho biết rằng lý do thật “đặc biệt” vì rằng chúng chỉ ăn các mô chết. Bà Mukiria khẳng định chắc nịch: “Nó làm sạch vết thương, không ăn các mô sống và do đó bạn chẳng sợ bất kỳ sự đau đớn nào”.
Sức mạnh của ấu trùng trong y học
Sau khi đẻ trứng, ấu trùng được khử trùng và chuyển vào các gói nhỏ.
Giòi – bác sĩ vi phẫu thuật
Xét về bản chất, bà Phoebe Mukiria nói rằng những con giòi đã chuyển hóa mô chết thành chất lỏng, từ đây chúng sẽ biến thành thực phẩm. Theo bà Mukiria: “Chúng đã làm việc này bằng cách tiết ra thứ nước bọt có chứa các chất hóa học đặc biệt lên vết thương. Chúng được gọi là các bác sĩ vi phẫu thuật vì có khả năng tiếp cận những chỗ mà các bác sĩ phẫu thuật không tài nào đụng tới được”.
Những con ruồi tại KARI được nhốt trong một cái lồng lập phương và được phủ một cái lưới mà có thể nhìn xuyên qua đó, để cho ruồi ăn cám và đường; những miếng bọt biển được ngâm trong nước cũng được đặt bên trong. Sau khi chén no nê, những con ruồi sẽ sẵn sàng để đẻ trứng, chúng đẻ trứng 3 lần/tuần, thường là trong một xác chết hay một dạng thịt thối rữa nào đó.
Vì thế, bà Mukiria đặt vào trong lồng 1 cái đĩa có chứa gan bò và úp lên miếng gan bằng cái chén nhựa có 2 lỗ ở hai phía đối diện. Sau 2 giờ, bà dời cái chén, miếng gan bò khi đó sẽ bám đầy những cái trứng ruồi màu kem. Kế đó, những quả trứng sẽ được tiệt trùng trong dung dịch sodium hypochlorite và rồi ấp trong suốt 24 tiếng đồng hồ, sau đó những con giòi dài 1mm sẽ chui ra khỏi vỏ.
Chỉ trong vòng vài giờ, chúng lại được rửa sạch và đặt trong những cái túi như túi trà. Những cái túi lại được đặt vào trong các hộp làm mát để chuyển đến bệnh viện. Bà Mukiria cho hay: “Nếu giữ lạnh, chúng có thể sống trong vòng 24 tiếng đồng hồ, vì vậy chúng tôi đảm bảo có thể chuyển đến các bệnh viện ở xa”.
Từ sợ hãi
Tại KNH ở Thủ đô Nairobi, TS. Christopher Kibiwot đang chuẩn bị điều trị cho một trong các bệnh nhân của mình – bà Hannah Wagio. TS. Kibiwot cho biết: “Lúc đầu, một số bệnh nhân tỏ ra sợ sệt, hoài nghi về cách điều trị bằng giòi. Dĩ nhiên, ban đầu, nó là một nhân tố sợ hãi, rằng: “Tại sao lại đặt giòi lên người tôi trong khi tôi đang sống?”. Nhưng sau khi tôi giải thích kỹ cho họ về khả năng phục hồi và họ sẽ rút ngắn thời gian ở bệnh viện thì họ nhất trí cho chúng tôi điều trị”.
Nữ bệnh nhân Hannah Wagio, người có một vết loét tại gót chân của mình, vết thương khiến bà không thể đi lại và bà đang sẵn sàng để được chữa trị. Wagio rú lên đau đớn khi BS. Kibiwot đang làm sạch vết thương cho bà – đó là một phần da quanh gót chân bị mủ bao phủ. TS. Kibiwot đặt một gói giòi lên khu vực vết thương và quấn băng lên trên. Ông cho biết: “Tôi khá cẩn thận để quấn băng khu vực có giòi vì chúng có thể bị ngạt thở”.
… đến sảng khoái
Hai ngày sau đó, đã đến thời khắc tháo băng, vẻ mặt bà Wagio có sự lạc quan thấy rõ. Bà nói rằng cơn đau biến mất và mỉm cười khi các bác sĩ tháo băng. Vết thương sạch, khô và những gói giòi đã phồng to. Khi mở một trong các gói giòi, TS. Kibiwot chỉ cho thấy lũ giòi đã mập ú và có vẻ lớn thêm. Bệnh nhân Wagio yêu cầu phải đảm bảo không làm sao nếu một khi gỡ sạch lũ giòi ra khỏi cơ thể bà. Wagio nói: “Tôi lo rằng chúng có thể đánh chén tôi, nhưng bác sĩ quả quyết nó vô hại”. Đối với những bệnh nhân như bà Wagio, liệu pháp giòi còn đồng nghĩa với việc làm giảm các hóa đơn viện phí, rút ngắn thời gian ở bệnh viện và xóa tan nỗi lo ngại về kháng kháng sinh.
Wagio giờ khá hạnh phúc, cho biết: “Tôi hạnh phúc khi đã điều trị và sẽ tiếp tục cho đến khi thật sự lành bệnh. Khi tôi lành bệnh, tôi hy vọng những người khác cũng được chữa như mình”. Các kết quả từ nghiên cứu thí điểm ở Kenya – được tài trợ bởi SlovakAid – hiện đang được đánh giá.
Nhưng khắp đất nước Kenya và cả KARI đang nhận không ngớt cuộc gọi yêu cầu trị bệnh bằng giòi từ phía các bệnh nhân. Gần 20 quốc gia trên thế giới đang thật sự dùng liệu pháp giòi, trong đó có Mỹ, Anh và công nhận nó là một hình thức điều trị y tế vào năm 2004. Bà Phoebe Mikuria lạc quan nói: “Nó là một dự án rất hứng khởi bởi vì sự mới mẻ và kỳ diệu. Nhưng khi chúng tôi mớt bắt đầu điều trị cho 2 – 3 người thì mọi người còn sợ sệt, còn giờ đây thì ai cũng muốn điều trị”. Hiện phòng thí nghiệm của bà Mukiria đã có đủ nguồn giòi cho các bệnh viện trong nước.
Liệu pháp giòi có từ đâu?
Báo cáo đầu tiên về cách điều trị này là nền văn minh Maya ở Trung Mỹ và các cộng đồng thổ dân ở Australia. Các bác sĩ trong suốt thời kỳ nội chiến Mỹ đã ghi nhận về hiệu quả của giòi trong những vết thương bị bỏ quên của thương binh. Ấu trùng ruồi đã ăn thịt chết của người sống. Chúng tiết ra một enzym làm mềm các tế bào chết. Chúng làm sạch vết thương nhưng rồi bị từ chối sau khi phát minh ra thuốc kháng sinh. Năm 2004, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép nuôi giòi dùng trong y học.
Benh.vn. (Theo NGUYỄN THANH HẢI-SKĐS)