Trả lời câu hỏi của bạn đọc “Sừng tê giác có phải thần dược chữa được bách bệnh không? “
Mục lục
Trả lời:
Tại sao lại có lời đồn sừng tê giác chữa bách bệnh ?
Sừng tê giác là sừng con tê ngưu, nó mọc ở ngoài da khác với những động vật có sừng khác là sừng mọc trong xương. Sừng tê giác được cấu trúc bằng một tổ chức lông liên kết lại cho nên cưa và mài rất khó, nhưng khi chẻ thì dễ.
Cũng như những con vật khác, sừng tê giác trước hết là để bảo vệ bản thân. Ngoài ra còn có tác dụng giải độc cho cơ thể của nó. Theo các tài liệu y học phương Đông, khi tê giác ăn uống phải thức ăn có độc, được đào thải qua da và đào thải ra ngoài theo sừng cho nên hàng ngày nó đi cà sừng vào cây để giải độc và cũng tìm kiếm những cây không có độc nó mới ăn. Theo truyền thuyết của những người đi rừng xưa của Việt Nam, nơi khe suối có dấu chân tê giác xuống uống nước thì không có độc nên người cũng uống được. Tê giác cắm sừng xuống dòng nước không có độc nó mới uống.
Thực tế thì như thế nào ?
Sừng tê giác tính hàn, vị đắng khi dùng nó có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh (bệnh do thời tiết sinh ra có tính lây truyền) như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban…
Bạn hỏi sừng tê giác có phải là thần dược không, chúng tôi xin trả lời và khẳng định là không. Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì nó vừa đắt vừa khó tìm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền dễ tìm lại có cùng tác dụng như chúng tôi đã trình bày ở trên.
Đồng thời chúng tôi cũng lưu ý bạn rằng sừng tê giác là một vị thuốc chứ không phải là một bài thuốc. Trong y học phương Đông có tất cả khoảng một vạn bảy nghìn bài thuốc chỉ có khoảng 20 bài có thành phần sừng tê giác. Cho nên nếu chỉ uống độc vị sừng tê giác không có ý nghĩa chữa bệnh, nếu có tác dụng chỉ là cá biệt. Hơn nữa, trong Đông y không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị.
Benh.vn