Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được. Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.
Tắc mạch ối thường gặp hơn ở phụ nữ sinh con rạ, mang thai nam, có tiền sử dị ứng,…
Yếu tố nguy cơ
– Tuổi mẹ >35 t.
– Con rạ nguy cơ cao hơn con so.
– Mổ lấy thai, đẻ có can thiệp thủ thuật Forcep, giác hút.
– Đa ối, đa thai, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật….
– Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung
Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. Về giới tính của thai: 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai. 41% số người bệnh có tiền sử dị ứng.
Cơ chế bệnh sinh
Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương.
Người ta vẫn không hiểu tại sao nước ối vào tuần hoàn chỉ xảy ra ở một số ít người mà không xảy ra ở nhiều người khác. Hơn nữa, rất hiếm khi thảm cảnh lại xảy ra do các mảnh của thai do đi theo nước ối vào tuần hoàn người mẹ mặc dù trong chuyển dạ, trong đẻ, mổ lấy thai hay các thăm dò nhỏ gây chấn thương làm cho nước ối có thể đi vào tuần hoàn người mẹ nhưng không gây ra triệu chứng.
Do vậy tắc mạch ối chỉ gặp ở một tỷ lệ rất nhỏ trong số các phụ nữ này làm cho người ta nghĩ tới vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảnh mô thai (có chứa kèm theo phân su hay không) hay một số yếu tố nào đó của người mẹ. Nước ối và tế bào thai qua tĩnh mạch đi tới tim và phổi của người mẹ với một lượng đủ gây ra tắc mạch hay co thắt mạch phổi nghiêm trọng. Khả năng gây tử vong cao. Khả năng gây tử vong cao nhất khi trong nước ối có nhiều bả thai và nhất là phân su sệt.
Tắc mạch ối là biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm có tỷ lệ tử vong lên tới 80%
Bệnh cảnh của tắc mạch ối
Ở Hoa Kỳ ước tính 1 trường hợp tắc mạch ối cho 8.000 – 30.000 thai nghén. Các nước khác có tỷ lệ mắc tương tự. Một nghiên cứu ở Canada từ 1991 – 2002 trên 3 triệu trường hợp đẻ trong bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tắc mạch ối là 14,8/100.000 trường hợp đẻ đa thai, 6,0/100.000 đẻ một thai. Nghiên cứu trong khoảng thời gian 2000-2002 ở Anh cho thấy tỷ lệ gặp tắc mạch ối là 3,7/1 triệu trường hợp thai nghén và tử vong mẹ do tắc mạch ối lên đến gần 80%.
Hiện nay người ta vẫn chưa biết một cách chính xác cơ chế bệnh sinh của tắc mạch ối. Bệnh cảnh của tắc mạch ối gần giống như một choáng phản vệ với mảnh mô thai hơn là hiện tượng tắc mạch. Một bệnh lý có cơ chế phản ứng dị ứng nhiều hơn là kiểu bệnh lý tắc mạch. Cơ chế chính xác của phản ứng dạng phản vệ với nước ối chưa được hiểu rõ ràng. Nước ối tác động như một dị vật trong dòng máu và kết quả là giải phóng nhiều chất trung gian nội sinh khác nhau như: histamin, bradykinin, cytokin, prostaglandin, leukotrien, thromboxan… Chính các chất trung gian này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng lâm sàng của tắc mạch ối.
Hiện nay, các nhà khoa học đang hướng sự chú ý tới sự phân rã nhân các tế bào khổng lồ, giải phóng các histamin và các enzym tryptase, đồng thời hoạt hóa chuỗi phản ứng phức tạp khác.
Có 3 hoàn cảnh làm cho nước ối đi vào tuần hoàn của người mẹ:
- Vỡ ối (tức có lỗ rách màng ối hay màng đệm)
- Vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung.
- Áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch. (Trong cơn go tử cung lúc rặn đẻ)
Người ta chưa hiểu nhiều về cơ chế bệnh sinh của tắc mạch ối. Nước ối và tế bào thai đi vào tuần hoàn người mẹ diễn tiến qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tế bào da thai nhi bị bong ra + lông + tóc + chất gây + chất nhầy tạo nên sự tắc nghẽn trầm trọng mạch máu phổi hoặc từ fibrin được thành lập trong mạch máu => Co thắt động mạch phổi=> Tăng áp lực phổi + tăng áp lực thất P=> thiếu ôxy.
Quá trình ngừng tuần hoàn-hô hấp diễn ra rất nhanh làm cho các buồng thất không giãn ra được làm thiếu ôxy ở tim và phổi. Tình trạng thiếu ôxy gây tổn thương cơ tim và mao mạch phổi làm suy thất trái và suy hô hấp cấp. Người bệnh nhanh chóng đi vào giai đoạn hôn mê.
Giai đoạn 2: Nếu người bệnh sống sót qua giai đoạn này thì sẽ đi tới giai đoạn 2. Khoảng 40% số trường hợp sống sót qua giai đoạn 1. Giai đoạn 2 đặc trưng bằng chảy máu dữ dội khắp nơi do đờ tử cung và do đông máu nội mạch rải rác (DIC).
Benh.vn