Trong số những bà mẹ mang thai, có khoảng 7-8% mắc bệnh hen suyễn và cơn hen rất dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi. Do vậy, người phụ nữ có bệnh hen suyễn khi mang thai, lúc sinh con cũng như nuôi con nhỏ cần lưu ý một số điểm sau đây.
Mục lục
Thai phụ bị hen cần kiểm soát tốt cơn hen để không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và em bé
Quy luật một phần ba
Người ta nhận thấy diễn tiến của bệnh hen suyễn trong thời kỳ mang thai thường tuân theo quy luật một phần ba: có khoảng 1/3 trường hợp bệnh suyễn giảm nhẹ hoặc hầu như biến mất trong suốt thời kỳ mang thai; đặc biệt cải thiện tốt nhất ở bốn tuần lễ cuối cùng; 1/3 trường hợp bệnh vẫn giữ nguyên mức độ như trước lúc mang thai và 1/3 trường hợp còn lại, bệnh diễn tiến nặng hơn, thường lên cơn hen suyễn cấp trong khoảng tuần lễ thứ 24 đến 36 của thai kỳ.
Thai nhi chỉ khỏe mạnh nếu bệnh hen của mẹ được kiểm soát tốt. Thai nhi cần có chất dinh dưỡng và oxy cung cấp từ dòng máu của mẹ để phát triển; nếu bệnh hen suyễn của mẹ không được kiểm soát tốt, các triệu chứng của cơn hen suyễn xuất hiện thường xuyên sẽ dẫn đến việc thai nhi bị thiếu oxy. Nguy cơ thai nhi bị ảnh hưởng từ các loại thuốc điều trị hen nhỏ hơn nhiều so với nguy cơ thiếu oxy do bệnh hen không được kiểm soát tốt. Bệnh hen suyễn không được kiểm soát tốt sẽ để lại những hậu quả xấu trên cả mẹ lẫn thai nhi như: sinh non, sinh không đủ cân, tiền sản giật và sản giật. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh, hầu hết các loại thuốc điều trị hen suyễn, nhất là các loại thuốc đường hít là an toàn cho thai nhi.
Để kiểm soát tốt bệnh hen
Trong giai đoạn mang thai
Để kiểm soát tốt bệnh hen, người mẹ mang thai cần phải:
- Tiếp tục sử dụng các loại thuốc điều trị hen bằng đường hít như vẫn đang sử dụng và đạt kết quả tốt. Các thuốc này đã được chứng minh là an toàn cho thai nhi. Dù bệnh đang được kiểm soát tốt, việc sử dụng đều đặn các loại thuốc ngừa cơn sẽ giúp ổn định tình trạng viêm mạn tính trong phế quản và tránh các cơn hen xuất hiện.
- Nếu bệnh hen suyễn chưa được kiểm soát tốt hoặc bệnh tiến triển nặng hơn so với lúc trước khi mang thai, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được điều chỉnh thuốc men cho đến khi bệnh hen được kiểm soát tốt. Các thuốc điều trị hen đường uống nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng tùy tiện.
- Phòng tránh các yếu tố khởi phát cơn hen suyễn cấp như bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật, gián, nấm mốc, nhiễm trùng hô hấp, không khí lạnh…
- Cùng với bác sĩ xây dựng bản kế hoạch hành động của mình, trong đó ghi rõ cách tự theo dõi bệnh, các loại thuốc sử dụng, các dấu hiệu nhận biết cơn hen suyễn xảy ra và cách đối phó với các cơn hen suyễn này.
- Nếu có hút thuốc lá, phải bỏ thuốc vì ngoài việc có thể làm khởi phát cơn hen suyễn, hút thuốc lá còn dẫn đến nguy cơ chết đột ngột ở trẻ sơ sinh.
- Khám thai định kỳ: thai phụ phải khám thai định kỳ đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sản khoa cũng cần được thông báo về tình trạng bệnh hen suyễn của thai phụ để có xử trí thích hợp.
Khi chuẩn bị sinh
Thông thường các triệu chứng của bệnh hen suyễn sẽ giảm dần ở bốn tuần lễ cuối của thai kỳ. Đa số các bà mẹ sẽ không lên cơn hen suyễn cấp vào thời điểm chuyển dạ (90%) và thường chỉ cần dùng thuốc giãn phế quản là đủ. Tuy nhiên, các thai phụ nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp khi gần đến ngày dự sinh, để được đánh giá lại tình trạng bệnh của mình. Nếu có trở ngại về phương diện sản khoa đòi hỏi phải mổ lấy thai, nên báo cho bác sĩ biết về bệnh hen suyễn của mình để chọn lựa phương pháp gây mê, gây tê thích hợp. Phương pháp an toàn nhất là gây tê tủy sống.
Sau khi sinh
Các thuốc điều trị hen đường hít đều an toàn đối với trẻ vì không “đi qua” sữa mẹ, vì vậy, người mẹ cần dùng thuốc đều đặn cả trong thời kỳ cho con bú. Đối với những trường hợp bệnh hen suyễn giảm nhẹ trong thai kỳ, cần lưu ý vì bệnh thường sẽ trở lại mức độ như lúc trước thời kỳ mang thai. Nên tránh uống thuốc Theophyllin khi đang cho con bú vì thuốc này có thể qua sữa và làm cho trẻ bứt rứt. Các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ cũng nên tránh dùng vì sẽ khiến trẻ lừ đừ, kém linh hoạt.
TS.Bs. Đỗ Thị Tường Oanh (Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM)