Tên chung quốc tế: Diazepam.
Loại thuốc: An thần, giải lo, gây ngủ.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc uống: Dạng cồn thuốc 2 mg/5 ml, dạng siro hoặc dung dịch sorbitol; dung dịch uống 5 mg/5 ml, dung dịch uống đậm đặc 5 mg/1 ml; viên nén: 2 mg, 5 mg, 10 mg; viên nang: 2 mg, 5 mg, 10 mg.
Thuốc tiêm: Ống tiêm 10 mg/2 ml, lọ 50 mg/10 ml.
Thuốc trực tràng: Viên đạn 5 mg, 10 mg; dạng ống thụt hậu môn 5 mg, 10 mg.
Cơ chế tác dụng
Diazepam là một thuốc hướng thần thuộc nhóm 1,4 benzodiazepin, có tác dụng rõ rệt làm giảm căng thẳng, kích động, lo âu, và tác dụng an thần, gây ngủ. Ngoài ra, diazepam còn có tác dụng giãn cơ, chống co giật. Thuốc được dùng trong thời gian ngắn để điều trị trạng thái lo âu, căng thẳng, dùng làm thuốc an thần, tiền mê, chống co cơ và xử trí các triệu chứng khi cai rượu.
Diazepam gắn với các thụ thể đặc hiệu trên hệ thần kinh trung ương và các cơ quan ngoại vi đặc biệt. Thụ thể benzodiazepin trên hệ thần kinh trung ương có liên hệ chặt chẽ về chức năng với thụ thể của hệ thống dẫn truyền GABA (Gamma Amino Butyric Acid). Sau khi gắn với thụ thể benzodiazepin, diazepam tăng tác dụng ức chế của hệ dẫn truyền GABA.
Dược động học
Diazepam được hấp thu tốt hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Nồng độ cao trong huyết tương đạt trong vòng 0,5 đến 2 giờ sau khi uống. Tiêm bắp, sự hấp thu của diazepam có thể chậm và thất thường tùy theo vị trí tiêm. Nếu tiêm vào cơ delta, thuốc thường được hấp thu nhanh và hoàn toàn. Dùng theo đường thụt hậu môn, thuốc được hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn.
Diazepam gắn mạnh vào protein huyết tương (95 – 99%). Thể tích phân bố khoảng 0,95 và 2 lít/kg, phụ thuộc vào tuổi. Diazepam ưa lipid nên vào nhanh dịch não tủy. Diazepam và các chất chuyển hóa chính, N – desmethyl diazepam qua nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ.
Diazepam chuyển hóa chủ yếu ở gan. Các chất chuyển hóa, N – desmethyl diazepam (nordiazepam), termazepam và oxazepam xuất hiện trong nước tiểu dưới dạng glucuronid, là những chất có hoạt tính dược lý. Chỉ 20% các chất chuyển hóa được phát hiện trong nước tiểu trong 72 giờ đầu.
Diazepam có nửa đời thải trừ hai pha, một pha phân bố ban đầu nhanh và một pha đào thải cuối cùng kéo dài 1 – 2 ngày. Các chất chuyển hóa hoạt tính N – desmethyldiazepam, termazepam và oxazepam, có nửa đời thải trừ tương ứng theo thứ tự 30 – 100 giờ, 10 – 20 giờ và 5 – 15 giờ.
Thuốc đào thải chủ yếu qua thận, 1 phần qua mật, phụ thuộc vào tuổi và cả chức năng gan và thận.
Thuốc chuyển hóa và đào thải ở trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với trẻ lớn và người lớn. Ở người cao tuổi, đào thải kéo dài gấp 2 đến 4 lần. Thuốc cũng đào thải kéo dài ở người bệnh có chức năng thận bị tổn thương. Ở người bị bệnh gan (xơ gan, viêm gan), đào thải kéo dài gấp 2 lần.
Chỉ định
Diazepam được sử dụng trong những trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ. Trong trường hợp trầm cảm có các triệu chứng giống như trên, có thể chỉ định dùng diazepam cùng với các thuốc chống trầm cảm. Sảng rượu cấp, các bệnh tiền sảng và các triệu chứng cấp cai rượu. Cơ co cứng do não hoặc thần kinh ngoại biên, co giật. Tiền mê trước khi phẫu thuật.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với benzodiazepin và các thành phần khác của thuốc. Nhược cơ, suy hô hấp nặng.
Không nên sử dụng trong trạng thái ám ảnh hoặc sợ hãi. Không sử dụng đơn độc để điều trị trầm cảm hoặc lo âu kết hợp với trầm cảm vì có nguy cơ thúc đẩy tự sát ở nhóm người bệnh này.
Không dùng diazepam điều trị bệnh loạn thần mạn.
Kết hợp sử dụng diazepam và 1 benzodiazepin khác có thể gây chứng quên ở người bệnh, và không nên dùng diazepam trong trường hợp có người thân chết vì có thể bị ức chế điều chỉnh tâm lý.
Thận trọng
Thận trọng với người bệnh giảm chức năng gan, thận, bệnh phổi mạn tính, bệnh glôcôm góc đóng hoặc tổn thương thực thể não, xơ cứng động mạch.
Nghiện thuốc ít xảy ra khi sử dụng diazepam trong thời gian ngắn. Triệu chứng cai thuốc cũng có thể xảy ra với người bệnh dùng liều điều trị thông thường và trong thời gian ngắn, có thể có di chứng về tâm sinh lý bao gồm cả trầm cảm.Với người bệnh điều trị dài ngày các triệu chứng trên hay xảy ra hơn và cần chú ý.
Cũng như các benzodiazepin khác cần rất thận trọng khi dùng diazepam điều trị cho người bệnh bị rối loạn nhân cách.
Diazepam tăng tác dụng của rượu, ảnh hưởng đến khả năng tập trung lái xe và điều khiển máy móc.
Thời kỳ mang thai
Diazepam qua nhau thai và vào thai nhi; sau thời gian điều trị dài, diazepam có thể gây hạ huyết áp thai nhi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và gây hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh. Một số ít trường hợp thấy có triệu chứng cai thuốc rõ ràng ở trẻ mới sinh.
Một số nghiên cứu trên súc vật cho thấy diazepam gây sứt môi, khuyết tật ở hệ thần kinh trung ương và rối loạn ứng xử.
Rất hạn chế dùng diazepam khi có thai, chỉ dùng khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Không dùng diazepam cho người cho con bú dưới 6 tháng tuổi vì có thể gây ngủ, tích lũy thuốc ở trẻ .
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tác dụng không mong muốn phổ biến và phụ thuộc vào liều sử dụng. Người già nhạy cảm hơn so với người trẻ. Phần lớn các tác dụng không mong muốn là an thần buồn ngủ với tỷ lệ 4 – 11%. Tác dụng an thần buồn ngủ sẽ giảm nếu tiếp tục điều trị trong một thời gian.
Thường gặp, ADR >1/100
Buồn ngủ.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Chóng mặt, đau đầu. Thần kinh: Khó tập trung tư tưởng. Cơ xương: Mất điều hòa, yếu cơ.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Thần kinh: Phản ứng nghịch lý như kích động, hung hăng, ảo giác. Da: Dị ứng.
Gan: Vàng da, độc tính với gan, transaminase tăng, phosphatase kiềm tăng.
Ghi chú:
Dùng diazepam kéo dài dẫn đến nghiện thuốc, không nên dùng quá 15 – 20 ngày. Triệu chứng cai thuốc (co giật, run, co cứng cơ bụng, nôn, toát mồ hôi) xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột. Các triệu chứng cai thuốc nặng hơn, thường giới hạn ở người dùng thuốc liều quá cao và trong thời gian dài. Thông thường các triệu chứng nhẹ hơn (khó ở, mất ngủ) có thể thấy khi ngừng thuốc đột ngột sau vài tháng dùng liều điều trị. Vì vậy thông thường sau khi điều trị tránh dừng thuốc đột ngột mà phải giảm liều dần.
Ðể tránh nghiện thuốc, tốt nhất là dùng liều thấp nhất, ngắn ngày nhất và hạn chế chỉ định.
Liều lượng và cách dùng
Khi điều trị liên tục và đạt được tác dụng mong muốn thì nên dùng liều thấp nhất. Ðể tránh nghiện thuốc (không nên dùng quá 15 – 20 ngày).
Viên nén
Người lớn: Ðiều trị lo âu, bắt đầu từ liều thấp 2 – 5 mg/lần, 2 – 3 lần/ngày. Tuy nhiên trong trường hợp lo âu nặng, kích động có thể phải dùng liều cao hơn nhiều (cơn hoảng loạn lo âu nên ưu tiên điều trị bằng thuốc chống trầm cảm tác dụng lên hệ serotonin). Trường hợp có kèm theo mất ngủ: 2 – 10 mg/ngày, uống trước khi đi ngủ. Người già và người bệnh yếu ít khi dùng quá 2 mg.
Ðạn trực tràng
Người lớn: 5 – 10 mg/lần, 2 – 3 lần/ngày. Người cao tuổi và người bệnh yếu: 5 mg/ngày. Trẻ em 3 – 14 tuổi: 1/2 – 1 đạn 5 mg, dùng 1 – 2 lần/ngày.
Dạng dung dịch
Trẻ em: 1 – 3 tuổi: 0,4 – 1 mg/lần, 3 lần/ngày. trên 3 tuổi: 1 – 2 mg/lần, 3 lần/ngày.
Người lớn: 2 – 6 mg/lần, 3 lần/ngày. Người cao tuổi và người yếu: 2 mg/lần, 1 – 2 lần/ngày.
Thuốc tiêm
Người lớn: Ðiều trị lo