Mục lục
Dimenhydrinat 50mg được dùng để phòng và điều trị triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt do say sóng, say khi đi tàu xe. Ngoài ra được chỉ định trong điều trị triệu chứng nôn, chóng mặt trong bệnh Ménière và các rối loạn tiền đình khác.
Dạng trình bày
Hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên nén
Dạng đăng kí
Thuốc không kê đơn
Thành phần
– Dimenhydrinat 50 mg
– Tá dược (Tinh bột, Lactose, Microcrystalline cellulose, Màu sunset yellow, Talc, Magnesi stearat) vừa đủ 1 viên
Dược lực học
– Dimenhydrinat được dùng chủ yếu làm thuốc dự phòng (có hiệu quả hơn), chống nôn khi say tàu xe và chống chóng mặt. Cơ chế của các tác dụng này chưa biết chính xác, nhưng có thể liên quan tới dimenhydrinat làm giảm kích thích tiền đình, tác động đầu tiên đến ốc tai và khi dùng liều cao, tới các ống bán nguyệt của tai trong. Tác dụng chống nôn cũng có thể do tác động lên vùng nhận cảm hóa học (chemoreceptive trigger zone). Một số nhà nghiên cứu cho rằng dimenhydrinat ức chế acetylcholin là cơ chế tác dụng chính, vì kích thích acetylcholin ở hệ thống tiền đình và lưới có thể là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn do say tàu xe.
– Tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương thường giảm sau một vài ngày điều trị và hiệu quả chống nôn có thể giảm phần nào sau khi dùng kéo dài. Dimenhydrinat tuy là một kháng histamin nhưng chưa được đánh giá về tác dụng chống dị ứng
– Cơ chế tác dụng: Dimenhydrinat là một thuốc kháng histamin H1 thế hệ thứ nhất, thuộc nhóm dẫn xuất ethanolamin có tác dụng gây ngủ và kháng muscarin mạnh. Thuốc tác dụng bằng cách cạnh tranh với histamin ở thụ thể H1. Ngoài tác dụng kháng histamin, dimenhydrinat còn có tác dụng kháng cholinergic, chống nôn và tác dụng an thần mạnh.
Dược động học
– Dimenhydrinat hấp thu tốt sau khi uống hoặc tiêm. Tác dụng chống nôn thường bắt đầu ngay sau tiêm tĩnh mạch, trong vòng 15 – 30 phút sau khi uống, 30 – 45 phút sau khi đặt trực tràng và 20 – 30 phút sau tiêm bắp. Thời gian tác dụng từ 3 – 6 giờ sau khi dùng thuốc. Có ít thông tin về phân bố và chuyển hóa của dimenhydrinat. Giống như các thuốc kháng histamin khác, thuốc có thể được phân bố rộng rãi vào các tố chức trong cơ thể, qua được nhau thai, bị chuyển hóa ở gan và thải trừ qua nước tiểu. Một lượng nhỏ dimenhydrinat được phân bố vào sữa.
Chỉ định
– Phòng và điều trị triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt do say sóng, say khi đi tàu xe.
– Điều trị triệu chứng nôn, chóng mặt trong bệnh Ménière và các rối loạn tiền đình khác.
Chống chỉ định
– Mẫn cảm với dimenhydrinat, các thành phần khác của thuốc hoặc với các thuốc kháng histamin khác.
– Glaucom góc hẹp.
– Bí tiểu tiện liên quan đến bệnh lý ở niệu đạo – tuyến tiền liệt.
– Trẻ em dưới 2 tuổi.
Liều và cách dùng
Phòng và điều trị buồn nôn, nôn chóng mặt do say tàu xe.
Phòng say tàu xe, liều đầu tiên phải uống 30 phút trước khi khởi hành.
– Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 1 – 2 viên/ lần (50 – 100 mg), cách 4 – 6 giờ/lần khi cần, (không quá 8 viên/ngày).
– Trẻ em 6 – 12 tuổi: dùng 1/2 – 1 viên/ lần (25 – 50 mg), cách 6 – 8 giờ/ lần khi cần (không quá 3 viên/ngày).
– Trẻ em 2 – 6 tuổi: dùng 1/4 – 1/2 viên/lần (12,5 – 25 mg), cách 6-8 giờ/lần khi cần (không quá 1,5 viên/ngày).
Điều trị triệu chứng của bệnh Ménière: uống mỗi lần 25 – 50 mg (1/2 – 1 viên) ngày 3 lần để điều trị duy trì.
Chú ý đề phòng và thận trọng
– Thận trọng khi dùng thuốc cho người lái xe hoặc vận hành máy móc vì dimenhydrinat có tác dụng làm buồn ngủ nên giảm sự tỉnh táo.
– Tránh uống rượu hoặc dùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác khi dùng dimenhydrinat vì làm tăng tác dụng gây buồn ngủ.
– Do tác dụng kháng cholinergic của thuốc, cần cân nhắc kỹ khi dùng thuốc cho người táo bón mạn (nguy cơ liệt ruột), tắc bàng quang, phì đại tiền liệt tuyến vì nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
– Tác dụng chống nôn của dimenhydrinat có thể gây trở ngại cho chẩn đoán viêm ruột thừa và che đậy các dấu hiệu nhiễm độc khi dùng quá liều các thuốc khác.
– Dimenhydrinat có thể che lấp triệu chứng độc với thính giác, do đó cần theo dõi chặt chẽ khi dùng kèm với các thuốc đặc biệt có độc tính với thính giác.
– Thận trọng khi dùng thuốc cho người cao tuổi vì dễ bị hạ huyết áp thế đứng, chóng mặt, buồn nôn.
Tương tác thuốc
– Dimenhydrinat làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế thần kinh trung ương như rượu và các barbiturate. Nếu dùng dimenhydrinat cùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương thì cần thận trọng để tránh quá liều.
– Thuốc làm tăng tác dụng của các thuốc kháng cholinergic.
– Khi dùng đồng thời với kháng sinh aminoglycosid hoặc các thuốc độc với tai khác, dimenhydrinat có thể làm che lấp các triệu chứng sớm của độc tính đối với thính giác.
Tác dụng không mong muốn
– Buồn ngủ là tác dụng phụ thường gặp nhất của dimenhydrinat. Một số tác dụng không mong muốn của dimenhydrinate có liên quan đến tác dụng kháng cholinergic của thuốc.
– Thường gặp: Buồn ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất phối hợp vận động, nhìn mờ, khô miệng và đường hô hấp, ù tai.
– Ít gặp: Chán ăn, táo bón, hoặc ỉa chảy, bí đái, khó tiểu tiện, đánh trống ngực (nhịp tim nhanh), hạ huyết áp.
– Hiếm gặp: Thường ở trẻ em, đôi khi người lớn: kích động, run, mất ngủ, co giật.
Quá liều
– Triệu chứng: quá liều dimenhydrinat thường xảy ra ở trẻ em, với các triệu chứng tương tự như quá liều atropin: giãn đồng tử, đỏ mặt, sốt cao, kích động, ảo giác, lú lẫn, mất điều hòa, co giật, hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch và có thể tử vong. Ở người lớn, liều 500 mg hoặc lớn hơn có thể gây khó nói và khó nuốt, loạn tâm thần không thể phân biệt được với ngộ độc atropin
– Điều trị: Không có thuốc giải độc đặc hiệu khi quá liều với các thuốc kháng histamin, chỉ điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Bảo quản
Nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30 độ C, tránh ánh sáng.
Giá bán lẻ sản phẩm
Giá bán: 100.000VND/ hộp