Mục lục
Tên chung quốc tế: Disopyramide.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc nang: 100 mg, 150 mg disopyramid base (dùng dưới dạng disopyramid phosphat).
Thuốc nang, giải phóng kéo dài: 100 mg, 150 mg disopyramid base (dùng dưới dạng disopyramid phosphat).
Cơ chế tác dụng
Disopyramid là thuốc chống loạn nhịp nhóm IA, tương tự quinidin và procainamid, có tác dụng ức chế cơ tim, làm giảm tính dễ bị kích thích, tốc độ dẫn truyền và tính co của cơ tim. Disopyramid, giống như quinidin và procainamid, cũng có những tính chất kháng – cholinergic có thể làm thay đổi những tác dụng trực tiếp trên cơ tim.
Disopyramid được coi là một thuốc chống loạn nhịp nhóm I (ổn định màng). Giống như những thuốc chống loạn nhịp nhóm I khác, disopyramid gắn kết với những kênh natri nhanh ở trạng thái không hoạt động và như vậy làm giảm tốc độ khử cực tâm trương ở những tế bào có tính tự động tăng.
Giống như quinidin, procainamid và lidocain, disopyramid xóa tính tự động trong hệ His – Purkinje. Disopyramid làm giảm tính tự động của những trung tâm điều nhịp thất và nhĩ lạc vị, rút ngắn hoặc không làm thay đổi thời gian phục hồi của nút xoang và làm giảm tốc độ dẫn truyền trong nhĩ và thất. Với những liều thường dùng, thuốc ít tác dụng trên tốc độ dẫn truyền qua nút nhĩ – thất hoặc hệ thống His – Purkinje, nhưng giảm tốc độ dẫn truyền qua đường phụ. Disopyramid thường kéo dài thời kỳ trơ hữu hiệu của nhĩ và thất. Thuốc thường có ít tác dụng trên thời kỳ trơ hữu hiệu của nút nhĩ – thất hoặc hệ His – Purkinje. Tuy vậy, không tiên đoán được tác dụng trên nút nhĩ – thất ở những người bệnh có rối loạn dẫn truyền từ trước. Với những liều thường dùng, disopyramid gây ít hoặc không gây kéo dài khoảng PR hoặc phức hợp QRS, nhưng khoảng Q – T hoặc khoảng Q – T hiệu chỉnh theo tốc độ (Q – Tc) có thể bị kéo dài.
Với liều điều trị, disopyramid ít tác dụng trên tần số xoang lúc nghỉ, và có tác dụng trực tiếp giảm lực co cơ tim. Ở người bệnh không có rối loạn chức năng cơ tim, cung lượng tim thường giảm 10 – 15%. Với những liều uống thường dùng, disopyramid thường không ảnh hưởng đến huyết áp. Hiếm khi xảy ra hạ huyết áp; huyết áp tâm thu giảm nhiều hơn huyết áp tâm trương. Disopyramid dường như không có tác dụng alpha – hoặc beta – adrenergic. Thuốc có tác dụng kháng – cholinergic trên hệ tiêu hóa và hệ niệu – sinh dục.
In vitro, hoạt tính kháng – cholinergic của disopyramid khoảng 0,06% so với atropin.
Dược động học
Disopyramid phosphat được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, và 60 – 83% của liều vào đại tuần hoàn dưới dạng không đổi.
Nồng độ disopyramid trong huyết tương, cần thiết để gây đáp ứng điều trị, thay đổi theo typ loạn nhịp tim, mức độ nghiêm trọng, thời gian kéo dài loạn nhịp, và độ nhạy cảm của người bệnh đối với thuốc. Sau một liều uống 200 – 300 mg, tác dụng thường bắt đầu trong vòng từ 30 phút đến 3,5 giờ và kéo dài 1,5 – 8,5 giờ.
Disopyramid được phân bố khắp dịch ngoài tế bào của cơ thể nhưng không gắn rộng rãi vào các mô. ở nồng độ có tác dụng điều trị trong huyết tương, disopyramid trong máu được phân bố gần bằng nhau giữa huyết tương và hồng cầu. Ở người bệnh suy thận, thể tích phân bố hơi giảm.
Tỷ lệ disopyramid gắn vào protein huyết tương thay đổi và giảm khi nồng độ thuốc và các chất chuyển hóa tăng; ở nồng độ có tác dụng điều trị trong huyết tương, disopyramid gắn với protein khoảng 50 – 65%.
Nửa đời trong huyết tương của disopyramid thay đổi từ 4 – 10 giờ, và kéo dài ở người bệnh suy gan hoặc thận. Ở người bệnh có độ thanh thải creatinin dưới 40 ml/phút, nửa đời trong huyết tương biến đổi từ 8 – 18 giờ.
Disopyramid chuyển hóa trong gan. Ở người khỏe mạnh, nồng độ trong huyết tương của chất chuyển hóa N – monodealkyl hóa của disopyramid là khoảng 10% nồng độ disopyramid. Chất chuyển hóa N – monodealkyl hóa có hoạt tính chống loạn nhịp yếu hơn, nhưng có hoạt tính kháng – cholinergic mạnh hơn disopyramid. Ở người khỏe mạnh, khoảng 40 – 60% liều disopyramid uống được thải trừ trong nước tiểu dưới dạng không thay đổi, 15 – 25% dưới dạng chất chuyển hóa N – monodealkyl hóa, và khoảng 10% là những chất chuyển hóa không xác định; khoảng 10% được bài tiết trong phân dưới dạng thuốc không thay đổi và các chất chuyển hóa. pH nước tiểu có vẻ không ảnh hưởng đến mức thải trừ disopyramid qua thận. Thuốc được loại trừ bằng phương pháp thẩm tách máu.
Chỉ định
Disopyramid được dùng để chặn và dự phòng tái phát của loạn nhịp thất (ví dụ, nhịp nhanh thất kéo dài) đe dọa sự sống. Dự phòng và điều trị nhịp tim nhanh trên thất (rung, cuồng động nhĩ, nhất là có nhịp thất chậm). Vì thuốc có khả năng gây loạn nhịp tim và vì không có bằng chứng chứng tỏ thuốc chống loạn nhịp nhóm I tăng được thời gian sống, nên không nên dùng disopyramid cho loạn nhịp tim ít nghiêm trọng. Tránh dùng disopyramid để điều trị người bệnh có ngoại tâm thu thất vô triệu chứng.
Chống chỉ định
Chống chỉ định disopyramid khi có sốc do tim, đã bị blốc nhĩ – thất độ hai hoặc ba (nếu không đặt thiết bị tạo nhịp tim), khoảng Q – T kéo dài bẩm sinh, suy tim sung huyết mất bù hoặc có giảm huyết áp, khi đã biết có mẫn cảm với thuốc.
Chống chỉ định dùng đồng thời disopyramid và sparfloxacin.
Thận trọng
Cũng như những thuốc chống loạn nhịp khác để điều trị loạn nhịp đe dọa sự sống, phải bắt đầu liệu pháp disopyramid ở bệnh viện.
Vì disopyramid có khả năng gây loạn nhịp và vì các thuốc chống loạn nhịp không chứng tỏ làm tăng thời gian sống đối với những người bệnh có loạn nhịp không đe dọa tính mạng, disopyramid, cũng như những thuốc chống loạn nhịp khác, chỉ dành cho người bệnh có loạn nhịp thất đe dọa sự sống.
Vì disopyramid có tác dụng kháng – cholinergic, nên không được dùng cho người bệnh đã bị bí tiểu tiện, trừ phi đã áp dụng những biện pháp điều trị bí tiểu tiện. Phải dùng thận trọng disopyramid ở những người bệnh có tiền sử gia đình về tăng nhãn áp góc đóng, và không được dùng disopyramid cho người bệnh có tăng nhãn áp góc đóng, trừ phi có dùng liệu pháp cholinergic (ví dụ, thuốc nhỏ mắt pilocarpin) để làm mất những tác dụng kháng – cholinergic của thuốc đối với mắt. Phải dùng disopyramid đặc biệt thận trọng ở những người bệnh có bệnh nhược cơ vì thuốc có thể làm sớm xảy ra cơn nhược cơ ở những người bệnh này.
Phải điều trị giảm kali huyết, nếu bị trước khi dùng disopyramid vì thuốc có thể không hiệu quả ở những người bệnh giảm kali huyết.
Không dùng disopyramid cho những người bệnh có suy tim sung huyết kém bù hoặc không bù, trừ phi suy tim vẫn tồn tại sau liệu pháp tối ưu (gồm cả việc điều trị bằng digitalis), và khi do một loạn nhịp (đáp ứng tốt với disopyramid) gây nên hoặc làm trầm trọng thêm; phải theo dõi cẩn thận người bệnh.
Người bệnh có khoảng Q – T kéo dài do quinidin có thể có nguy cơ đặc biệt phát triển Q – T kéo dài và loạn nhịp xấu đi trong khi điều trị bằng disopyramid. Người bệnh có cuồng động hoặc rung nhĩ phải được điều trị bằng digitalis trước khi dùng disopyramid để đảm bảo tăng dẫn truyền nhĩ – thất không dẫn tới nhịp thất nhanh. Phải dùng thận trọng disopyramid cho người bệnh có hội chứng suy nút xoang (gồm hội chứng nhịp chậm – nhịp nhanh), hội chứng Wolff – Parkinson – White, hoặc blốc bó nhánh, vì không tiên đoán được tác dụng của thuốc trong những bệnh đó.
Khi dùng disopyramid, cần xem xét khả năng hạ đường huyết ở người có những bệnh như suy tim sung huyết, suy dinh dưỡng mạn tính, bệnh gan hoặc thận hoặc đang dùng những thuốc (ví dụ, thuốc chẹn beta – adrenergic, rượu) có thể làm tổn hại cơ chế thông thường điều hòa glucose khi không ăn; ở những người bệnh này, phải theo dõi cẩn thận glucose huyết.
Phải dùng disopyramid thận trọng và giảm liều ở người bệnh suy thận hoặc gan. Phải theo dõi cẩn thận điện tâm đồ ở những người bệnh này.
Thời kỳ mang thai
Disopyramid đi qua nhau thai. Cho đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ và đã được kiểm tra về việc dùng disopyramid phosphat ở người mang thai; kinh nghiệm sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai còn hạn chế. Không thể loại trừ khả năng thuốc gây độc hại đối với thai. Có báo cáo là disopyramid kích thích co bóp tử cung mang thai. Chỉ dùng disopyramid trong thời kỳ mang thai khi những lợi ích có thể đạt được biện minh cho những nguy cơ có thể xảy ra đối với thai.
Thời kỳ cho con bú
Disopyramid được phân bố trong sữa. Vì có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng ở trẻ.