Mục lục
Loratadin là một thuốc kháng histamin H1 thế hệ hai được sử dụng chủ yếu để điều trị triệu chứng của các bệnh dị ứng hay gặp (viêm mũi dị ứng, phát ban, mẩn ngứa, nổi mề đay, …).
Dạng trình bày
Loratidin có các dạng bào chế:
– Viên nén (Clarityn®, Alavert®, Loratadin STADA®)
– Siro (Clarityn®, Lorapaed)
– Viên phân tán trong miệng-Viên bột đông khô (Clarityn® Reditabs, Clarityn® Rapide)
Dạng đăng ký
Thuốc không kê đơn
Thành phần
– Viên nén:
+ Mỗi viên nén chứa 10 mg loratadin.
+ Ngoài ra, viên nén còn chứa tá dược: lactose monohydrat hoặc lactose khan.
– Siro:
+ Mỗi lọ chứa 60/120 mL siro.
+ Mỗi 1 mL siro có chứa 1 mg loratadin và các tá dược: 600 mg sucrose, 110 mg propylen glycol và 110 mg glycerol.
– Viên nén phân tán trong miệng:
+ Mỗi viên chứa 10 mg loratadin.
+ Ngoài ra, viên còn chứa các tá dược: 0.5 mg aspartam, 15 mg lactose khan và dưới 7 mg sorbitol.
Dược lực học
– Loratadin là một thuốc kháng histamin có cấu trúc tricylic với hoạt tính chọn lọc trên receptor H1 ở ngoại vi. Loratadin cạnh tranh gắn với histamin lên receptor này. Điều đó dẫn tới giảm các triệu chứng của dị ứng gây ra do histamin như ngứa, ho, hắt hơi, giãn mạch, tăng tính thấm mạch, …
– Ở liều khuyến cáo, loratadin hầu như không có tác dụng an thần và hoạt tính kháng cholinergic trên phần lớn người dùng.
– Loratadin có hoạt tính không đáng kể trên receptor H2 (đặc điểm chung của nhóm kháng histamin thế hệ hai). Thuốc cũng không ức chế sự hấp thu của norepinephrine ở receptor và hầu như không có ảnh hưởng tới chức năng tim mạch hay khả năng phát nhịp của tim.
Dược động học
* Hấp thu:
– Thuốc hấp thu nhanh gần như hoàn toàn ở đường tiêu hóa.
– Thức ăn làm chậm thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương và làm tăng sinh khả dụng. Tuy nhiên, thay đổi này không ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc trên lâm sàng.
– Thời gian tiềm tàng (Tmax) khoảng 1-2 giờ (loratadin) và 1.5-3.7 giờ (desloratadin).
– Thuốc bị chuyển hóa bước một qua gan mạnh.
* Phân bố:
– Thuốc phân bố rộng, có khả năng tiết vào sữa mẹ.
– Tỉ lệ liên kết protein huyết tương khoảng 98% (97-99%) đối với loratadin và khoảng 75% đối với sản phẩm chuyển hóa desloratadin.
* Chuyển hóa:
– Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan qua CYP2D6 và CYP3A4 thành sản phẩm chuyển hóa chính là desloratadin (cũng có hoạt tính).
* Thải trừ:
– Thuốc thải trừ qua phân (42% liều) và nước tiểu (40% liều) ở dạng sản phẩm chuyển hóa mất hoạt tính (dạng đã liên hợp). Chỉ dưới 1% liều được thải trừ dưới dạng loratadin hoặc desloratadin.
– Khoảng 27% liều được thải trừ trong vòng 24 giờ đầu.
– Thời gian bán thải trung bình là 8.4 giờ (loratadin) và 28 giờ (desloratadin).
– Thời gian duy trì tác dụng >24 giờ.
* Trên đối tượng đặc biệt:
– Bệnh trên thận:
+ Đới với bệnh nhân có bệnh thận mạn, AUC và Cmax của cả loratadin và desloratadin đều tăng so với nhóm đối tượng người trưởng thành không bị bệnh thận.
+ Thời gian bán thải trung bình của cả loratadin và desloratadin thay đổi không đáng kể.
+ Thực hiện thẩm phân máu trên nhóm bệnh nhân này không làm thay đổi các thông số dược động học.
– Bệnh trên gan:
+ Đối với bệnh nhân có bệnh gan mạn do rượu, AUC và Cmax của loratadin tăng gấp đôi trong khi các thông số dược động học của desloratadin không thay đổi so với nhóm đối tượng người trưởng thành không bị bệnh gan.
+ Thời gian bán thải trung bình của loratadin tăng lên khoảng 24 giờ.
– Người cao tuổi:
+ Các thông số dược động học tương đồng với nhóm đối tượng người trưởng thành.
Chỉ định
Loratadin được chỉ định để điều trị các triệu chứng của một số tình trạng dị ứng:
– Viêm mũi dị ứng (theo mùa).
– Viêm mũi mạn tính.
– Nổi mề đay mạn tính (không rõ nguyên nhân).
Chống chỉ định
Mẫn cảm với loratadin, desloratadin (mẫn cảm chéo) hoặc bất cứ thành phần tá dược nào.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng:
1. Dạng viên nén:
* Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
– Dùng 1 viên 10 mg 1 lần/ngày.
* Trẻ em:
– Trẻ em trên 6 tuổi hoặc nặng trên 30 kg: dùng 1 viên 10 mg 1 lần/ngày.
– Trẻ em dưới 6 tuổi hoặc nặng dưới 30 kg không nên dùng hết 1 viên 10 mg mà nên đổi sang dạng siro.
– Chưa rõ mức liều an toàn cho trẻ em dưới 2 tuổi.
* Bệnh nhân suy gan:
– Bệnh nhân suy gan nặng cần được giảm liều khởi đầu do bị giảm thanh thải loratadin. Hiệu chỉnh liều xuống 10 mg mỗi ngày đối với người lớn và trẻ em nặng trên 30 kg.
* Bệnh nhân suy thận:
Không cần hiệu chỉnh liều.
* Người cao tuổi:
Không cần hiệu chỉnh liều.
2. Dạng siro:
* Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
– Dùng 10 mL (10 mg) siro 1 lần/ngày.
* Trẻ em:
– Trẻ em 2-12 tuổi hoặc nặng trên 30 kg: dùng 10 mL (10 mg) siro 1 lần/ngày.
– Trẻ em nặng dưới 30 kg: dùng 5 mL (5 mg) siro 1 lần/ngày.
– Chưa rõ mức liều an toàn cho trẻ em dưới 2 tuổi.
* Bệnh nhân suy gan:
– Bệnh nhân suy gan nặng cần được giảm liều khởi đầu do bị giảm thanh thải loratadin. Hiệu chỉnh liều xuống 10 mg mỗi ngày đối với người lớn và trẻ em nặng trên 30 kg và 5 mg mỗi ngày đối với trẻ em nặng dưới 30 kg.
* Bệnh nhân suy thận:
Không cần hiệu chỉnh liều.
* Người cao tuổi:
Không cần hiệu chỉnh liều.
3. Dạng viên nén phân tán trong miệng:
* Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
– Dùng 1 viên 10 mg 1 lần/ngày.
* Trẻ em:
– Trẻ em 2-12 tuổi hoặc nặng trên 30 kg: dùng 1 viên 10 mg 1 lần/ngày.
– Trẻ em nặng dưới 30 kg không nên dùng hết 1 viên 10 mg.
– Chưa rõ mức liều an toàn cho trẻ em dưới 2 tuổi.
* Bệnh nhân suy gan:
– Bệnh nhân suy gan nặng cần được giảm liều khởi đầu do bị giảm thanh thải loratadin. Hiệu chỉnh liều xuống 10 mg mỗi ngày đối với người lớn và trẻ em nặng trên 30 kg.
* Bệnh nhân suy thận:
Không cần hiệu chỉnh liều.
* Người cao tuổi:
Không cần hiệu chỉnh liều.
> Cách dùng:
– Dạng viên nén và siro:
+ Có thể sử dụng thuốc mà không phụ thuộc vào thời điểm dùng so với bữa ăn.
+ Uống với nước (viên nén) hoặc trực tiếp (siro)
– Dạng viên nén phân tán trong miệng:
+ Có thể sử dụng thuốc mà không phụ thuộc vào thời điểm dùng so với bữa ăn.
+ Cần cẩn trọng khi lấy thuốc ra khỏi bao bì và cần đảm bảo tay khô.
+ Đặt viên thuốc dưới lưỡi và đợi cho viên thuốc phân tán từ từ.
+ Không cần uống nước.
Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
* Chung:
– Cần dừng sử dụng thuốc ít nhất 48 giờ trước khi làm test dị ứng trên da do thuốc có thể gây âm tính giả.
– Dạng viên nén:
+ Thuốc có chứa tá dược lactose nên cần tránh sử dụng cho các bệnh nhân không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose do di truyền.
– Dạng siro
+Thuốc có chứa tá dược là sucrose nên cần tránh sử dụng cho bệnh nhân không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu hụt sucrase-isomaltase do di truyền.
– Dạng viên nén phân tán trong miệng
+ Thuốc có chứa tá dược lactose và sorbitol nên cần tránh sử dụng cho bệnh nhân không dung nạp fructose, không dung nạp galactose, thiếu hụt lactase tuyệt đối hoặc kém hấp thu glucose-galactose do di truyền.
+ Thuốc có chứa aspartam, có thể gây tác dụng ngoại ý trên bệnh nhân có bệnh phenylketon niệu.
* Đối tượng đặc biệt:
– Phụ nữ có thai:
+ Nghiên cứu trên số lượng lớn phụ nữ có thai cho thấy loratadin không gây độc tính lên trẻ sơ sinh hoặc gây bất thường trong quá trình phát triển thai nhi.
+ Nghiên cứu trên động vật không cho thấy loratadin gây độc đối với hệ sinh sản.
+ Tuy nhiên, loratadin vẫn được khuyến cáo tránh sử dụng cho phụ nữ có thai, cần cân nhắc nguy cơ lợi ích.
Phụ nữ cho con bú:
+ Loratadin có khả năng tiết vào sữa mẹ nên không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữa cho con bú, cần cân nhắc nguy cơ lợi ích.
– Người lái xe và vận hành máy móc:
+ Loratadin không gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc (ở liều khuyến cáo).
Tương tác thuốc
* Loratadin có thể có tương tác với:
– Các thuốc ức chế CYP2D6 hoặc CYP3A4:
+ Các thuốc này có thể làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương.
VD: cimetidin, erythromycin, ketoconazol, clarythromycin, quinidin, fluconazol, fluoxetin, …
– Thức ăn và đồ uống:
+ Thức ăn làm chậm thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương và làm tăng sinh khả dụng. Tuy nhiên, thay đổi này không ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc trên lâm sàng.
+ Có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương khi sử dụng cùng với rượu.
Tác dụng ngoài ý
_Tần suất của ADR: Rất thường gặp (≥1/10), Thường gặp (≥1/100 – <1/10), Ít gặp (≥1/1,000 – <1/100), Hiếm gặp (≥1/10,000 – <1/1,000), Rất hiếm gặp (<1/10,000), Không rõ (không ước tính được từ dữ liệu hiện có).
_ Nghiên cứu trên nhóm đối tượng người trưởng thành và trẻ vị thành niên cho thấy tác dụng ngoại ý thường gặp nhất là buồn ngủ (1.2%), đau đầu (0.6%), thèm ăn (0.5%), mất ngủ (0.1%). Cụ thể như sau:
* Hệ miễn dịch:
– Rất hiếm gặp: phản ứng quá mẫn (phù mạch, sốc phản vệ).
*Hệ thần kinh:
– Rất hiếm gặp: chóng mặt, co giật.
* Hệ tim mạch:
– Rất hiếm gặp: nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
* Hệ tiêu hóa:
– Rất hiếm gặp: khô miệng, buồn nôn, viêm dạ dày.
* Gan-mật:
– Rất hiếm gặp: rối loạn chức năng gan.
* Da-niêm mạc:
– Rất hiếm gặp: nổi mẩn, rụng lông tóc.
* Toàn thân và tại chỗ:
– Rất hiếm gặp: mệt mỏi.
_ Nghiên cứu trên nhóm đối tượng trẻ em từ 2-12 tuổi cho thấy tác dụng ngoại ý thường gặp là đau đầu (2.7%), bồn chồn (2.3%) và mệt mỏi (1%).
Quá liều
* Triệu chứng:
– Buồn ngủ, ngủ.
– Nhịp tim nhanh, có tiếng trống ngực, có thể dẫn tới đau đầu.
– Xuất hiện hội chứng ngoại tháp: rối loạn thần kinh vận động, co cơ liên tục, chuyển động chậm, hội chứng kiểu parkinson, run rẩy, …
* Xử trí: Chủ yếu điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân
– Gây nôn, rồi sử dụng than hoạt tính để loại bỏ bớt thuốc.
– Trong trường hợp gây nôn không hiệu quả hoặc bị chống chỉ định cho bệnh nhân (bệnh nhân hôn mê, co giật, mất phản xạ nôn, …) thì có thể rửa dạ dày bằng dung dịch NaCl 0.9% để giảm hấp thu thuốc.
– Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc tẩy muối (nếu không chống chỉ định) để pha loãng thuốc trong dạ dày, giúp làm giảm hấp thu thuốc.
– Loratadin không thể loại bỏ bằng thẩm phân máu. Không rõ thuốc có thể loại bỏ bằng thẩm phân phúc mạc hay không.