Tên chung quốc tế: Propafenone.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống loạn nhịp nhóm 1C.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên bao phim 150 mg, 225 mg và 300 mg propafenon hydroclorid.
Cơ chế tác dụng
Propafenon là một thuốc chống loạn nhịp nhóm 1C có tác dụng chẹn thụ thể beta và tác dụng yếu chẹn kênh calci, có tác dụng gây tê và tác dụng trực tiếp ổn định màng tế bào cơ tim. Thuốc chẹn dòng natri vào nhanh, qua những kênh nhanh, và điện thế hoạt động càng hình thành nhanh bao nhiêu, propafenon càng làm chậm tốc độ tăng của điện thế hoạt động bấy nhiêu. Propafenon kéo dài sự dẫn truyền và thời kỳ trơ ở tất cả các vùng của cơ tim, sự dẫn truyền A – H, A – V và H – V với tác dụng hơi rõ rệt hơn trên sự dẫn truyền trong thất; thuốc kéo dài thời kỳ trơ hữu hiệu, làm giảm tính tự động tự phát và biểu lộ một ít hoạt tính chẹn beta. Thuốc làm tăng khoảng P – R và thời gian kéo dài của phức hợp QRS.
Huyết động lực:
Sự kích thích giao cảm có thể là một thành phần trọng yếu nâng đỡ chức năng tuần hoàn ở những người bệnh có suy tim sung huyết, và tác dụng ức chế giao cảm do chẹn beta của propafenon có thể tự nó làm suy tim sung huyết trầm trọng thêm. Thêm nữa, giống như những thuốc chống loạn nhịp nhóm 1C khác, propafenon có tác dụng làm giảm lực co cơ tim. Những nghiên cứu trên người bệnh được truyền tĩnh mạch propafenon mà có nồng độ huyết tương lớn hơn phạm vi điều trị nhiều, cho thấy tăng đáng kể áp lực mao mạch phổi, sức kháng mạch máu toàn thân, và phổi và sự giảm lưu lượng và chỉ số tim.
Dược động học
Propafenon có đặc tính dược động học rất phức tạp. Sau khi uống, propafenon được hấp thụ gần hoàn toàn và đạt nồng độ đỉnh huyết tương vào khoảng 1 – 4 giờ sau ở đa số người bệnh. Tuy nhiên khả dụng sinh học phụ thuộc vào khả năng chuyển hóa và làm giảm liều của gan, do chuyển hóa ban đầu. Khả năng này do di truyền quyết định. Có những người chuyển hóa nhanh và người chuyển hóa chậm.
Không có mối liên quan rõ ràng giữa nồng độ huyết tương của propafenon và những tác dụng lâm sàng của thuốc. Tuy nhiên thời gian dẫn truyền nhĩ – thất có thể có liên quan với nồng độ huyết thanh. Tác dụng điều trị kéo dài khoảng 8 giờ.
Người chuyển hóa nhanh:
Ðặc điểm dược động học phụ thuộc vào liều, do những enzym có thể bão hòa ở gan, tạo nên dược động học không tuyến tính. Khả dụng sinh học thay đổi giữa 5 – 30%. Khả dụng sinh học tăng khi uống thuốc cùng với thức ăn.
Tỷ lệ những người chuyển hóa nhanh trong dân cư châu Âu là 90%. ở người chuyển hóa nhanh, propafenon được chuyển hóa chủ yếu bằng hydroxyl – hóa, tạo nên hai chất chuyển hóa có hoạt tính 5 – hydroxypropafenon (50HP) và N – depropylpropafenon. Chất chuyển hóa quan trọng nhất về lâm sàng là 50HP, có tác dụng chống loạn nhịp mạnh hơn thuốc mẹ. Chất chuyển hóa này đạt nồng độ tối đa vào cùng thời gian khi propafenon đạt nồng độ tối đa.
Nửa đời của propafenon và 50HP trong huyết tương là 2 – 10 giờ. Sự thải trừ propafenon và những chất chuyển hóa diễn ra sau sự liên hợp, chủ yếu với acid glucuronic. Sau đó 50% được thải trừ trong phân và khoảng 40% trong nước tiểu.
Người chuyển hóa chậm:
Ðối với người chuyển hóa chậm, dược động học không phụ thuộc vào liều. Khả dụng sinh học khoảng 75% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Vì chỉ có rất ít 50HP được tạo thành, nên chỉ riêng propafenon có tác dụng. Nửa đời là khoảng 10 – 32 giờ.
Chỉ định
Propafenon được chỉ định để điều trị và dự phòng đối với loạn nhịp thất đe doạ sự sống, như nhịp nhanh thất ở những người bệnh không dung nạp hoặc không đáp ứng với những thuốc chống loạn nhịp khác. Không dùng propafenon đối với loạn nhịp tim ít nghiêm trọng hơn mặc dù đang gây triệu chứng.
Chống chỉ định
Suy tim không được điều trị.
Rối loạn nặng về dẫn truyền xung lực hoặc rối loạn về sự hình thành xung lực (blốc nhĩ – thất không điều trị, hội chứng suy xoang).
Sốc do tim (không do loạn nhịp gây nên). Bệnh nhược cơ, bệnh phổi tắc nghẽn.
Có tiền sử dị ứng với propafenon.
Thận trọng
Người bệnh có suy chức năng thất trái, nhịp tim chậm. Giảm huyết áp, mất cân bằng điện giải. Suy giảm chức năng gan hoặc thận.
Thời kỳ mang thai
Không có những nghiên cứu đầy đủ và được kiểm tra chặt chẽ trên phụ nữ mang thai. Tuy vậy, chỉ nên dùng cho phụ nữ mang thai khi lợi ích có thể mang lại hơn hẳn nguy cơ đối với thai.
Thời kỳ cho con bú
Không biết rõ propafenon có bài tiết trong sữa người hay không, tuy vậy cũng nên cân nhắc để tạm ngừng cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR thường hay gặp nhất ở những người chuyển hóa chậm. Có ít nhất một triệu chứng của ADR được ghi nhận ở 60% trong tất cả những người bệnh điều trị. Thường gặp ADR trong khi bắt đầu điều trị và có tới 15% trường hợp phải ngừng điều trị do ADR.
Những ADR thường gặp là buồn nôn, mắt mờ và thấy vị kim loại. Cũng nhận thấy tác dụng gây loạn nhịp ở khoảng 6% người bệnh, và tăng nguy cơ suy tim ở 3% người bệnh. Những rối loạn về xung lực và dẫn truyền xảy ra ở khoảng 8% người bệnh, trong đó ít nhất 25% có tầm quan trọng lâm sàng.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Mệt mỏi, đau ngực (đau thắt ngực), chóng mặt, nhức đầu, chán ăn.
Tim mạch: Rối loạn dẫn truyền xung lực, tác dụng gây loạn nhịp bao gồm nguy cơ loạn nhịp thất nặng, gây nên hoặc làm nặng thêm suy tim (tác dụng giảm lực co cơ).
Thần kinh trung ương: Mắt mờ, bồn chồn. Tiêu hóa: Táo bón, ỉa chảy, buồn nôn, nôn, vị kim loại, khô miệng.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Phản ứng phản vệ, mày đay. Máu: Giảm bạch cầu. Gan: Tăng các transaminase, phosphatase kiềm, ứ mật.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Máu: Giảm tiểu cầu, tăng nguy cơ chảy máu, mất bạch cầu hạt. Thần kinh trung ương: Mất điều hòa, run, dị cảm, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lú lẫn, co giật, ác mộng. Da: Ban đỏ, ngứa, rụng tóc. Hô