Tên chung quốc tế: Pyridostigmine bromide.
Loại thuốc: Thuốc giống thần kinh đối giao cảm, thuốc chống nhược cơ.
Dạng thuốc và hàm lượng
Ống tiêm 2 ml (5 mg/ml; Siro 60 mg/5 ml; viên nén 60 mg; viên nén giải phóng kéo dài 180 mg (60 mg được giải phóng ngay lập tức và 120 mg giải phóng sau 8 – 12 giờ).
Cơ chế tác dụng
Pyridostigmin bromid là một hợp chất amoni bậc bốn gây ức chế hoạt tính enzym cholinesterase có tác dụng giống neostigmin, nhưng tác dụng xuất hiện chậm và kéo dài hơn, vì thế thuốc được dùng chủ yếu trong điều trị bệnh nhược cơ. Khoảng cách giữa các liều của pyridostigmin dài hơn so với neostigmin, tạo thuận lợi trong điều trị bệnh nhược cơ. Vì thế có thể kết hợp pyridostigmin với neostigmin trong điều trị bệnh nhược cơ, thí dụ dùng pyridostigmin trong ngày và tối, neostigmin dùng vào buổi sáng.
Thuốc gây đáp ứng cholinergic toàn thân bao gồm tăng trương lực cơ xương và cơ ruột, co đồng tử, co thắt tử cung, co thắt phế quản, chậm nhịp tim, tăng tiết ở các tuyến ngoại tiết. Pyridostigmin có tác dụng giống cholin trực tiếp trên cơ xương.
Pyridostigmin được hấp thu ít, với tỷ lệ thay đổi, qua đường tiêu hóa; chỉ khoảng 40% liều uống pyridostigmin được hấp thu, một lượng lớn bị phá hủy ở dạ dày ruột. Pyridostigmin được hấp thu nhiều nhất ở tá tràng. Bị thủy phân bởi cholinesterase và cũng bị chuyển hóa ở gan. Pyridostigmin được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (ở cả dạng không đổi và dạng bị chuyển hóa). Một phần rất nhỏ được thải qua sữa.
Pyridostigmin phân bố ở dịch ngoại bào. Thuốc không vào được hệ thần kinh trung ương. Thuốc qua nhau thai và làm giảm hoạt tính cholinesterase huyết tương thai nhi sau khi uống thuốc liều cao.
Khi uống, thuốc thường có tác dụng sau 30 – 45 phút và kéo dài trong 3 – 6 giờ. Khi tiêm tĩnh mạch, lực cơ tăng lên sau 2 – 5 phút và sự cải thiện có thể tiếp tục trong 2 – 3 giờ ở phần lớn người bệnh. Sau khi tiêm bắp, thuốc bắt đầu có tác dụng trong vòng 15 phút.
Nửa đời thải trừ của thuốc là 1,49 giờ đối với tiêm bắp và 1,5 – 4,25 giờ, khi uống.
Chỉ định
Pyridostigmin được sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ, như một thuốc đảo nghịch hoặc đối kháng với các thuốc giãn cơ không khử cực kiểu cura.
Chống chỉ định
Chống chỉ định dùng pyridostigmin ở người đã biết có quá mẫn với các thuốc kháng cholinesterase, hoặc ở người tắc ruột và tắc đường tiết niệu kiểu cơ học.
Thận trọng
Cần dùng thận trọng pyridostigmin ở người động kinh, hen phế quản, nhịp tim chậm, mới tắc mạch vành, cường đối giao cảm, cường tuyến giáp, loạn nhịp tim hoặc loét dạ dày. Tránh uống liều lớn ở những người mắc chứng ruột kết to hoặc giảm nhu động dạ dày – ruột.
Ở một số ngưòi, pyridostigmin bromid kéo dài tác dụng hơn muối của neostigmin, trong những trường hợp như vậy thường hay gây các cơn tăng tiết acetyl-cholin.
Khi sử dụng pyridostigmin để điều trị bệnh nhược cơ, cần nhớ rằng, với cùng một liều thuốc kháng cholines-terase, có thể có những đáp ứng khác nhau ở những nhóm cơ riêng biệt: gây yếu ở một nhóm cơ này trong khi đó lại làm tăng lực cơ ở nhóm khác. Những cơ ở cổ và các cơ nhai và nuốt thường là nhóm cơ đầu tiên bị yếu đi khi dùng thuốc quá liều. Phải đo dung tích sống bất cứ khi nào tăng liều để có thể điều chỉnh liều thuốc kháng cholinesterase nhằm đảm bảo tốt chức năng hô hấp.
Pyridostigmin qua được nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ, vì thế phải sử dụng thận trọng đối với người mang thai và cho con bú.
Sử dụng thuốc có tác dụng chống tiết cholin hoặc tác dụng giống như atropin phải hết sức cẩn thận, khi người bệnh cũng được điều trị bằng pyridostigmin vì các triệu chứng quá liều có thể bị che lấp bởi pyridos-tigmin, hoặc ngược lại, các triệu chứng dùng pyridos-tigmin quá liều cũng có thể bị che lấp bởi atropin và các thuốc giống atropin.
Thời kỳ mang thai
Tính an toàn của pyridostigmin ở người mang thai vẫn chưa được xác định, nhưng những thuốc kháng cholinesterase có thể gây kích thích tử cung và gây đẻ non khi tiêm tĩnh mạch cho người mang thai gần kỳ sinh. Tuy nhiên, pyridostigmin đã được sử dụng trong thai kỳ mà không gây dị dạng cho thai.
Ðã quan sát được yếu cơ tạm thời ở khoảng 10 – 20% trẻ sơ sinh, do mẹ đã dùng thuốc kháng cholinesterase để điều trị bệnh nhược cơ.
Vì vậy, việc sử dụng pyridostigmin cho người mang thai cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy hại cho mẹ và con.
Thời kỳ cho con bú
Pyridostigmin bài tiết một phần vào sữa mẹ, vì vậy không nên dùng khi cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất là nôn. Tác dụng không mong muốn thường liên quan tới quá liều và thường thuộc 2 kiểu: Các triệu chứng giống muscarin, và các triệu chứng giống nicotin.
Triệu chứng chính của quá liều trong trường hợp bệnh nhược cơ là làm tăng yếu cơ.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Tăng tiết mồ hôi, chán ăn. Tuần hoàn: Nhịp tim chậm, nhưng thỉnh thoảng lại nhịp tim nhanh. Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, tăng nhu động, đau bụng, tiết nước bọt. Hô hấp: Tăng tiết dịch, co thắt phế quản, viêm mũi. Thần kinh: Yếu cơ, liệt nhẹ, co giật, co cứng cơ cục bộ. Tiết niệu – sinh dục: Tiểu tiện không chủ động. Mắt: Co đồng tử, tăng tiết nước mắt, mờ mắt, viêm kết mạc.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Chóng mặt. Tuần hoàn: Tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp. Thần kinh trung ương: Thao thức, mất ngủ.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Da: Ngoại ban, rụng tóc.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Pyridostigmin bromid có thể uống hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch rất chậm.
Liều lượng: Bệnh nhược cơ: Liều lượng có thể thay đổi từng ngày, tùy theo bệnh đỡ hay nặng lên, stress về cảm xúc và thể lực của người bệnh. Liều phải điều chỉnh để người bệnh dùng liều cao lúc phải gắng sức nhiều nhất (thí dụ 30 – 45 phút trước khi ăn để giúp người bệnh khi khó nuốt). Pyridogtigmin uống cùng với sữa hoặc thức ăn gây ít tác dụng phụ muscarinic.
Dạng uống (siro và viên nén)