Tên chung quốc tế: Risperidone.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn thần.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 1 mg; 2 mg; 3 mg; 4 mg.
Dung dịch để uống: 1 mg/ml.
Cơ chế tác dụng
Risperidon là một thuốc chống loạn thần loại benzisoxazol, có tác dụng đối kháng chọn lọc với thụ thể serotonin typ 2 (5 HT2) và thụ thể dopamin typ 2 (D2). Risperidon cũng gắn với thụ thể adrenergic alpha1, và với thụ thể histamin H1. Có rất ít tác dụng phụ kháng cholinergic. Một tác dụng cân bằng giữa sự đối kháng với thụ thể 5HT2 và D2 có tác dụng tốt chống những triệu chứng “dương tính” [ảo giác, ý nghĩ không bình thường, sự thù địch, phản ứng dạng suy đoán (paranoia)], và chống những triệu chứng “âm tính” (rời rạc về tâm thần, mất sự đồng cảm, mất hành vi xã hội, mất hoạt động về lời nói), trong tâm thần phân liệt. Tác dụng cân bằng này cũng làm giảm nguy cơ của hội chứng Parkinson. Risperidon có tác dụng an thần, do đó có thể có tương tác với thuốc giảm đau và an thần.
Risperidon đã được chấp thuận ở nhiều nước để điều trị tâm thần phân liệt. Những thuốc “chống loạn thần không điển hình” mới hơn, trong đó có risperidon, có thể có hiệu lực với người bệnh không đáp ứng với liệu pháp khác. Trong những thử nghiệm lâm sàng ngắn hạn (6 – 8 tuần) có kiểm chứng trên những người bệnh nội trú có tâm thần phân liệt, đã xác định hiệu quả của risperidon dùng trong điều trị rối loạn tâm thần. Vì chưa xác định hiệu quả của risperidon trong thời gian dài hơn, cần định kỳ đánh giá lại sự cần thiết của việc tiếp tục liệu pháp khi dùng thuốc dài ngày.
Dược động học
Risperidon được hấp thu tốt khi uống. Thức ăn không ảnh hưởng đến tốc độ hoặc mức độ hấp thu. Risperidon được chuyển hóa nhiều trong gan nhờ cytochrom P450 II D6 thành một chất chuyển hóa chủ yếu, có hoạt tính là 9 – hydroxyrisperidon. Chất này có hiệu lực bằng risperidon về hoạt tính gắn với thụ thể và có nửa đời là 20 ± 3 giờ. Sau khi uống risperidon, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được trong vòng 1 giờ. Sinh khả dụng uống là 66 ± 28% ở người có chuyển hóa mạnh, và cao hơn ở người có chuyển hóa yếu. Mức độ gắn với protein huyết tương là 89% đối với risperidon và 77% đối với chất chuyển hóa có hoạt tính. Thể tích phân bố của risperidon là 1 – 2 lít/kg. Ở người có chuyển hóa mạnh, nửa đời của risperidon là 3,2 ± 0,8 giờ, mức thải trừ qua nước tiểu là 3 ± 2% và độ thanh thải là 5,5 ± 2 ml/phút/kg. Chất chuyển hóa có hoạt tính, 9 – hydroxyrisperidon có nửa đời là 20 ± 3 giờ. Ở người có chuyển hoá mạnh,
35 ± 7% liều risperidon tiêm tĩnh mạch được bài tiết dưới dạng chất chuyển hóa có hoạt tính, chủ yếu là qua thận và do đó có tương quan với chức năng thận. Ở người có chuyển hoá yếu, khoảng 20% của liều risperidon tiêm tĩnh mạch được thải trừ dưới dạng không biến đổi, 10% dưới dạng 9 – hydroxyrisperidon; độ thanh thải hơi thấp hơn 1 ml/phút/kg, và nửa đời của risperidon tương tự như của chất chuyển hóa có hoạt tính, khoảng 20 giờ. Nửa đời của tổng 2 chất risperidon và 9 – hydroxyrisperidon là 20 – 24 giờ. Cần điều chỉnh liều dùng đối với người có bệnh thận hoặc gan.
Chỉ định
Risperidon được chỉ định để điều trị bệnh loạn tâm thần cấp và mạn (có cả triệu chứng âm và dương). Khi quyết định dùng risperidon dài ngày, thầy thuốc cần định kỳ đánh giá lại về hiệu lực của thuốc với từng người bệnh.
Chống chỉ định
Người bệnh dùng quá liều barbiturat, chế phẩm có thuốc phiện hoặc rượu.
Có tiền sử mẫn cảm với chế phẩm.
Thận trọng
Có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra hạ huyết áp thế đứng và ngất trong khi điều trị với risperidon bằng cách hạn chế liều ban đầu ở 1 mg, ngày 2 lần, cho người lớn bình thường, và 0,5 mg, ngày 2 lần, cho người cao tuổi hoặc người suy nhược, người có suy giảm chức năng thận hoặc gan, và người dễ bị hoặc có nguy cơ bị hạ huyết áp.Ở người có bệnh tim mạch (xơ cứng động mạch nặng, suy tim, rối loạn dẫn truyền), bệnh mạch máu não, hoặc những trạng thái dễ bị hạ huyết áp (ví dụ, mất nước, giảm lưu lượng máu, liệu pháp chống tăng huyết áp đồng thời), và ở người có tiền sử động kinh, co cứng cơ hoặc hội chứng Parkinson, cần phải dùng liều thấp hơn và bắt đầu điều trị với liều thấp. Vì risperidon có thể làm rối loạn khả năng phán đoán, suy nghĩ và kỹ năng vận động, người bệnh không nên vận hành những máy móc nguy hiểm, kể cả xe gắn động cơ, cho tới khi biết chắc là risperidon không gây tác dụng không mong muốn nêu trên.
Thời kỳ mang thai
Không dùng risperidon cho người trong thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Không rõ risperidon có bài tiết trong sữa mẹ hay không. Người đang dùng risperidon không nên cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Những tác dụng không mong muốn thường gặp trong khi điều trị với risperidon là lo âu, ngủ gà, triệu chứng ngoại tháp, chóng mặt, táo bón, buồn nôn, khó tiêu, viêm mũi, ban và nhịp tim nhanh. Những tác dụng không mong muốn thường gặp khi ngừng thuốc gồm triệu chứng ngoại tháp, chóng mặt, tăng động, ngủ gà và buồn nôn.
Thường gặp, ADR > 1/100
Thần kinh trung ương: Chóng mặt, tăng kích thích, lo âu, ngủ gà, triệu chứng ngoại tháp, nhức đầu, hội chứng Parkinson.
Tiêu hóa: Táo bón, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đau bụng, chán ăn, tăng tiết nước bọt, đau răng.
Hô hấp: Viêm mũi, ho, viêm xoang, viêm họng, khó thở. Da: Ban, da khô, tăng tiết bã nhờn. Thần kinh – cơ – xương – khớp: Ðau khớp. Tim mạch: Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế. Mắt: Nhìn mờ. Khác: Ðau lưng, đau ngực, sốt, mệt mỏi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, loạn chức năng sinh dục.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Thần kinh trung ương: Giảm tập trung, trầm cảm, lãnh đạm, phản ứng tăng trương lực, sảng khoái, tăng dục tình, mất trí nhớ, nói khó, chóng mặt, trạng thái sững sờ, dị cảm, lú lẫn.
Tiêu hóa: Ðầy hơi, ỉa chảy, tăng ngon miệng, viêm miệng, phân đen, khó nuốt, trĩ, viêm dạ dày. Hô hấp: Thở nhanh, co thắt phế quản, viêm phổi, thở rít. Da: Tăng hoặc giảm ra mồ hôi, trứng cá, rụng tóc lông. Tim mạch: Tăng huyết áp, giảm huyết áp, phù, blốc nhĩ thất, nhồi máu cơ tim. Mắt: Rối loạn điều tiết, khô mắt.
Nội tiết và chuyển hóa: Giảm natri – huyết, tăng hoặc giảm cân, tăng creatin phosphokinase, khát, đái tháo đường, tiết sữa không thuộc kỳ cữ, mất kinh, đau kinh, to vú đàn ông.
<