Ở thời điểm hiện tại, có lẽ không một loại virus nào gây ra nỗi kinh hoàng cho con người như Ebola – loại virus đang làm bùng lên đại dịch chết người tại Tây Phi. Vậy thực chất dịch sốt xuất huyết Ebola khởi nguồn từ đâu, nó gây nguy hiểm đến tính mạng như thế nào, và làm cách nào để phòng ngừa? Benh.vn xin gửi đến các bạn một số thông tin tổng hợp từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC USA).
Mục lục
Dịch sốt xuất huyết Ebola nguy hiểm như thế nào?
Dịch Ebola được biết đến đầu tiên vào năm 1976, khi nó bắt đầu bùng nổ tại Sundang và Cộng hòa Dân chủ Congo. Căn bệnh được đặt tên theo con sông Ebola chảy gần một ngôi làng ở Congo, nơi một trong những trường hợp đầu tiên phát bệnh.
Loại virus Ebola đang hoành hành hiện nay là loại gây nguy cơ chết người cao nhất trong 5 chủng virus Ebola được biết đến. Nó được gọi là Ebola Zaire, cứ 10 người nhiễm virus này thì 9 người sẽ tử vong. Nhưng tỷ lệ tử vong cao còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất và thiết bị y tế cho người bệnh. Tỷ lệ này có thể sẽ thấp hơn khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện hiện đại với đầy đủ các thiết bị chuyên sâu.
Sốt xuất huyết Ebola 10 người mắc thì 9 người sẽ tử vong.
Ngày 28 tháng 7, CDC cho biết tỷ lệ tử vong tại Tây Phi đã giảm xuống còn 6 trên 10, thay vì 9 trên 10 như trước đó. Như vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả đáng kể cho người bệnh.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Ebola
Đầu tiên, người bệnh có triệu chứng giống như bị cảm cúm nặng: sốt cao, đau cơ, đau đầu, viêm họng và mệt mỏi. Sau đó bệnh nhanh chóng chuyển biến gây nôn tháo và tiêu chảy, chảy máu trong và chảy máu ngoài (đây chính là thời điểm lây lan virus). Thận và gan bắt đầu bị rối loạn. Virus Ebola Zaire gây tử vong trong thời gian ngắn, chỉ 7 đến 14 ngày sau khi phát bệnh.
Một người bình thường có thể ủ bệnh trong vòng 3 tuần lễ mà không hề có biểu hiện gì của bệnh. Thậm chí ngay cả những người đã qua cơn nguy kịch và được cứu sống vẫn chứa trong người loại virus Ebola trong vòng nhiều tuần sau đó.
Virus Ebola lây lan như thế nào?
Ebola không dễ lây lan giống những loại virus thông thường như cảm lạnh, cúm hay sởi. Nó lây lan khi tiếp xúc trực tiếp qua da, các chất nhầy cơ thể từ động vật nhiễm bệnh (như dơi, khỉ). Sau đó bệnh lây từ người qua người cũng qua các tiếp xúc tương tự.
Ebola lây lan khi tiếp xúc trực tiếp qua da, các chất nhầy cơ thể từ động vật nhiễm bệnh.
Chính phủ Guinea đã cấm món súp dơi, một trong những món ăn nổi tiếng ở nước này, do những lo lắng về nguy cơ truyền nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc này có thể không giúp ích gì nhiều, bởi virus đã hiện diện và lây lan từ người qua người. Vấn đề cốt lõi chính là việc hạn chế tối đa việc phát tán dịch dầy cơ thể.
Liệu có loại thuốc hoặc vắc xin nào phòng tránh loại virus này không?
Mặc dù các nhà khoa học đang tích cực tìm kiếm, hiện vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào cho căn bệnh Ebola. Cách điều trị duy nhất hiện thời vẫn là các phương pháp hỗ trợ như truyền nước, uống thuốc giảm huyết áp, thở máy và truyền máu.
Các trường hợp may mắn sống sót sau khi nhiễm virus phụ thuộc vào độ tuổi, loại gien, sức đề kháng cơ thể cũng như điều kiện chăm sóc y tế.
Liệu có cách nào để ngăn chặn dịch bệnh?
Các bước đơn giản nhất chính là kiểm soát lây nhiễm chéo, như dùng các phương pháp bảo hộ, găng tay, kính bảo hộ để tránh lây lan virus Ebola. Tất cả các dịch nhầy, chất tiết ra từ cơ thể người bệnh cần được xử lý riêng. Thậm chí dịch nhầy cơ thể của ngay cả với những người tiếp xúc với người bệnh cũng phải được xử lý nghiêm ngặt như người bệnh.
Kết luận
Virus Ebola không dễ lây lan và thường chỉ xuất hiện ở những người hợp bắt buộc phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nhân viên y tế, người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, vì mức độ nguy hiểm khôn lường của nó: khả năng gây tử vong cao, ủ bệnh ngầm trong khi phát bệnh và gây tử vong trong thời gian rất ngắn mà không hề có thuốc đặc trị; phụ huynh cần phải có ý thức tìm hiểu về bệnh và có những biện pháp kịp thời phòng bệnh bảo vệ con em và gia đình mình.