Viêm đường ruột ở trẻ do virus gây ra là một trong những bệnh phổ biến trong Nhi khoa. Virus gây bệnh gọi chung là Enterovirus (vi khuẩn đường ruột). Tuy nhiên, loại virus này có thể gây ra nhiều bệnh khác hơn bạn tưởng. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu các bệnh do loại virus này gây ra cho trẻ.
Mục lục
Enterovirus là bệnh gì?
Enterovirus là tên gọi chung của nhóm siêu vi thuộc họ Picornaviridae. Virus vào cơ thể qua đường tiêu hóa và khu trú ở trong phân và hầu họng. Đặc điểm chung của các siêu vi trong nhóm này là sinh sản và lây lan từ người mang mầm bệnh sang người lành qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp (Entero – theo tiếng Latin có nghĩa là ruột). Siêu vi sinh sản tại chỗ xâm nhập và ở các hạch bạch huyết vùng hầu họng. Khi đạt đến số lượng cần thiết, siêu vi xâm nhập vào máu. Lúc này bệnh nhân sẽ bị sốt (khoảng 1 tuần sau khi siêu vi xâm nhập vào cơ thể). Con người là ổ chứa duy nhất của Enterovirus. Trẻ em thường dễ bị nhiễm Enterovirus hơn người lớn.
Enterovirus gây bệnh cho người được chia ra nhiều nhóm, bao gồm: siêu vi gây bệnh sốt bại liệt (týp 1,2,3); Coxsackie A (24 loại), Coxsackie B (6 loại); ECHO (34 loại); Enterovirus 68, 69, 70. 71 và Enterovirus 72.
Nhóm tuổi có nguy cơ cao bị nhiễm enterovirus
Tuổi nguy cơ mắc bệnh là dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Người lớn cũng có thể nhiễm bệnh. Phụ nữ mang thai cần tránh bị nhiễm để ngừa lây nhiễm cho trẻ sơ sinh.
Dấu hiệu nhiễm enterovirus
Enterovirus gây ra rất nhiều chứng bệnh khác nhau. Đa số các trường hợp nhiễm có biểu hiện nhẹ và tự hồi phục mà không cần phải điều trị. Một số ít các trường hợp khác có biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não hoặc bại liệt .
Các trường hợp có biểu hiện nhẹ, thì triệu chứng có thể gặp của bệnh là sốt, phát ban, tiêu chảy, viêm họng và nổi mụn nước ở trong miệng, lòng bàn tay, chân, và vùng mông.
Các triệu chứng xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào từng loại siêu vi: Bảng sau đây là các căn bệnh hoặc các triệu chứng khác nhau do Enterovirus gây ra:
Bệnh – Triệu chứng | Loại siêu vi |
Bệnh sốt bại liệt | Poliovirus 1, 2,3 |
Liệt chân trong 1 thời gian ngắn | Coxsackie B1 – B6 |
Viêm màng não | Echovirus , Coxsackie A,B |
Viêm não | Echovirus 71, Coxsackie. |
Sốt phát ban (bệnh Tay Chân Miệng) | Echovirus 71, Coxsackie A |
Viêm họng | Coxsackie A |
Viêm cơ tim | Coxsackie B |
Đau nhức cơ toàn thân | Coxsackie B |
Viêm đường hô hấp trên
(viêm mũi họng, thanh quản) |
Echovirus, Coxsackie A |
Viêm ruột, tiêu chảy | Phần lớn các loại Echovirus |
Viêm kết mạc mắt (mắt đỏ) | Enterovirus 70 |
Viêm gan siêu vi A | Enterovirus 72 (siêu vi A gây viêm gan) |
Trường hợp có biến chứng thần kinh thì có thể gặp những triệu chứng như mê sảng, lơ mơ, co giật, hôn mê, yếu liệt chân tay, khó thở.
Thời gian nhiễm bệnh là bao lâu và có mắc bệnh trở lại không?
Bệnh thường kéo dài khoãng 7-10 ngày. Sau khi khỏi, bệnh nhân còn miễn dịch một thời gian ngắn với typ đã nhiễm bệnh, và miễn dịch cả với một số typ khác trong nhóm Enterovirus.
Người nhiễm có thể lây truyền bệnh trong thời gian nào?
Virus khi vào cơ thể người ủ bệnh ở họng và phân trong vài ngày trước khi có triệu chứng bệnh. Nói chung thời kỳ lây nhiễm cao nhất là trong tuần lễ đầu tiên. Virus có thể tìm thấy trong nước bọt, đàm tiết trong 3 – 4 tuần và trong phân của người bệnh trong 6 – 8 tuần.
Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng chưa có loại vắc xin nào phòng ngừa loại virus này.
Phòng tránh lây nhiễm Enterovirus
Trên thực tế, các trường hợp nhiễm Enterovirus ở trẻ em thường diễn ra âm thầm, không triệu chứng.
Cho đến nay, cũng như đối với hầu hết các bệnh lý nhiễm siêu vi, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do Enterovirus gây ra.
Ngày nay, chúng ta có thể phòng ngừa được bệnh sốt bại liệt bằng vaccin SABIN hoặc vaccin SALK. Đây là vaccin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở trẻ em, áp dụng ở nước ta từ đầu thập niên 90. Đến năm 2000, Việt Nam được Y tế Thế giới công nhận đã thanh toán được căn bệnh này.
- Có thể tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục điều đặn và uống đủ nước.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu chung cho tất cả các siêu vi thuộc nhóm này.
- Vệ sinh cá nhân tốt: Cắt móng tay thương xuyên, rửa tay sạch bằng xà bông trước và khi ăn, sau khi đi tiêu.
- Rửa tay sạch và thay quần áo sạch trước khi lại gần trẻ.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh dùng chung vật dụng ăn uống và vật dụng vệ sinh cá nhân khác giữa các thành viên trong gia đình.
- Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng, lau sạch các đồ chơi của trẻ.
- Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm: tránh đến những chổ đông người tụ tập và tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh. Học sinh bị bệnh nên nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Nếu phát hiện thấy bệnh với biểu hiện giống như cảm sốt, viêm họng hoặc phát ban thì đến bác sĩ khám ngay.
- Tránh đến các nơi đông người. Nếu trong nhà có người thứ hai mắc bệnh thì phải hết sức cẩn thận vì họ có thể bị nhiễm một lượng virus rất cao dể phát triển biến chứng nguy hiểm
Những điều bệnh nhân cần nên biết về enterovirus
Cần đưa gấp bệnh nhân đến y tế nếu thấy các biểu hiện nguy hiểm như: mê sảng, lơ mơ, co giật, hôn mê, yếu liệt chân tay, khó thở, sốt liên tục hay từng hồi.
Tránh tình trạng nhiễm phân, nước bọt và chất dịch nhày của bệnh nhân. Nếu bị nhiễm phải rửa tay ngay lập tức.
Uống nhiều nước, nghĩ ngơi hoàn toàn
Không được tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Học sinh nên nghỉ học ở nhà và nghỉ ngơi.
Nhà trường cần làm gì để phòng bệnh virus viêm đường ruột
- Giữ trường lớp sạch sẽ và thông thoáng
- Phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
- Tăng cường việc giáo dục về vệ sinh và cách phòng bệnh
- Nhà vệ sinh và khăn giấy lau tay cần bảo đảm đầy đủ
- Các trẻ bệnh phải được khám y tế và phải nghỉ học.