Ngày nay khi xã hội phát triển càng cao thì nhu cầu đời sống con người cũng cao hơn, trong đó “chất lượng và an toàn thực phẩm” chiếm một vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại; như việc hướng dẫn và quản lý sử dụng thuốc kháng sinh còn lỏng lẻo; tình trạng sử dụng các chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi khá tùy tiện dẫn đến tồn dư các hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mục lục
Để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trong việc thúc đẩy tăng trưởng và tăng lượng nạc cho động vật nuôi, các nhà sản xuất thức ăn gia súc gia cầm đã sử dụng kích thích tố tăng trưởng, hormone tăng trọng ngày càng phổ biến. Đáng kể đến là các hóa chất thuộc nhóm Pheethanolamine như: clenbuterol, sabutamol, cimaterol, ractopamine …
Tình hình sử dụng các hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và trong chăn nuôi.
Tác dụng của Clenbuterol
Clenbuterol là hóa chất được tổng hợp có tác dụng giãn phế quản, kích thích thần kinh giao cảm, được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong thú y clenbuterol cũng được dùng làm thuốc giãn phế quản trị bệnh cho heo. Trong chăn nuôi chúng có khả năng điều khiển các chất dinh dưỡng hướng vào mô cơ mà không hướng vào mô mỡ, nhờ đó làm tăng độ nạc thân thịt. Trước đây người ta đã đưa clenbuterol vào trong thức ăn của bò để giúp bò có vai, mông nở nang tham gia dự thi tại các hội chợ.
Pháp hiện Clenbuterol trong thức ăn chăn nuôi và cơ thể động vật
Ngay từ khi phát hiện clenbuterol có tác dụng làm tăng cân, chất này và những chất cùng nhóm đã bị cấm sử dụng từ năm 2002. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn sử dụng bất hợp pháp các hóa chất này trộn vào thức ăn chăn nuôi.
– Theo kết quả điều tra của Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005, trong 500 mẫu thịt heo lấy tại TPHCM có 30% mẫu dương tính với chất clenbuterol, lượng hóa chất này tồn dư 100% trong cơ thể động vật, 60% tồn lưu trong gan, thận ngay cả khi nấu chín.
– Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam phát hiện thấy 1/12 mẫu thức ăn chăn nuôi và 6% mẫu thịt đều dương tính với clenbuterol.
– Gần đây, tháng 11/2009 Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM kiểm tra định kỳ thịt heo đã phát hiện có đến 10% của 500 mẫu thịt dương tính với clenbuterol.
Qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng dư lượng của clenbuterol tồn tại trong võng mạc mắt và trong tóc lâu tới vài tháng; người tiêu thụ gan, thịt động vật ăn thức ăn chứa clebuterol có hiện tượng run rẩy, rối loạn nhịp tim, tăng hoặc hạ huyết áp, đau đầu, chóng mặt, liệt cơ, run cơ, thậm chí dẫn đến ung thư.
Tình hình sử dụng các kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và trong chăn nuôi.
Kháng sinh được sử dụng rất bừa bãi
Ngoài ra, do thức ăn chăn nuôi thường bị nhiễm khuẩn sẽ gây bệnh cho gia súc gia cầm, nên các nhà sản xuất thức ăn đã dùng thuốc kháng sinh trộn vào nhằm hạn chế mật độ vi khuẩn có trong thức ăn, kích thích sự phát triển của vật nuôi. Mặt khác, trong phòng trị bệnh gia súc, gia cầm người chăn nuôi sử dụng kháng sinh cũng rất bừa bãi (dùng với liều cao và dùng liên tục ). Kết quả điều tra của Lã Văn Kính và ctv (1996) trên 75% số mẫu thịt và 66,7% số mẫu gan (gà nuôi theo phương thức công nghiệp) cho thấy đều có tồn dư kháng sinh với mức tồn dư từ 3,67-122 ppm tùy theo chủng lọai, cao hơn hàng chục đến hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn Quốc tế.
Các loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất
Khoa Chăn nuôi Thú y ĐH Nông Lâm TP.HCM xét nghiệm các mẫu thịt được lấy trực tiếp tại các chợ cho thấy có 26 loại kháng sinh được phát hiện. Trong đó loại được sử dụng nhiều nhất chloramphenicol (chiếm 15,35%), tylosin (15%), colistin (13,24%), norfloxacin (10%), gentamycin (8,35%), nhóm tetracylin (7,95%), ampicillin (7,24%)… Trong đó, chloramphenicol là kháng sinh hiện đã bị cấm sử dụng. Trong 149 mẫu thịt gà được kiểm tra, phân tích có đến 44,96% số mẫu có dư kháng sinh vượt quá mức quy định cho phép từ 2,5 đến 1.100 lần so với tiêu chuẩn ngành. Trong đó, loại kháng sinh chloramphenicol chiếm tỷ lệ cao nhất đến 87,50%, flumequin chiếm 83,33%, chlortetracyline chiếm 62,50%, amoxillin chiếm 60%…
Ý kiến của chuyên gia
Bác sĩ Trần Văn Ký, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, khẳng định phần lớn kháng sinh không phân hủy được trong môi trường nhiệt độ như nấu nướng, số ít có thể bị phân hủy nhưng tỷ lệ không đáng kể. Người thường xuyên dùng sản phẩm gia súc gia cầm bị nhiễm kháng sinh sẽ rất bị “lờn thuốc” (cơ thể sẽ tạo ra sự kháng thuốc của các dòng vi khuẩn gây bệnh) và khi con người bị nhiễm bệnh sẽ làm cho khả năng chữa trị khó, kéo dài thời gian và phức tạp hơn.
Benh.vn (Theo Chi cục QLCL NL Sản &TSKG)