Câu chuyện về những tình huống mà bác sĩ gặp phải khi hành nghề. Đôi khi không phải chúng ta luôn gặp những điều có trong sách vở.
Thời ấy, tôi làm việc tại phòng khám Bệnh viện huyện Di Linh là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng. Một ngày, tôi gặp một bệnh nhân nam khoảng trên 30 tuổi người dân tộc K’Ho. Khi người bệnh vào khám, thoạt nhìn, không thấy dấu hiệu nào của người mắc bệnh, tôi hỏi và anh ta trả lời nội dung như sau:
Tôi: Anh đau như thế nào mà đi khám bệnh?.
Anh bạn miền núi: Tôi bị đỉa chui vào mũi.
Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi tiếp:
Tôi: Tại sao anh biết đỉa chui vào mũi?
Anh bạn miền núi: Vì thỉnh thoảng tôi thấy chảy máu mũi.
Tôi: Như vậy vẫn chưa đủ căn cứ. Chảy máu mũi thì có nhiều nguyên nhân, anh còn thấy biểu hiện nào khác không?.
Anh bạn miền núi: Thỉnh thoảng lúc tôi rửa mặt, nó (con đỉa) bò ra khỏi mũi.
Như thế là chắc chắn rồi, song tôi vẫn hỏi thêm:
Tôi: Anh có hay đi tắm suối không?
Anh bạn miền núi: Có
Tôi: Sao lúc con đỉa bò ra anh không bắt lấy nó?
Anh bạn miền núi: Nó nhanh lắm, không sao túm kịp.
Chăm sóc bệnh nhân bị đỉa chui vào mũi tại BV đa khoa Hà Tĩnh.
Đến lượt tôi suy nghĩ làm sao gắp con đỉa ra khỏi mũi bệnh nhân trong khi cả bệnh viện chỉ có bộ đèn soi tai-mũi-họng. Tôi ngần ngại
Tôi: Ở đây không thể gắp con đỉa ra khỏi mũi cho anh được, tôi giới thiệu anh lên bệnh viện tỉnh nhé.
Anh bạn miền núi: Tôi không đi bệnh viện tỉnh đâu!. Anh thừ người ra
Tôi: Tại sao anh lại không đi?
Anh bạn miền núi: Vì không có tiền.
Dạo ấy, đi lại còn khó khăn, hơn nữa, gia đình anh rất nghèo, cơm chưa đủ ăn, nói chi đến tiền đi bệnh viện tỉnh. Thà nuôi con đỉa trong mũi còn hơn để gia đình đói khổ thêm. Đó là quyết định của anh. Còn tôi, sẽ không thể yên lòng nếu để anh ra về với con đỉa trong mũi.
Còn nhiều người chờ khám bệnh, tôi bảo anh ra ngoài, tôi sẽ giải quyết sau vào buổi chiều vì thông thường buổi chiều vắng bệnh nhân hơn. Anh đồng ý chờ. Đến giờ nghỉ trưa, tôi mới thấy mình hơi bị liều vì đã có cách giải quyết nào đâu mà bảo anh chờ đến chiều? Thế là khi ăn trưa, rồi khi nghỉ trưa, con đỉa cứ bám theo tôi. Nghĩ mãi vẫn tắc, tôi định bụng, cùng lắm đến chiều lại động viên anh đi bệnh viện tỉnh vậy. Nếu vẫn không được thì đành để anh về nhà chứ biết làm sao. Tuy nhiên, anh và con đỉa vẫn không chịu buông tha tôi.
Chợt tôi vùng dậy. Nước, đúng rồi, nước! Anh bảo thỉnh thoảng con đỉa bò ra khỏi mũi khi anh rửa mặt kia mà. Môi trường sống của đỉa là nước. Thức ăn của đỉa chủ yếu là máu người. Sống trong mũi chắc chắn con đỉa sẽ được hút máu no nê, nhưng cũng chắc chắn nó sẽ thiếu nước, sẽ khát nước. Bởi vậy, chỉ cần anh rửa mặt có tí hơi nước mà nó cũng bò ra. Vậy thì tương kế tựu kế, hãy dùng nước để nhử con đỉa bò ra khỏi mũi, rồi bắt lấy.
Cảm giác vui mừng như giải được bài toán khó, tôi đến ngay phòng khám chuẩn bị một thau nước sạch đặt lên bàn, một chiếc panh y tế. Tôi hướng dẫn anh ngồi đúng tầm để ghé mũi vào sát mặt nước trong thau, thở nhẹ, làm sao để đừng hít nước vào mũi, có nước vào mũi, con đỉa vẫn không chịu bò ra. Tôi mở sẵn panh đặt ngay trước mũi anh chờ con đỉa. Vô cùng hồi hộp, tôi động viên anh chịu khó. Không hiểu đã mấy phút trôi qua, chợt con đỉa bò ra. Cụp, tôi bóp mạnh chiếc panh, song con đỉa nhanh hơn tôi, nó đã kịp thụt vào. Tôi kẹp hụt, mọi người xung quanh ồ lên khe khẽ vẻ tiếc nuối. Còn tôi lúc ấy mới cảm nhận được như thế nào là “tiếc đứt ruột”.
Nghỉ ngơi khoảng dăm phút, chúng tôi lại bắt đầu. Lần này, tôi thầm bảo: “Nếu mày còn bò ra nữa thì…”. Cuối cùng, con đỉa lại bò ra (không biết vì nó dại hay vì khát nước quá). Tôi nín thở chờ nó bò qua khỏi chiếc panh. Và rất nhanh, cụp, con đỉa đã bị chiếc panh kẹp chặt. Tôi bình tĩnh lôi nó ra. Thật bất ngờ, nó bám rất chặt đến nỗi tôi phải dùng tay nắm vào thân nó để lôi vì sợ đứt. Tôi nghe rõ ràng phựt một cái, con đỉa đã chịu rời khỏi mũi bệnh nhân. Lúc ấy, không biết bệnh nhân hay là tôi vui sướng hơn? Khi ra về, anh còn bảo nếu người nhà anh chẳng may bị mắc bệnh anh sẽ khuyên đến tìm tôi.
Nhìn ra ngoài, tôi thấy vẫn còn một số người chờ khám bệnh. Tuy nhiên, không ai trách tôi cả mà còn tỏ ra vui mừng vì tôi đã gắp được con đỉa. Tôi lại tiếp tục khám bệnh với niềm vui khó tả.
Qua trường hợp này, tôi thấy khi ta chịu khó hỏi bệnh nhân (khai thác bệnh sử) là rất quan trọng để định hướng chẩn đoán điều trị. Còn nếu ai chẳng may bị đỉa chui vào mũi, có thể áp dụng cách gắp đỉa như tôi đã kể trên chăng? Chỉ cần có một thau nước sạch, một panh y tế, sự chịu khó phối hợp giữa bệnh nhân với “anh chàng” gắp đỉa và phải thật bình tĩnh, không vội vàng. Việc này có thể làm tại nhà hoặc trạm y tế xã, phường cũng được.
Benh.vn (Theo BSCKI. Nguyễn Tất Ứng -Trung tâm Truyền thông – GDSK Lâm Đồng)