“Bệnh viện đầy vi khuẩn, bệnh tật…, anh cho con đến làm gì, ở nhà mà chơi”. Cô vợ luôn làm tôi chùn bước mỗi khi tôi muốn hai đứa con đến viện xem bố chúng làm việc như thế nào.
Thực ra tôi vẫn thành công một vài lần, lén đưa chúng đến viện. Có khi chúng ở phòng hành chính xem tivi, có lúc chúng xem tôi làm công việc thường ngày của mình: thay băng, tiêm chọc, khám xét. Mừng là hai đứa có vẻ thương bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhi chạy lon ton với một mắt băng kín. Cô con gái học lớp 2 có lần đã tự cho hai đôi tất, một cái mũ len vào trong túi nhờ bố gửi cho em bệnh nhân người dân tộc có hai chân tím ngắt, lạnh cóng mà bố khám vào một ngày đông. Các công việc “máu me” khác đều làm chúng sợ hãi. Phòng làm việc của tôi chật hẹp nên chỉ dám cho các cháu lên thăm vào ngày nghỉ. Chúng sà ngay vào máy tính để chơi game, tôi hy sinh cho chúng kho thực phẩm dự trữ dành cho những đêm trực của tôi: mì tôm và trà chanh hoặc sữa…
Thăm khám cho bệnh nhi tại BV Mắt TW.
Nghĩ lại con đường chọn nghề y của tôi thì cha tôi có tác động rất lớn. Không biết ông chủ ý hay vô tình mà máu y chảy trong huyết quản của tôi từ rất sớm. Từ bé tôi không sợ ma cũng chẳng ghê mùi bệnh viện hay ngại máu me. Những năm tháng anh chị em thay nhau về quê sơ tán, bố tôi chăm tôi ở Hà Nội. Rất nhiều đêm ông cho tôi đến bệnh viện trực đêm cùng.
Tôi ngủ sớm, đôi khi tỉnh dậy giữa không gian tối thui và tĩnh mịch của bệnh viện. Bố đi mổ cấp cứu rồi, tôi phỏng đoán và sợ chết khiếp những hình thù kì dị của đồ vật trong phòng, tiếng cú đêm hay chuột khổng lồ bệnh viện di chuyển làm tôi sợ đến nghẹt thở. Dần cũng hóa quen, đi lại trong bệnh viện, qua cả nhà xác không làm tôi sợ hãi. Ban ngày thì cuộc viếng thăm bệnh viện đối với tôi như đi chơi công viên.
Tôi say mê những chiếc ghế y tế quay tròn đưa tôi lên cao rồi lại xuống thấp như đu quay thời nay. Những chiếc tay thang bằng gỗ lim bóng loáng ở bệnh viện là chiếc cầu trượt tuyệt vời của tôi mỗi khi vắng vẻ. Chiếc xe chuyển bệnh nhân đã bao lần giúp tôi thỏa ước mơ làm anh lái xe, nhún đẩy xe rồi lái chúng trong những hành lang hẹp, thật thú vị nếu người lớn không quát nạt. Viện Mắt ngày xưa khá xanh, nhiều hoa và cây cối. Sáng sớm tôi hay thu hoạch được những quả xoài rụng dưới gốc. Gốc hoa long não, hoa đào trong sân viện cung cấp mùi thơm và hương sắc cho một bệnh viện không ô nhiễm và chật chội của những năm 70-80 thế kỷ trước.
Mỗi khi được đem cơm cho bố suốt cả thời trung học, tôi đến nghiêng ngó khắp mọi nơi. Bảng thông tin có nét chữ nghiêng nghiêng của bố. Tết đến cũng lại là tranh Tết của bố với hình bánh pháo, cây đào vẽ bằng phấn màu. Mặt đường Bà Triệu ngày xưa có hai tầng quét ve vàng, hoa ti-gôn gần như phủ kín mặt trong viện. Thứ hoa giản dị màu hồng, thân leo quấn quýt, chỉ đẹp khi trên cành, ngắt xuống thì rụng sạch trong chốc lát. Bệnh viện thời bao cấp còn là nơi phân phát thực phẩm mỗi khi lễ Tết. Đúng là ngày hội của cán bộ y tế thời đó. Thịt lợn được ngả ra sân chia đều, lòng và xương cũng được chia khẩu phần đến từng người. Rồi gạo nếp, đỗ xanh, gói bánh, luộc bánh chưng trong nhà bếp của bệnh viện.
Những cô bác của thời đó cũng dần ra đi, cảnh vật đã bị thời gian cuốn sạch, chỉ còn chút ít trong cái ký ức mộng mị của tôi cho đến ngày hôm nay. Tôi không biết mình sẽ là bác sĩ nên hình bóng của cha hồi đó là người đàn ông bé nhỏ, gầy guộc trong cái áo blouse không được trắng lắm. Ông không bao giờ quát mắng bệnh nhân, làm mọi việc đều cần mẫn và cẩn thận. Thông tin khám bệnh được ông ghi lại cẩn thận, có vẽ hình, ghi chú thích. Sổ tay tiếng Anh, tiếng Pháp của ông tôi vẫn dùng được mãi đến khi ông về hưu.
Sau này khi đã là bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh viện còn là nơi bố tôi truyền cho từng động tác vành mi, những nhát tiêm mắt chuẩn mực, từng câu tiếng Pháp trong đơn thuốc… Càng những năm sau này, bệnh viện thay đổi càng nhanh, ngỡ ngàng và chẳng thể níu kéo. Bệnh viện có nhiều gia đình cùng làm việc bên trong và cả những người yêu thương nhau như người trong gia đình, có cả tình yêu lứa đôi và hôn nhân nữa nhờ bệnh viện mà nên.
Thời gian trôi đi nhanh quá! Bệnh viện là tình yêu của bao nhiêu người trong đó có cha con tôi, là nơi biết bao thế hệ, lớp lớp người cống hiến phần lớn đời người, đem lại bao niềm vui cho người bệnh. Trong khi lợi nhuận, thu nhập, hiệu quả kinh tế vẫn thình thịch bên tai thì một bệnh viện có tình yêu, tình người vẫn nên được tôn trọng và duy trì. Mỗi bệnh viện có một lịch sử, do vậy cần một không gian văn hóa riêng để yêu và ứng xử.
BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)
Benh.vn ( Theo SK&ĐS)