Không quá phổ biến nhưng hen phế quản (hay còn được gọi là hen suyễn) vẫn được đánh giá là một căn bệnh nguy hiểm. Cùng benh.vn tìm hiểu về nguyên nhân cũng như triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này qua những chia sẻ dưới đây.
Mục lục
Tổng quan bệnh Hen phế quản
Hen phế quản là một bệnh lý mạn tính có những đặc điểm riêng biệt, có cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây bệnh không thực sự rõ ràng dẫn tới việc điều trị dứt điểm bệnh gặp khó khăn.
Bệnh hen phế quản là gì?
Hen phế quản hay hen suyễn là bệnh lý viêm mạn tính đường dẫn khí tương đối phổ biến hiện nay. Tại Việt Nam, khoảng 5% dân số bị mắc hen phế quản. Trong đó, trẻ em 12-13 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Sự phù nề gây hẹp đường thở kèm dịch đàm gây nên các triệu chứng của viêm phế quản như ho, khó thở, khò khè, nặng tức ngực. Các triệu chứng hô hấp trong hen phế quản thay đổi theo thời gian. Sự giới hạn dòng khí thở trong hen phế quản (Chít hẹp đường thở)cũng có thể thay đổi, đặc biệt khi lên cơn hen cấp.
Hen suyễn là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể điều trị dự phòng để giảm tần suất hen và mức độ nguy hiểm của bệnh. Bệnh nhân luôn cần thuốc đi kèm phòng các trường hợp vô tình tiếp xúc với yếu tố gây hen làm khởi phát cơn hen cấp.
Tình trạng bệnh hen phế quản có đặc điểm gì?
Trong hen suyễn, chít hẹp đường thở là biểu hiện điển hình nhất. Có nhiều nguyên nhân đồng thời gây nên tình trạng này, gồm:
Viêm: Viêm gây phù nề đường thở và làm chít hẹp ống dẫn khí. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, phản ứng viêm xuất hiện. Các niêm mạc đường dẫn khí phù nề, nóng đỏ. Đồng thời, các mô viêm tiết chất nhầy làm nghẹt phế quản.
Co thắt phế quản: Các cơ bao bọc đường dẫn khí (phế quản) co thắt, gây thu hẹp lòng phế quản. Bên cạnh đó, các mô viêm tiết chầy nhày cản trở lưu thông khí trong phổi. Hậu quả gây khó thở, co rút kèm thở rít, ho khò khò và ho khạc.
Phản ứng quá mức (Quá mẫn cảm): Bệnh nhân viêm phế quản mạn tính càng ngày càng nhạy cảm với các tác nhân khỏi phát hen như chất dị ứng, chất kích thích hay nhiễm trùng.
Phân loại hen phế quản
Việc phân loại đúng bệnh hen suyễn (hen phế quản) giúp việc định hướng điều trị được tốt hơn, tránh lãng phí nguồn lực và giúp bệnh triệt để hơn.
Phân loại bệnh hen phế quản theo yếu tố bệnh sinh
Bệnh hen suyễn gây nên bởi các yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường. Tuỳ thuộc vào yếu tố khởi phát hen, người ta chia hen phế quản thành các loại sau:
- Hen nội sinh
- Hen dạng ho
- Hen do tập thể dục
- Hen do nghề nghiệp
Phân loại bệnh hen phế quản theo mức độ gây bệnh
Còn theo GINA ( Sáng kiến toàn cầu về hen phế quản), hen suyễn được chia theo các mức độ khác nhau, đặc trưng bởi tần suất và thời gian xuất hiện cơn hen
Mức độ 1:
- Cơn hen ban ngày ít hơn 1 lần trong tuần.
- Cơn hen ban đêm ít hơn 2 lần trong tháng.
- Chức năng hô hấp (CNHH) bình thường giữa các cơn hen.Không có giới hạn vận động với hen suyễn mức độ 1
Mức độ 2:
- Cơn hen ban ngày hơn 1 lần trong tuần nhưng ít hơn 1 lần/ngày
- Cơn hen ban đêm hơn 2 lần trong tháng nhưng ít hơn 1 lần trong tuần.
- CNHH bình thường giữa các cơn hen. Có thể có ảnh hưởng hoạt động thể lực.
Mức độ 3:
- Cơn hen ban ngày xuất hiện hàng ngày
- Xuất hiện khó thở về đêm lớn hơn 1 lần/tuần
- Cơn hen ảnh hưởng đến hoạt động và giấc ngủ.
- 60 % < FEV1 < 80 % (FEV1: Thể tích khí thở ra tối đa trong giây đầu tiên).
Mức độ 4:
- Khó thở liên tục.
- Có triệu chứng hàng ngày.
- Cơn hen nặng dần và xảy ra nhiều lần theo thời gian.
- Giới hạn hoạt động thể lực
Nguyên nhân hen phế quản và triệu chứng bệnh hen
Mặc dù triệu chứng bệnh hen tương đối giống nhau, nhưng có nhiều nguyên nhân gây hen phế quản. Thông thường, bệnh hen ở 1 người thường do nhiều hơn 1 yếu tố gây hen. Dưới đây là 1 số nguyên nhân phổ biến nhất gây hen phế quản.
Nguyên nhân bệnh hen phế quản
Béo phì, thừa cân: Những người thừa cân, béo phì có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với những người không bị béo phì. Trong một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, trẻ em béo phì sau khi giảm cân cũng hoàn toàn cải thiện được các triệu chứng hen phế quản.
Bệnh dị ứng: Dị ứng là trạng thái khi cơ thể phản ứng nhạy cảm với một chất cụ thể. Một khi phản ứng này diễn ra, người bệnh sẽ dễ xuất hiện các triệu chứng như ho, nổi ban, khó thở, khó hô hấp,… Các chất thường gây dị ứng cho con người gồm phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, vẩy da thú cưng hoặc các hạt chất thải của gián,….
Hút thuốc lá, ngửi khói thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động và ngửi khói thuốc lá không chủ động có thể vô tình kích hoạt và “đánh thức” những triệu chứng nổi bật của chứng hen phế quản. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá sẽ gây tổn thương cho phổi và làm xuất hiện các bệnh phổi mãn tính và làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh hen phế quản.
Môi trường ô nhiễm: Ô nhiễm không khí, cả môi trường bên trong và bên ngoài ngoài có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện, tiến triển và gây ra bệnh hen suyễn.
Stress, căng thẳng: Căng thẳng có thể làm phát sinh các triệu chứng hen suyễn, thậm chí một số cảm xúc khi ở mức độ quá khích cũng có thể gây ra những cơn hen đột ngột khiến người bệnh khó thở và bị đe dọa đến tính mạng.
Những triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản
Các dấu hiệu điển hình của bệnh hen phế quản bao gồm:
- Khò khè: Tiếng thở rít, nghe như có vật cản tại đường dẫn khí. Tiếng thở rít trong hen rất dễ để nhận ra và thường là dấu hiệu dễ chẩn đoán phân biệt của hen.
- Khó thở: Bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi thở, hơi thở ngắn, gấp, thở hắt ra. Khó thở khiến bệnh nhân co rút người.
- Ho nhiều: Ho kéo dài và diễn ra thường xuyên. Ho trong hen là ho có đờm và rất dễ nhầm lẫn với viêm phế quản, viêm họng…Tuỳ mức độ hen mà cơn ho có thể diễn ra ban ngày hoặc ban đêm hoặc cả 2. Tần suất ho và thời gian ho là dấu hiệu quan trọng để phân loại các mức độ của hen phế quản.
- Nặng ngực: Cảm giác như lồng ngực bị bóp ngẹt
Ngoài ra, ở hen mức độ 3, 4 bệnh nhân còn gặp tình trạng khó ngủ, mất ngủ vì khó thở. Các cơn ho hoặc thở khò khè trở nên trầm trọng hơn mỗi khi mắc kèm các bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm,…
Mặc dù hen phế quản là bệnh mạn tính và không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát và hạn chế được tối đa các triệu chứng của bệnh nếu kịp thời phát hiện. Nếu thấy bản thân có bất kỳ dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến gặp y bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất. Chúc quý bạn đọc luôn khỏe mạnh và bình an.