Mặc dù đã được các cơ quan y tế khuyến cáo về sự nguy hiểm của thạch rau câu đối với trẻ nhỏ, tuy nhiên theo thống kê trên toàn quốc, không ít trường hợp trẻ bị sặc, hóc rau câu dẫn đến tử vong. Đầu năm 2017 tại TPHCM, một cháu bé 5 tuổi đã thiệt mạng vì một miếng rau câu lọt vào khí quảnđể lại sự xót thương cho gia đình và xã hội.
Mục lục
Rau câu là dị vật nguy hiểm
Rau câu là loại dị vật khá nguy hiểm. Khi trẻ ăn rau thường mở hộp và hút thật mạnh vào miệng. Theo cơ chế hoạt động của cơ thể, khi thức ăn vào tới miệng, cơ thể có phản xạ đóng nắp thanh môn để thức ăn xuống đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, do rau câu trơn nên khi trẻ hút mạnh, nắp thanh môn không kịp đóng khiến rau câu chui nhanh vào đường thở làm bé hóc, nghẹn gây nguy hiểm tính mạng.
Áp dụng thời gian vàng khi bị ngạt do rau câu
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết một bé trai 5 tuổi, ngụ tại quận 10 đã được đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu vì bị sặc rau câu. Tuy nhiên, bé đã tử vong bởi quãng thời gian bị ngưng thở đã quá lâu. Trước đó, cậu bé đã ăn rau câu bằng cách hút miếng rau câu ra khỏi vỏ nhựa và không may lọt thẳng vào khí quản thay vì thực quản, khiến đường thở tác nghẽn hoàn toàn. Khi người lớn phát hiện, bé đã tím tái.
Bác sĩ Phương giải thích, khi ăn rau câu, cháu bé thực hiện động tác hút, nắp thanh môn phía trên khí quản mở ra để không khí đi qua. Tuy nhiên, do lực hút quá mạnh, miếng rau câu đã lọt vào miệng, họng mà nắp thanh môn chưa kịp đóng lại nên nó đã lọt thẳng vào khí quản. Tai hại là miếng rau câu mềm và kích thước khá lớn nên đã chặn toàn bộ đường thở cháu bé.
BS Phương chia sẻ, thông thường một người bị ngạt có khoảng 4 phút “thời gian vàng” và họ cần được phát hiện, sơ cứu trước khi hết thời gian vàng này thì hy vọng cứu sống mới cao. Bởi vậy khi trẻ trẻ sặc thức ăn, phụ huynh nên thực hiện 2 việc song song là gọi cấp cứu 115 và tìm cách tống dị vật khỏi đường thở.
Phương pháp cấp cứu
Trường hợp trẻ hóc rau câu còn tỉnh: Cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Bác sĩ Phương hướng dẫn cách thổi ngạt cho trẻ
Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Từ những tai nạn thương tâm trên, các bác sĩ khuyến cáo việc ăn rau câu bằng cách hút khỏi vỏ luôn tiềm tàng nguy cơ bị sặc. Do đó đối với trẻ lớn, gia đình có thể dặn dò trẻ trước khi ăn còn trẻ nhỏ hơn cần cắt nhỏ miếng rau câu ra để đề phòng nguy hiểm.Phương pháp tốt nhất là dùng thìa múc thành từng miếng nhỏ thay vì bóp vỏ đẩy trực tiếp rau câu vào miệng.
Benh.vn (Theo doisongvietnam.vn)