Sau một tuần sốt cao, mệt mỏi, không ăn uống được, các bác sĩ BV Xuyên Á TP.HCM đã phát hiện nguyên nhân gây bệnh cho cụ bà 78 tuổi chính là vết cắn do ve mò gây ra ở vùng kín…
Tìm hiểu về bệnh sốt mò
Sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus Rickettsia Orientia tsutsugamushi gây ra. Bệnh phổ biến ở những nơi có nhiều cây con, bụi rậm, các bãi cỏ ven sông, suối, vùng đất ẩm. Bệnh thường phát triển vào mùa hè và mùa mưa, khi độ ẩm lên cao.
Mò và ấu trùng mò
Đặc điểm, do loại ve mò này khá nhỏ, khi cắn cũng không gây đau đớn nên người bệnh dễ bỏ qua, đôi khi không biết mình có vết loét do mò cắn. Các biểu hiện khi bị ve mò cắn là sốt kéo dài, sốt nhẹ ở 1-2 ngày đầu, sau đó sốt cao liên tục, có thể kéo dài 15-20 ngày. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm cơ tim, suy đa cơ quan… và có thể dẫn đến tử vong.
Cẩn trọng khi bị ve mò cắn
Cụ bà N.T.T. (78 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TP.HCM) được gia đình đưa tới BV Xuyên Á TP.HCM trong tình trạng suy kiệt, mệt mỏi, sốt cao, nôn ói, không ăn uống được. Tìm hiểu nguyên nhân, người nhà bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện, bà T. đã đi thăm vườn, sau đó bị sốt 10 ngày liên tục. Trước đó, gia đình đã đưa bà vào điều trị tại cơ sở y tế địa phương, mua thuốc uống nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Qua kết quả thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có vết thương đóng mày đen đặc trưng ở bẹn phải khoảng 1,5×0,5 cm, có hạch ở 2 bên bẹn. Các bác sĩ nhận định bà T. bị sốt mò cắn nên điều trị đặc hiệu. Sau một ngày uống thuốc, cụ bà đã hết sốt, sức khỏe dần ổn định.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo để tránh bị ấu trùng mò đốt người dân cần hạn chế đến những nơi cỏ cây cối rậm rạp, ẩm thấp; tránh nằm trên bãi cỏ vùng đất ẩm; không phơi quần áo trên bãi cỏ, khi đi thăm vườn cần đeo găng tay; thắt chặt ống quần khi phát hoang xung quanh, đặc biệt cần phun thuốc diệt mò, diệt côn trùng…thường xuyên.
Benh.vn (Theo vietnamnet.vn)