Bản tính của trẻ nhỏ là hiếu động, tò mò, ham khám phá trước những điều lạ lẫm xung quanh. Các bậc phụ huynh lại không có thời gian để theo sát con liên tục, bảo vệ trẻ khỏi những tình huống xấu. Vì vậy dạy cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm là vô cùng cần thiết.
Mục lục
Trang bị kỹ năng cho trẻ như thế nào?
Trẻ thường học theo những thói quen hàng ngày của cha mẹ như ngồi ăn đúng tư thế (Ảnh minh họa)
Kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ sẽ được hình thành một cách tự nhiên từ những thói quen tích cực, lành mạnh trong sinh hoạt hằng ngày của những người thân trong gia đình như rửa tay trước khi ăn, đánh răng trước khi ngủ, không dùng chung các vật dụng cá nhân, …Do đó, nếu muốn dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân thì trước hết người lớn cần thực hành để trẻ quan sát, học hỏi.
Những kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ bản thân
Kỹ năng xử lý tình huống
– Với bản chất thích khám phá, trẻ thường nghịch chơi các đồ vật khá nguy hiểm như dao, kéo, bếp ga, điện, nước sôi… Những lúc này, cha mẹ không nên quát mắng, cấm đoán mà nên tận dụng cơ hội để cùng trẻ trò chuyện về những đồ vật nguy hiểm, chỉ rõ cho trẻ mỗi đồ vật nguy hiểm chỗ nào và vì sao nguy hiểm để trẻ đề phòng và sử dụng đúng cách.
– Hằng ngày bạn hãy cùng con chơi những trò chơi tình huống, đố con nói gì, làm gì khi bị lạc đường, khi bị bắt nạt, bị động vật cắn, giật điện, đứt tay, hỏa hoạn, bị ngạt nước, té ngã… Thông qua những trò chơi tình huống này, cha mẹ có thể đánh giá được khả năng phản ứng của con cũng như kịp thời hướng dẫn con cách xử lý một cách an toàn nhất.
– Cha mẹ cần giúp con phân tích tình huống nào thì tự xử lý ngay được, tình huống nào cần gọi người trợ giúp, đồng thời cung cấp cho con danh sách số điện thoại cần phải ghi nhớ để được hỗ trợ kịp thời trong những tình huống khẩn cấp.
Kĩ năng yêu cầu sự giúp đỡ
– Dạy trẻ ghi nhớ những số điện thoại quan trọng của những người thân trong gia đình đặc biệt là địa chỉ nhà của bạn. Nhớ được những điều này sẽ giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ bị lạc. Tuyệt đối không đi theo người lạ ngay cả khi họ hứa sẽ đưa bé về đến tận nhà. Không chạy lung tung khi bị lạc, đứng yên tại chỗ chờ ông bà bố mẹ quay trở lại, nếu có thể mượn điện thoại người xung quanh để gọi cho bố mẹ
– Dạy cho trẻ cách quan sát môi trường xung quanh mình mỗi khi trẻ đi một mình, cho dù là đường từ trường về nhà hay con đường đến nhà một người bạn. Cho họ lời khuyên khi bất chợt thấy những gì khả nghi trên đường về. Hoặc yêu cầu giúp đỡ nếu nhận thấy những người lạ đáng ngờ sau lưng trẻ.
Khuyến khích trẻ đưa bạn đến nhà chơi (Ảnh minh họa)
– Dạy trẻ kỹ năng nhớ đường và sang đường hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác
– Cố gắng khuyến khích trẻ và bạn bè về nhà chơi để bạn luôn biết được trẻ sẽ đi đâu và làm gì. Chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho trẻ và các hoạt động vui chơi để giúp trẻ tận hưởng thời gian đó một cách thoải mái nhất. Hãy nói chuyện với bố mẹ của bạn bè trẻ và tư vấn cho họ cũng làm tương tự như thế.
Kĩ năng khi trẻ ở một mình
Giúp trẻ sử dụng internet an toàn (Ảnh minh họa)
– Không bao giờ đi với người lạ. Hãy nói với trẻ về sự nguy hiểm khi trẻ ra ngoài một mình. Ngoài ra bạn cũng nên cho bé biết rằng không nên ra ngoài với một người thân quen nào đó mà không hỏi ý kiến của cha mẹ.
– Thời đại công nghệ thông tin phát triển trẻ em sử dụng internet rất sớm, trẻ thường rất muốn thử nghiệm các loại hoạt động diễn ra trên internet mà đa phần các hoạt động đó lại không được công khai. Nhắc cho trẻ biết rằng bất kỳ những gì mà chúng đăng trên internet cũng có thể bị ai đó lạm dụng. Hãy giúp trẻ sử dụng internet một cách an toàn nhất.
Lời kết
Giữa thời buổi hiện đại, nhịp sống hối hả các bậc phụ huynh thường quá bận rộn với cuộc sống và những lo toan mà đôi khi không thể theo sát con mình để bảo vệ và quan tâm trẻ thường xuyên. Trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi những tình huống xấu là việc làm vô cùng hữu ích và cần thiết giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống xung quanh mà vẫn luôn an toàn như khi có cha mẹ bên cạnh.
Benh.vn tổng hợp