Theo đánh giá, giới trẻ hiện nay có xu hướng làm đẹp, thời trang, ẩm thực…theo số đông, có thời điểm tạo thành những trào lưu trong cộng đồng. Nếu đúng kết quả sẽ rất tốt, tuy nhiên ngược lại sẽ để lại nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Trào lưu xông mặt để trị mụn
Nhiều chị em trong giới văn phòng truyền tài nhau cách trị mụn từ phương pháp xông mặt với các loại lá cây như tía tô, lá chanh, ngải cứu… với mong muốn đào thải chất bẩn cho da, trị mụn và làm đẹp da.
Chị V.T.T. (28 tuổi, TP.HCM)
Suốt một thời gian dài, chị V.T.T mỗi ngày đều mua các loại lá tía tô, ngải cứu, kinh giới về đun sôi, rồi xông mặt.
Chị T cho biết “Mỗi lần xông phải úp mặt cách nồi nước vừa đun nóng chừng 20-30cm, nóng lắm. Mặt mình mụn, các vết thâm do mụn để lại rất nhiều nên mình làm đủ mọi cách để trị mụn. Nghe bạn bè mách bảo về xông mặt, mình cũng làm theo. Được chừng một tháng, thấy không có kết quả mà da có vấn đề nên mình ngưng ngay”.
Một bất cập của xông hơi là những phân tử nước len lỏi vào lỗ chân lông, đó có thể là những thành phần gây bít tắc thêm cho nang lông tuyến bã. Do đó việc lạm dụng xông hơi sẽ khiến da mặt hay nổi ra những cồi mụn hoặc nang lông bị to dần.
Ý kiến của chuyên gia
Xông hơi không có tác dụng trị mụn
TS.BS Lê Thái Vân Thanh – phòng khám chăm sóc da, Đại học Y dược TP.HCM cho biết việc xông hơi hay làm ấm vùng da mặt nói chung có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến da (da hồng đỏ hơn), làm cho da được thư giãn.
Tuy nhiên, tác dụng làm giãn nở lỗ chân lông như mọi người vẫn nghĩ thì không thể xảy ra, vì lỗ chân lông được cấu tạo bởi cấu trúc khá vững chắc so với tác dụng tức thì của việc xông hơi. Cấu trúc vững chắc này được tạo nên bởi các tế bào sừng và chất sừng bện chặt nhau. Hơn nữa, việc co giãn nang lông còn bị chi phối bởi cơ giúp sợi lông dựng lên hay nằm xuống.
Xông hơi làm tăng lưu lượng máu đến da khiến da thư dãn chứ không có tác dụng trị mụn
Chất bã nhờn và các hạt ô nhiễm trong nang lông tuyến bã đóng thành một khối chặt ở bên dưới của nang lông với cấu trúc sừng rất dày. Cho nên tác động của hơi ấm không thể đưa những chất đó lên bề mặt da. Tương tự, quan niệm làm lạnh sau khi xông hơi, như đắp khăn lạnh để co lại lỗ chân lông cũng không có tác dụng.
Do đó, những trường hợp như lỗ chân lông to, dễ bị mụn trứng cá, người có bệnh lý của nang lông tuyến bã thì không nên xông mặt, vì như thế sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Với những người bị mụn thì phải trị mụn, không khuyến khích dùng các loại lá xông.
Xông hơi nhiều khiến da mất nước, thô ráp
Theo BS Vân Thanh, các loại lá được nhiều người dùng để xông mặt thường có thành phần tinh dầu cao. Trong đó, nhiều loại tinh dầu có tác dụng làm êm dịu da, sát khuẩn. Tuy nhiên, nếu chỉ đun nấu lên để xông thì rất khó để chiết tách được tinh dầu, ngoài ra chiết tách xong còn phải tính đến vấn đề làm sao cho tinh dầu bốc hơi, thẩm thấu vào da. Do đó, xông hơi bằng lá có tác dụng rất giới hạn trên da.
Qua đó, BS Vân Thanh khuyến cáo: “Xông hơi xong, da sẽ tiếp xúc với môi trường đầy hơi ẩm của nước, các tế bào sừng của da sẽ mềm và dễ bong tróc. Vì vậy, khi xông hơi xong tránh lấy tay hay khăn lau mạnh quá, như vậy dễ làm tổn thương bề mặt da, gây lão hóa da, da sần sùi, xỉn màu nhanh hơn”. Hơn thế nữa, khi xông hơi, cơ thể hấp thu nhiệt nóng nên sẽ tăng tiết mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, gây dễ bị mất nước. Vì vậy, nếu lạm dụng xông hơi, da dễ trở nên thô ráp.
Cẩm nang y học Benh.vn (Theo Tuoitre.vn)