Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch. Vậy nguyên nhân trẻ bị chân tay miệng là gì, triệu chứng và cách điều trị như thế nào mời các bạn tham khảo bài viết sau.
Mục lục
- 1 Nguyên nhân trẻ bị chân tay miệng
- 2 Triệu chứng trẻ bị chân tay miệng
- 3 Các biến chứng khi trẻ bị chân tay miệng
- 4 Phân loại trẻ bị tay chân miệng theo mức độ nặng của bệnh
- 5 Phương pháp điều trị cho trẻ bị chân tay miệng
- 6 Trẻ bị tay chân miệng phải làm gì để mau hết bệnh ?
- 7 Một số sai lầm cần tránh khi trẻ bị chân tay miệng
Nguyên nhân trẻ bị chân tay miệng
Nguyên nhân khiến trẻ bị tay chân miệng là do virus gây ra. Các con đường lây nhiễm bệnh rất đa dạng do đó phụ huynh cần phải nắm chắc để phòng tránh hiệu quả.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là bệnh gì?
Bệnh chân tay miệng (tay chân miệng) là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Bệnh thường tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Biểu hiện của trẻ bị bệnh chân tay miệng là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và miệng. Bệnh chân tay miệng tuy không gây nguy hiểm và có thể tự biến mất sau quá trình chăm sóc nhưng phải cẩn thận trong quá trình trẻ mắc bệnh vì nếu điều trị không đúng cách bệnh có thể biến chứng thành các bệnh nguy hiểm nghiêm trọng khác như: viêm màng não, bại liệt,… thậm chí dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân trẻ bị chân tay miệng và các con đường lây nhiễm bệnh
Nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị chân tay miệng là do virus Coxsackievirus A16 hoặc Enterovirus 71. Hai loại virus này lây truyền qua các con đường sau.
- Lây lan nhanh qua các chất tiết từ mũi, miệng, tay, chân, phân hoặc nước bọt,…
- Tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh.
- Do cầm nắm đồ chơi, chạm vào dịch tiết của trẻ bị bệnh vương vãi trên sàn nhà, ghế, bàn,…
- Có thể lây nhiễm qua người chăm sóc.
- Trẻ em có hệ miễn dịch còn yếu vì thế virus dễ xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột, vào hệ thống hạch bạch huyết từ đó phát triển rất nhanh, dẫn đến các tổn thương ở da và niêm mạc.
Triệu chứng trẻ bị chân tay miệng
Thông thường những trẻ bị chân tay miệng thường có những triệu chứng sau:
- Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ em thường có biểu hiện đặc trưng là bị cúm, trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau cổ họng, sốt nhẹ từ 38 – 39 độ C. Các triệu chứng sẽ xuất hiện sau khi trẻ bị mắc bệnh khoảng từ 1-2 ngày.
- Trên da trẻ bị nổi bong bóng nước, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn.
- Ban đầu có thể các bong bóng nước chỉ phát triển như một vết sẹo nhỏ, mờ, màu đỏ và phẳng. Sau đó mới hình thành bong bóng nước chứa đầy dịch và khi vỡ ra sẽ khiến trẻ đau đớn. Các bóng nước sẽ biến mất sau khoảng 1 – 2 tuần mắc bệnh.
- Nếu trẻ mắc bệnh chỉ nổi bóng nước trong miệng, cổ họng sẽ rất khó phát hiện. Trong trường hợp trẻ có thêm các biểu hiện sốt, không ăn, uống được bạn hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
- Ngoài ra, trẻ còn có các triệu chứng khác như: đau nhức cơ khớp, đau đầu, cứng cổ, ngủ không ngon, hay giật mình, bị chảy nước miếng, thích ăn thức ăn dạng lỏng và uống đồ lạnh.
Các biến chứng khi trẻ bị chân tay miệng
Bệnh chân tay miệng nếu được phát hiện sớm việc điều trị không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nặng nề.
Bệnh chân tay miệng gây mất nước
Những nốt loét trong họng và miệng có thể gây khó uống và khó nuốt, dẫn đến mất nước. Da bị khô, nhăn nheo, không thể đi tiểu, mệt mỏi, sụt cân. Thóp trũng (ở trẻ nhỏ).
Các triệu chứng của nhiễm trùng da gồm: Đau, đỏ, sưng và cảm giác nóng ở chỗ nhiễm trùng. Da rỉ nước hoặc có mủ.
Bệnh chân tay miệng gây viêm màng não
Trong một số trường hợp, bệnh chân tay miệng gây biến chứng của bệnh viêm màng não. Viêm màng não ở trẻ là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống (được gọi là màng não).
Viêm màng não ở trẻ em là bệnh khá nguy hiểm với trẻ, có thể dẫn tới tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ như liệt mặt, liệt chân, tay, liệt người, kém phát triển trí tuệ,…
Bệnh chân tay miệng gây viêm não
Biến chứng nặng nhất nhưng hiếm gặp nhất của bệnh chân tay miệng là viêm não, có thể gây tổn thương não và đe dọa tính mạng.
Phân loại trẻ bị tay chân miệng theo mức độ nặng của bệnh
Bệnh chân tay miệng ở trẻ được phân thành 4 cấp độ. Mỗi cấp độ bệnh chân tay miệng sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 ở trẻ em
Ở giai đoạn cấp độ 1 bệnh thường gây loét miệng hoặc tổn thương da.
Bệnh chân tay miệng cấp độ 2 ở trẻ em
Ở giai đoạn cấp độ 2 bệnh chân tay miệng bắt đầu có biến chứng về tim mạch nhẹ thần kinh, trong đó phân thành 2 phân độ nhỏ:
Cấp độ 2a: Trẻ thường xuất hiện các triệu chứng như: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn mửa, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc một cách vô cớ.
Cấp độ 2b: Được phân ra thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Trẻ giật mình ghi nhận lúc khám hoặc bệnh sử có giật mình trên 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình (ít < 2 lần/30 phút) kèm theo dấu hiệu sau:
- Ngủ gà gật.
- Nhịp tim nhanh trên 150 lần/phút.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Nhóm 2: Các triệu chứng trẻ thường gặp như:
- Người run cầm cập, tư thế ngồi không vững vàng, đi loạng choạng.
- Mắt bị lác.
- Liệt dây thần kinh sọ, nuốt sắc khi ăn uống, giọng nói thay đổi…
Bệnh tay chân miệng cấp độ 3 ở trẻ em
Ở giai đoạn cấp độ này nếu không được chữa trị kịp thời bệnh gây ra các biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng.
- Mạch nhanh trên 170 lần/phút.
- Toàn thân lạnh, ra mồ hôi nhiều.
- Huyết áp tăng cao.
- Nhịp thở nhanh, thở khò khè.
- Rối loạn tri giác.
Bệnh tay chân miệng cấp độ 4 ở trẻ em
- Trẻ có biểu hiện sốc (mạch = 0, huyết áp = 0…)
- Phù phổi cấp, tím tái, SpO2 trên 92%.
- Trẻ thở nấc hoặc ngừng thở.
Phương pháp điều trị cho trẻ bị chân tay miệng
Hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, vẫn có thể làm giảm các triệu chứng, nâng cao miễn dịch cơ thể và chờ đến khi bệnh tự khỏi bằng những phương pháp sau:
- Dùng các loại thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể hạ sốt và giúp giảm đau.
- Súc miệng bằng nước muối ấm (cho ½ muỗng muối vào 1 cốc nước ấm), hoặc các loại nước súc miệng sát trùng khác như nước súc miệng nano bạc.
- Uống thuốc kháng acid, và sử dụng gel bôi gây tê có thể làm giảm đau từ các vết loét miệng.
- Uống nhiều chất lỏng. Chất lỏng rất cần thiết khi con bạn bị sốt. Các chất lỏng tốt nhất là các sản phẩm sữa. Không uống nước trái cây hoặc nước ngọt có gas bởi vì hàm lượng axit của chúng có thể gây ra đau rát ở vết loét.
Trẻ bị tay chân miệng phải làm gì để mau hết bệnh ?
Vì không có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nên người bệnh cần lưu ý chăm sóc sức khỏe tốt, nâng cao miễn dịch, giữ vệ sinh, chống lây nhiễm. Các biện pháp sau đây sẽ giúp trẻ bị chân tay miệng mau hồi phục mà không bị tái phát bệnh.
Cách ly trẻ bị chân tay miệng
Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng của bệnh chân tay miệng, các bậc cha mẹ không nên chủ quan hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế được để khám, xác định đúng bệnh. Trường hợp khám được chẩn đoán mắc bệnh chân tay miệng cần cách ly trẻ tại nhà, không đưa trẻ đến các cơ sở trường học. Bởi đây là bệnh dễ lây chéo qua dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ, phân của trẻ mắc bệnh khi không được vệ sinh đúng cách.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, các bậc phụ huynh cần đeo khẩu trang cho bản thân và trẻ. Để hạn chế lây lan ra cộng đồng, sau khi tiếp xúc cần rửa tay sạch với xà phòng.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ bị chân tay miệng
Khi trẻ bị chân tay miệng thường dẫn tới hiện tượng biếng ăn, kích thức với các loại thực phẩm, để đảm bảo cho trẻ có sức đề kháng mau khỏi bệnh, các bậc phụ huynh cần xây dựng một chế độ đầy đủ các chất dinh dưỡng như sau.
- Khi trẻ bị chân tay miệng thường có vết loét trong niêm mạc miệng gây đau đớn do vậy cần chế biến thức ăn cho trẻ ở dạng cháo, sinh tố, súp hầm kỹ, bột, sữa để tạo cho trẻ khi ăn dễ nuốt. Khi cho ăn nên để nguội hoặc ấm không sử dụng khi còn nóng.
Trẻ thường biếng ăn khi bị chân tay miệng cho nên cần chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. - Nếu trẻ có tâm lý sợ ăn, chán ăn không gắng gượng ép.
- Trẻ bị chân tay miệng thường có vết loét trong niêm mạc miệng do vậy khi cho ăn dùng các loại thìa nhỏ bằng nhựa mềm, không dùng các loại thìa thủy sắt có sắc cạnh để tránh và hạn chế đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi của bé gây cho bé đau đớn.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin C có trong các loại hoa quả và trái cây như: cam, đu đủ, dâu tây, bông cải xanh, súp lơ… Trong quá trình sử dụng trái cây và rau xanh cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trái cây và rau xanh không chứa chất hóa học, thuốc trừ sâu.
- Đối với những trẻ chưa cai sữa vẫn bú bằng sữa mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường không nên dừng lại, cho trẻ bú thành nhiều lần trong ngày.
- Thời gian cho trẻ ăn các bữa nên cách nhau trong vòng 3 – 4 giờ.
- Đối với những trẻ lớn tuổi cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh tình trạng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết.
- Đối với những trẻ từ 5 tuổi trở lên sau khi ăn xong có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý loãng.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ rất quan trọng với trẻ bị chân tay miệng
Trong quá trình điều trị bệnh, cần chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
- Sử dụng xà phòng sát khuẩn để tắm cho trẻ mỗi ngày, tắm trong phòng kín gió và không nên tắm quá lâu.
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng hoặc rửa tay khô loại có nano bạc là tốt nhất để giảm bớt sự lây lan của virus và chống bội nhiễm.
- Các vật dụng ăn uống của trẻ phải được tiệt trùng bằng nước nóng trước khi cho trẻ ăn, không sử dụng chung các đồ dùng.
- Đồ chơi, quần áo của trẻ cần được sát khuẩn bằng nước sôi hoặc các dung dịch sát khuẩn.
Một số sai lầm cần tránh khi trẻ bị chân tay miệng
Rất nhiều phụ huynh lo lắng thái quá mà giữ ấm, tránh nước… dẫn tới bệnh nặng hơn hoặc vệ sinh không tốt. Một số phụ huynh lại chủ quan dẫn tới biến chứng của bệnh. Sau đây là những sai lầm thường gặp của phụ huynh khi trẻ bị tay chân miệng cần phải tránh.
Vệ sinh miệng cho trẻ bị chân tay miệng sai cách
Trẻ em bị chân tay miệng thường bị những vết loét bên trong miệng nên việc vệ sinh và chăm sóc là điều cần thiết. Tuy nhiên, chăm sóc không đúng cách có thể có thể làm vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo đó các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối để vệ sinh răng miệng cho trẻ, vì có thể làm tăng nguy cơ chạm vỡ các vết loét và làm tăng nguy phát sinh nấm.
Thay vì sử dụng khăn sữa và tăm bông chỉ cần sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.
Ủ ấm trẻ bị chân tay miệng quá mức
Nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng ủ ấm cho trẻ quá mức với hi vọng trẻ toát mồ hôi sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên đây là việc làm sai lầm, không những không giúp trẻ hạ sốt, bớt bệnh còn làm tình trạng bệnh chân tay miệng ở trẻ diễn biến xấu hơn, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Lúc này, thay vì ủ ấm trẻ quá mức các bậc phu huynh cho bé mặc đồ rộng rãi, thoáng mát để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Lạm dụng truyền nước cho trẻ bị tay chân miệng
Ngoài ủ ấm trẻ quá mức nhiều bậc phụ huynh còn sai lầm trong việc lạm dụng truyền nước với mong muốn trẻ sẽ mau hồi phục.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, biện pháp truyền nước chỉ nên áp dụng khi trẻ có những biểu hiện mất nước nặng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao và phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ chỉ bị sốt nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà bạn chỉ nên tăng cường cho trẻ uống nhiều nước và các loại trái cây, nhất là các loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Lạm dụng thuốc cho trẻ bị tay chân miệng
Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng các bậc phụ huynh cũng không nên vì quá nôn nóng trong việc điều trị lạm dụng sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Bởi điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, còn làm tăng nguy cơ trẻ bị kháng thuốc kháng sinh, từ đó gây khó khăn trong việc điều trị sau này. Kể cả việc dùng thuốc hạ sốt và vitamin cũng vậy, mọi loại thuốc sử dụng cho trẻ cần phải có sự hướng dẫn và chỉ định của các bác sĩ.
Kiêng khem quá mức cho trẻ
Một điều quan trọng nữa khi chăm sóc trẻ bị chân tay miệng, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đó là tuyệt đối không kiêng tắm. Hãy tắm cho bé mỗi ngày bằng nước ấm để làm sạch cơ thể, giúp bé cảm thấy thoải mái.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng đặc biệt trong môi trường sống của trẻ như nhà trẻ, trường mầm non, trường học…. Do đó, khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh nên chủ động phòng chống bệnh cho con bằng cách cách ly trẻ tại nhà, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý. Khi phát hiện các triệu chứng nặng cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.