Hoạt động của hệ hô hấp
Là một trong những cơ quan trọng yếu quyết định sự tồn tại của cơ thể, hệ hô hấp đảm nhận chức năng xử lý không khí, cung cấp oxy và loại bỏ khí thải giúp duy trì sự sống. Để đảm bảo chức năng này, hệ hô hấp như một cỗ máy hoàn chỉnh hoạt động khép kín gồm nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận có một chức năng riêng.
Mục lục
Không khí khi hít vào sẽ được các cơ quan thuộc đường hô hấp trên (mũi, các xoang cạnh mũi, hầu họng, thanh quản) lọc sạch, làm ẩm và sưởi ấm trước khi theo khí quản đến phổi (đường hô hấp dưới) rồi theo mạch máu đi khắp cơ thể. Lượng khí thải sẽ theo máu trở về phổi và đi qua đường hô hấp trên để thoát ra môi trường bên ngoài. Do vị trí giải phẫu và chức năng hoạt động nên đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với các vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác.
Nhiễm khuẩn hô hấp
Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là bệnh phổ biến, có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao, trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần trong năm (3-5 lần) do đó gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.
Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em nguyên nhân là do vi rút.
Phân loại
Nhiễm khuẩn đường hô hấp được chia làm 2 loại:
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường nhẹ, hay gặp hơn bao gồm: Viêm mũi họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa, các trường hợp ho, cảm lạnh…
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới ít gặp hơn nhưng thường nặng bao gồm các trường hợp viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và viêm phổi.
Triệu chứng
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể biểu hiện bằng nhiều dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, nhịp thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, thở khò khè, tím tái… Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn, bệnh sẽ diễn biến nặng lên nhanh, trẻ sẽ bị viêm phế quản, nặng hơn sẽ dẫn đến viêm phổi. Trên thực tế người ta có thể dựa vào các dấu hiệu ban đầu như ho, thở nhanh và một số dấu hiệu khác như nôn hoặc quấy khóc ở trẻ để phân loại mức độ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Có định hướng điều trị luôn tránh để bệnh diễn biến nặng.
Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là do nguyên nhân vi rút với khả năng lây nhiễm dễ dàng. Tỷ lệ người lành mang vi rút cao và khả năng miễn dịch của vi rút ngắn và yếu. Ở nước ta và các nước đang phát triển nguyên nhân do vi khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng, nấm và ký sinh trùng cũng được nhắc đến là thủ phạm của nhiễm khuẩn tuy rất hiếm gặp.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính
– Trẻ đẻ thiếu cân
– Suy dinh dưỡng cũng là yếu tố dễ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính hơn trẻ bình thường và khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp thì thời gian điều trị kéo dài hơn và có tiên lượng xấu hơn.
– Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.
– Ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ
– Không giữ ấm cho trẻ và chăm sóc trẻ đúng cách lúc giao mùa
– Không được tiên chủng và uống vitamin đầy đủ
Triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp
1. Nhiễm khuẩn hô hấp nhẹ
(Không viêm phổi) trẻ chỉ có dấu hiệu ho, chảy nước mũi, không thở nhanh, không rút lõm lồng ngực. Cần lưu ý rằng phải quan sát nhịp thở của trẻ trong lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ. Trẻ được coi là thở nhanh khi nhịp thở trên 60 lần/ phút đối với trẻ sơ sinh và trên 50 lần/ phút đối với trẻ từ 2-12 tháng, trên 40 lần/ phút đối với trẻ từ 1- 5 tuổi. Dấu hiệu rút lõm lồng ngực ở trẻ dưới 2 tháng tuổi phải là rút lõm lồng ngực mạnh mới có giá trị vì bình thường ở những trẻ này có thể cũng có dấu hiệu rút lõm lồng ngực nhẹ.
2. Nhiễm khuẩn hô hấp thể vừa
(Viêm phổi) nếu trẻ có dấu hiệu thở nhanh nhưng không rút lõm lồng ngực.
3. Nhiễm khuẩn hô hấp thể nặng
(Viêm phổi nặng) khi trẻ có dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Không uống được, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở rít khi nằm yên, rút lõm lồng ngực, suy dinh dưỡng nặng.
- Ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi có dấu hiệu bỏ bú, sốt hoặc hạ thân nhiệt, thở khò khè.
Mặc dù nguyên nhân chủ yếu của viêm đường hô hấp cấp tính là do vi rút nhưng tránh hoàn toàn việc không bị bội nhiễm thêm vi khuẩn là điều khó thực hiện được. Tuy nhiên dùng kháng sinh loại gì và theo cách nào cần phải có chỉ định của bác sỹ.
Nhìn chung các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp trên có thể theo dõi và điều trị tại nhà . Hãy đưa trẻ đến khám lại nếu ho kéo dài hoặc trẻ khó thở hơn, thở nhanh hơn, bú kém, mệt. Nên điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp mức độ vừa trở lên.
Biện pháp phòng ngừa
1. Bảo đảm cho trẻ được bú mẹ sau khi đẻ càng sớm càng tốt
2. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ ăn dặm
3. Bảo đảm vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ
4. Không hút thuốc trong phòng có trẻ nhỏ
5. Luôn giữ ấm cho trẻ về mùa đông và lưu ý khi thay đổi thời tiết.
6. Đảm bảo lịch tiêm chủng đầy đủ
7. Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời.
Benh.vn